Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

GS Trần Văn Khê giới thiệu công trình âm nhạc của con trai

Tạp Chí Giáo Dục

Tối 9/11, tại tư gia GS Trần Văn Khê ở Sài Gòn, con trai ông là GS Trần Quang Hải có buổi giới thiệu vài công trình nghiên cứu âm nhạc. Ca sĩ Bạch Yến, vợ GS Hải, tham gia biểu diễn minh họa.

Trong phần đầu chương trình, giáo sư Khê làm diễn giả giới thiệu những công trình nghiên cứu trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc của con trai ông, vốn được thế giới quan tâm như: Kỹ thuật hát đồng song thanh, sử dụng muỗng (thìa) như nhạc cụ hiệu quả và kỹ thuật biểu diễn đàn môi.

Hát đồng song thanh là kỹ thuật hát độc đáo phát ra hai giọng cùng một lúc ở hai độ cao khác nhau của một số bộ tộc Mông Cổ và nước Cộng hòa Tuva, GS-TS Trần Quang Hải cất công nghiên cứu, phát triển môn nghệ thuật này với những sáng tạo riêng của ông. Đồng thời, ông áp dụng thành công kỹ thuật này vào lĩnh vực âm nhạc thế giới và đương đại, âm thanh học, âm nhạc điều trị học… Giáo sư Hải là người sáng lập ra trường phái hát đồng song thanh ở châu Âu và có khoảng 8.000 người ở 70 quốc gia theo học.

GS-TS Trần Văn Khê (trái) đánh đàn kìm và GS-TS Trần Quang Hải đang gõ nhịp sênh tiền trong một bản nhạc cổ. Ảnh: A.V.

Qua nhiều năm nghiên cứu, GS Trần Quang Hải còn khai thác, hệ thống hóa các kỹ thuật mới trong việc sử dụng chiếc muỗng như nhạc khí tiết tấu để gõ nhịp phụ họa bài hát dân ca. Trong nhiều cuộc liên hoan âm nhạc trên thế giới, Trần Quang Hải được tôn vinh là "Vua muỗng". Theo ông, ở lĩnh vực âm nhạc truyền thống Việt Nam, muỗng có thể thay thế sênh tiền trong nhiều loại nhạc.

Ngoài ra, GS – TS Trần Quang Hải còn sưu tầm được một số lượng lớn đàn môi trong và ngoài nước, đồng thời phát triển nhiều cách biểu diễn tinh vi và đặc sắc loại nhạc khí dân gian này. Ông là một trong mười thành viên sáng lập Hội đàn môi quốc tế.

Theo lời giới thiệu của giáo sư Trần Văn Khê, qua những công trình nghiên cứu nói trên, GS – TS Trần Quang Hải cho thấy điểm độc đáo là, các nhạc cụ này có thể được ứng dụng trong y học như: trị bệnh tâm thần, giúp phụ nữ giảm đau khi sinh nở… Đồng thời, các nhạc khí dân gian thô sơ nhất có thể được dùng trong các loại nhạc thính phòng hay đương đại.

Sinh trưởng trong gia đình 5 đời nhạc sĩ cổ truyền, từ năm 1968 đến nay, GS – TS Trần Quang Hải làm việc cho Trung tâm quốc gia Nghiên cứu Khoa học tại Bảo tàng con người (Musée de lHomme) ở Paris, Pháp. Hơn 40 năm qua, cùng với vợ là danh ca Bạch Yến, ông có trên 3.000 buổi giới thiệu âm nhạc Việt Nam tại 65 quốc gia. Ông còn là giảng viên về nhạc châu Á tại 120 trường đại học trên thế giới và tham dự hơn 130 liên hoan âm nhạc quốc tế.

Thất Sơn (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)