Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Không bao giờ quá muộn

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân vật Scrooge trong Giáng sinh yêu thương – ảnh: imdb.com

Đại văn hào Anh Charles Dickens đã viết tác phẩm A Christmas Carol gần 2 thế kỷ trước, nhưng nó chưa bao giờ cũ hay xa lạ với người VN.

Lần lượt là truyện, nhạc kịch và mới đây là bộ phim hoạt hình Giáng sinh yêu thương dựa theo tác phẩm nổi tiếng ấy ra mắt khán giả. Đó là câu chuyện về lão nhà giàu keo kiệt bủn xỉn đến quái gở Scrooge, trong phần đời trưởng thành của mình chỉ biết đến việc kiếm tiền và cất kỹ những đồng tiền đó, không chi bất cứ thứ gì mà lão cho là xa xỉ.

Xa xỉ với Scrooge không chỉ là những đồng xu lạnh giá và nhỏ bé đặt trên mắt thi thể người bạn kinh doanh quá cố Marley, mà còn là những gì nhân danh tình người như lời chúc, là sự quan tâm. Scrooge đi đến đâu, trẻ con câm nín, người lớn run rẩy và ngay cả con chó cũng cúp đuôi chạy trốn. Dường như xung quanh Scrooge là một không gian hắc ám, để ai cũng kinh sợ, tránh xa lão.

Bộ phim A Christmas Carol (Giáng sinh yêu thương – chuyển thể từ truyện ngắn của Charles Dickens) được viết kịch bản và đạo diễn bởi Robert Zemeckis – người từng đoạt giải Oscar đạo diễn xuất sắc nhất năm 1994 cho phim Forest Gump. Ngôi sao điện ảnh Jim Carrey đã lồng tiếng một cách xuất sắc cho nhân vật Scrooge cùng các hồn ma Giáng sinh. Giáng sinh yêu thương đang được trình chiếu ở các rạp tại Hà Nội và TP.HCM. Vở nhạc kịch cùng tên cũng đang được Nhà hát TNT của Anh lưu diễn tại VN.

Sau 7 đêm Giáng sinh tính từ thời điểm ông bạn Marley mất, tưởng như mọi thứ vẫn như thế khi Scrooge khước từ làm ấm văn phòng bằng lò sưởi, để mặc người kế toán Cratchit tội nghiệp mỗi tuần cóng lạnh; khước từ lời mời đến dự bữa ăn đêm Giáng sinh của người cháu trai, miệt thị không tiếc lời những kẻ “nghèo mà lúc nào cũng nói Giáng sinh hạnh phúc!”, Scrooge lê bước về nhà. Đêm Giáng sinh lúc ấy u ám và không có gì khác với chuỗi thời gian mà lão già keo kiệt gần đất xa trời ấy đã từng trải qua…

Theo thuyết của nhà Phật, từ khi sinh ra đến năm 3 tuổi, người ta sống bằng phúc đức của kiếp trước. Từ năm 3 tuổi đến 30, người ta sống để tạo nghiệp cho hiện tại. Và thời gian sau đó của cuộc đời mỗi người chính là tấm gương phản ánh những gì ta đã làm, đã cư xử, đã sống như gieo nhân nào ắt gặt quả nấy.

Scrooge trong chuyến du hành dẫn dắt bởi các bóng ma Giáng sinh (Quá khứ – Hiện tại – Tương lai) – được báo trước bởi hồn ma tội nghiệp Marley bị xiềng xích vào những hòm tiền nặng trĩu – đã thấy tất cả. Thấy một tuổi thơ của cậu bé Scrooge buồn bã nhưng đẹp đẽ, thấy một tuổi trẻ nghèo nhưng rộng mở những cơ hội cho hạnh phúc, và thấy cả sự lựa chọn để thành một Scrooge cay nghiệt sau này. Có lẽ chính quá khứ ấy mới là bó dây gai cào xước trái tim tưởng chai cứng của lão nhà giàu keo kiệt Scrooge, để lão biết run rẩy trước hiện tại, những cảnh đời mà lão đã thờ ơ ngoảnh mặt quay lưng. Và chẳng cần phải đợi đến khi bóng ma của tương lai xuất hiện, Scrooge đã biết trước thứ quả đắng nào đang chờ đợi mình cuối con đường đời.

Nhưng để sống tốt, không khi nào là quá muộn. Dù ai cũng hiểu, không phải lúc nào cũng còn và có cơ hội để làm lại tất cả, để thay đổi ít nhiều kết cục của cuộc đời mình. Scrooge đã biết trân trọng Giáng sinh bởi đó là thời điểm cho và nhận. Đó là thời điểm nghỉ ngơi và hạnh phúc bên những người thân yêu.

Không quá muộn để lão già đã từng cay nghiệt Scrooge tránh được cái chết trong cô đơn ghẻ lạnh. Nhưng vẫn là quá muộn khi cả chuỗi dài cuộc đời đã như con tàu sắp dừng bánh ở sân ga cuối. Cơ hội hạnh phúc lứa đôi ở quãng đời tuổi trẻ là những thứ không bao giờ lấy lại được. Dù có thể từ nay, với Scrooge, Giáng sinh sẽ ngập tràn niềm vui, rực rỡ màu sắc của hạnh phúc ấm áp khi được mở lòng ra với những người xung quanh mình. Sống tốt, đúng là không bao giờ quá muộn, nhưng tại sao phải chờ đến khi quá muộn, để phải bị thức tỉnh bởi những bóng ma?

Cát Khuê (Theo TNO)

Bình luận (0)