Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Chung kết khu vực Sao mai 2009: Chờ đợi những đột phá

Tạp Chí Giáo Dục

Có kỹ thuật, chất giọng khá, biết biểu diễn… nhưng thiếu cái riêng, các thí sinh miền Trung – Tây nguyên của Sao mai 2009 đã khiến vòng chung kết khu vực đêm 8-11 thành bản sao mờ nhạt của vòng chung kết miền Bắc.

Các thí sinh nữ (hàng trước) giành chiến thắng vòng chung kết khu vực miền Trung – Tây nguyên đêm 8-11-Ảnh: Đức Duy

Chung kết khu vực miền Bắc, Sao mai 2009 (1-11) khép lại với chiến thắng khá thuyết phục của Hoàng Lệ Quyên, Hà Hoài Thu, Nguyễn Thị Việt Hà, Lương Nguyệt Anh, Lê Xuân Hảo… Những gương mặt sáng sân khấu, những giọng hát được đánh giá cao về chuyên môn dù trình bày một tác phẩm nhạc nhẹ, dân gian hay thính phòng đã giúp Sao mai có được bước khởi động ấn tượng đối với khán giả truyền hình.

Xem Nguyễn Thị Minh Chuyên hát Son (Ðức Nghĩa), có thể nhận ra sự trưởng thành của cô so với thuở dự thi Vietnam Idol. Nghe Lê Xuân Hảo trình bày Vang mãi bản tình ca (Trọng Bằng) hẳn công chúng sẽ đồng ý rằng nhạc thính phòng không hề yêu cầu ca sĩ phải gồng mình hát thật to như một số người vẫn tưởng. Thoải mái hát như không hề phải thi thố, Hảo đã chinh phục ban giám khảo để tiến thẳng vào vòng chung kết toàn quốc. Hoàng Lệ Quyên, cô gái 17 tuổi, đứng trên sân khấu với vẻ sang trọng như một quý bà nhưng giọng hát vẫn sáng trong đã giành được nhiều ưu ái của những nghệ sĩ khách mời.

Nên không ngạc nhiên khi khán giả chờ đợi đêm chung kết khu vực miền Trung – Tây nguyên để được tiếp tục thưởng thức các giọng ca chất lượng. Tiếc rằng đến đây thì bạn xem đài đã bị hẫng…

Vẫn có những giọng hát kỹ thuật như Hoàng Viết Danh, Thân Ðình Phương; vẫn có những thí sinh biết lấp sân khấu như Bùi Lê Mận, Vũ Minh Trang nhưng đêm 8-11 lại không cho thấy cá tính của những ca sĩ tương lai. Lần lượt từng thí sinh đã hoàn thành tiết mục hơn là thể hiện tài năng. Kết quả, theo đánh giá của các vị khách mời, người thì "chưa thể hiện được đúng phong cách" (của dòng nhạc), người thì "có vẻ ngoài như rock nhưng không phải", người khác "mất dần cảm xúc" khi càng về cuối càng… đuối dần.

Không ai bắt buộc, nhưng việc nhiều thí sinh miền Trung và Tây nguyên chọn các ca khúc dân gian Bắc bộ để dự thi cũng là một điều đáng tiếc khi âm nhạc dân gian đặc trưng Trung bộ, âm nhạc Tây nguyên đã không có cơ hội vang lên. Nghe trọn một đêm vẫn thèm một câu dân ca Trung bộ, một điệu hát núi rừng, vẫn tiêng tiếc khi Lê Mận lấn cấn vài đoạn phát âm giọng Trung khi thể hiện bài hát lấy ý tưởng từ ca dao Bắc bộ… Các thí sinh đã không khai thác được điểm mạnh của âm nhạc vùng miền hay bị đóng khung về khái niệm âm nhạc dân gian?

Ở một khía cạnh khác, những bài được những người đoạt giải cao năm trước hay "chuyên trị" trong các cuộc thi thố thường được ưu ái chọn để trình bày, dường như xuất hiện tư tưởng "chọn ca khúc dễ đoạt giải". Ðiều này khá an toàn và cũng là một bước tính phù hợp, nhưng cũng khiến Sao mai trở nên một màu, thiếu mới mẻ, dễ bị đánh giá rằng không ấn tượng so với những cái bóng năm trước nếu không có sự bứt phá thật rõ nét.

Cuộc thi Tiếng hát truyền hình toàn quốc (Sao mai) 2009 vẫn còn đêm thi 15-11 tại Nhà hát Quân đội (TP.HCM) để xác định chín gương mặt sẽ đại diện khu vực miền Nam bước vào cuộc tranh tài toàn quốc từ 29-11 đến 20-12. TP.HCM vẫn luôn được xem là mảnh đất đầy màu mỡ của những người yêu ca hát nên đêm thi sắp tới được dự báo sẽ quyết liệt hơn. Qua hai vòng chung kết khu vực, Sao mai tỏ ra ưu thế hơn so với cuộc thi tương tự diễn ra trong cùng thời điểm. Khán giả đang chờ xem ban tổ chức, thí sinh Sao mai thể hiện đẳng cấp của mình.

PHẠM THÀNH NHÂN (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)