Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Vàng tặc” phá nát núi rừng Nam Giang

Tạp Chí Giáo Dục

Núi rừng Đắc Pring tan hoang bởi nạn “vàng tặc”

Đắc Pring, Đắc Pre là hai xã có địa hình hiểm trở thuộc huyện miền núi Nam Giang (Quảng Nam). Nơi đây, vấn nạn khai thác vàng trái phép ở vùng núi này vẫn cứ kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm nay.
Con đường đến với khu vực núi rừng đang bị “vàng tặc” đào xới chỉ cách Đồn biên phòng Đắc Pring tầm 5 đến 6 cây số. Từ trụ sở UBND xã Đắc Pring, chúng tôi bắt đầu chinh phục con đường dằn xóc đủ loại ổ gà, ổ voi với tâm trạng vừa lo lắng vừa muốn tận mắt chứng kiến nơi người dân nhắc đến với cái tên không mấy hiền lành: “Lãnh địa vàng”. Trước mắt chúng tôi, cảnh núi rừng bị phá lở loét như những ụ mối lâu năm. Nhận thấy sự xuất hiện của người lạ mặt, ba thanh niên da rám nắng, vẻ mặt hung tợn tiến lên, hỏi quanh co để ngăn chúng tôi tiến về phía trước. Khi thấy chúng tôi hỏi về khai thác vàng ở đây, họ đều lẳng lặng bỏ đi. Chọn một điểm dễ nhìn nhất, phóng tầm mắt quanh khu vực Khe Lên, chúng tôi thấy một công trường ngổn ngang với 3 máy xúc đang miệt mài xúc đất đổ lên các giàn đãi vàng, hàng chục chiếc máy nổ đang làm việc cật lực cùng với tầm hơn 20 công nhân đào đãi. Cách đó không xa, những chiếc lán dựng rất nhiều thùng phuy đựng dầu chạy máy nổ…  Ông Hiền Hôn, ở thôn 48 (xã Đắc Pring) lắc đầu, cho hay: “Núi rừng bị phá nát, gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng. Tình trạng này kéo dài đã lâu nhưng sự can thiệp dứt điểm của cơ quan chức năng thì chưa biết bao giờ”.
Từ Khe Lên, theo lời người dân chỉ dẫn, chúng tôi men theo lối mòn tìm đến khu vực Khe Nhiên, cách đó không xa. Ở đây, hàng loạt máy móc, dụng cụ đào đãi vàng cũng được bày ra ngổn ngang, diện tích khai thác vàng thậm chí còn lấn sâu vào bên trong Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) sông Thanh hàng cây số. Theo quan sát, các đối tượng “vàng tặc” chọn những đoạn suối có địa hình tương đối bằng phẳng cho tập kết máy móc và con người để tiến hành khai thác. Dòng nước suối chảy dọc Khe Nhiên đều có màu đỏ quạch như nước canh bí ngô.
Ông Nguyễn Trí, Giám đốc Ban quản lý Khu BTTN sông Thanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng sông Thanh cho biết, xã Đắc Pring có 28.000ha đất lâm nghiệp, trong đó 23.000ha có rừng với 7 tiểu khu thuộc vùng lõi Khu BTTN sông Thanh. Đây cũng là điểm mà “vàng tặc” tấn công rất dữ dội vào thời gian qua. Do không thể đẩy đuổi hết nạn “vàng tặc” này nên năm 2013, Ban quản lý Khu BTTN sông Thanh và và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng sông Thanh đã “cầu cứu” chính quyền tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên vẫn không thể đẩy đuổi triệt để. Từ năm 2012 đến nay, Ban quản lý Khu BTTN và Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng sông Thanh đã tổ chức hàng chục đợt truy quét, đẩy đuổi trong Khu BTTN sông Thanh ở Đắc Pring, và đã đập phá 19 máy xúc, nhiều máy nổ, tháo dỡ nhiều lán trại. Nhưng như một loài sâu nhờn thuốc đặc trị, cứ sau mỗi đợt truy quét thì “vàng tặc” lại xuất hiện, đâu vẫn lại vào đó! Có một điều lạ là, muốn vào vùng núi rừng nơi đây thì phải đi qua sự kiểm soát của Đồn biên phòng Đắc Pring. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để các đối tượng “vàng tặc” có thể vận chuyển một số lượng khổng lồ về máy móc, thiết bị đào đãi vàng lọt qua sự kiểm soát trên? Về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Minh Chánh, Đồn trưởng Đồn biên phòng Đắc Pring, nói rằng sự đẩy đuổi vàng tặc ở đây gặp khó (!). Thiết nghĩ, để núi rừng bình yên, đẩy đuổi một cách triệt để vấn nạn đào vàng gây nên nhiều hệ lụy thì cần có sự vào cuộc của các ban ngành chức năng một cách quyết liệt.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên – Thiên Phúc

 

Bình luận (0)