Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhức nhối nhạc chế… sinh viên thích

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ca sĩ thể hiện ca khúc trên sân khấu phục vụ công chúng (ảnh có tính minh họa)

Thời gian gần đây, nhạc chế đang có dấu hiệu nóng lên với nhiều bài hát mới lạ. Sự xuất hiện ngày một nhiều hơn của thể loại nhạc này làm giới trẻ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người nghe, để “cố” hiểu về nhạc chế nhưng chỉ thấy một “núi” câu từ vô nghĩa, chán chường. Thế nhưng, vẫn có một bộ phận giới trẻ chạy theo dòng nhạc này, trong đó phải kể tới giới SV có trình độ văn hóa. Họ thích nghe những gì “trái khoáy”?
Thị hiếu gây “sốc”
Trong một quán net gần cổng trường ĐH KHTN TP.HCM (Thủ Đức), hơn hai chục SV đang chăm chú vào màn hình vi tính. Những cái đầu lắc lư theo điệu nhạc một cách say sưa. Bỗng một giọng nam khàn khàn cất lên, to thất thường (có lẽ do nghe headphone): “Đã lâu không xin tiền cha. Chắc quê mình đang mất mùa. Mẹ hỡi…! Có tiền cho con vài trăm, ít tiền cho con một trăm…”. Gần đó, ba cái đầu chụm vào một máy tính, chốc chốc cả đám lại phá lên cười khoái chí. Thì ra, các bạn SV đang coi chương trình Ai là triệu phú. Ai từng một lần nghe Ai là triệu phú chế này không khỏi rùng mình ngao ngán. Đặc sệt giọng trai Bắc, người dẫn chương trình và người chơi đối đáp rất phản cảm, những lời thô tục… và vô số câu từ, lời thoại chúng tôi không tiện nêu ra đây lại được SV nghe như đang “lên đồng”. Hơn hai tiếng đồng hồ ngồi quan sát, chúng tôi chỉ thấy các SV nam nghe độc một loại nhạc chế như vậy, ít thấy bạn SV vào quán để tra cứu tài liệu học tập.
Ở tiệm net đã vậy, những nơi như quán nước, phòng trọ thì còn lắm chuyện oái oăm. Mới hai tuần trước, một nhóm bạn nữ ba người (đều là SV Khoa Quan hệ quốc tế, ĐH KHXH-NV) mới chuyển tới trọ tại khu phố 6, làng ĐH Thủ Đức. Ở chưa đầy tuần, giờ đã tay xách nách mang về lại thành phố. Hỏi ra mới biết, nhóm bạn nữ trọ gần dãy nhà trọ nam, nên cứ tuần ba, bốn buổi lại được nghe mấy chàng SV “hàng xóm” tra tấn bằng vài bài chế “bất hủ”. Khổ nhất là khi mấy anh chàng này nhậu nhẹt, rồi ca cẩm “Anh em ta về cùng nhau ta đi nhậu này, 5-4-3-2, 1- cầm cho chắc nhé, 2- ta cùng nhau nâng ly, 3- nhìn cho kỹ nhé, không có ai qua vòng”, để rồi khi “tê tê” rượu lại lè nhè “Ai nâng ly, ai cầm ly, ai uống đi, ai cho tôi mượn cái ly”. Xa hơn nữa, đây lại được coi là một thông điệp truyền tải cho mọi người hiểu, như một cách thể hiện cái mới, sự sành sỏi của dân nghe nhạc chế. Cũng giống như hệ lụy từ việc hút thuốc lá, những SV không thích nhạc chế nhưng lại bị ảnh hưởng xấu từ nhạc chế không phải là ít. Bạn Đ.T, SV năm 2 Trường ĐH KHTN TP.HCM không khỏi bức xúc giãi bày: “Phòng em có một đứa “mê” chế rồi hát, mở nhạc rỉ rả suốt ngày. Cứ nghe là em không học được nửa chữ. Có lần mâu thuẫn, hai đứa đã suýt đánh nhau. Chịu không nổi, em đã phải chuyển chỗ ở mới. Giờ cứ đêm ngồi vào bàn học em lại nghe văng vẳng những lời hát chế thiếu văn hóa ấy!”.
Nghe nhiều, lạ tai… rồi thích!
Nhiều bài nhạc chế ra đời từ những bài hát có tên tuổi, đã đi vào lòng người nghe, nên giờ chế lại nhiều người thấy mới mẻ, lạ tai. Với nền nhạc rap, được cải biên lời bài hát gần như toàn bộ, thế là hàng loạt bài hát mới được ra đời. Nhiều SV thừa nhận, ban đầu cũng thấy mấy bài hát này nhảm nhí, nhưng rồi tò mò đi sưu tầm theo phong trào thôi. Thực tế là những bài hát có nội dung phản cảm, những ca khúc mới ra nghe trái tai ngày càng nhiều. Không những chế bài hát mà còn chuyển sang chế các trò chơi nổi tiếng như ai là triệu phú, tôi là ngôi sao… thậm chí là cả kịch chế với ngôn ngữ “trái tai” không kể xiết.
Không ít người phải giật bắn người khi chiếc điện thoại trong phòng trọ ai đó kêu “Bà già tập bắn máy bay, không may đứt dây quần…” “Đ.m. điện thoại kìa mày…”,… để rồi nhiều bạn trẻ sau lúc khó chịu lại “ham vui” hưởng ứng, tải nhạc chế vào máy mình thưởng thức. Đáng lo ngại hơn, giới trẻ bây giờ không thiếu các thiết bị như: điện thoại, ipod (thiết bị nghe nhạc cầm tay), máy tính cá nhân… có thể dễ tìm và download những bài nhạc chế mới lạ, để rồi từ tò mò đến ham thích lúc nào không biết. Người lớn khi lần đầu tiếp xúc đã không khỏi giật mình về thế giới nhạc chế mà mỗi bài hát có đến hàng ngàn lượt truy cập và download từ các bạn trẻ.
Ngay trên giảng đường ĐH, nơi của lối ứng xử văn hóa vẫn tồn tại thứ nhạc chế thiếu lành mạnh. Thường thì vào giờ giải lao các bạn nam lại “họp nhóm” tán dóc, bình phẩm về một ca khúc chế. Dù câu từ nghe trái tai, nhàm chán hay tục tĩu nhưng tất cả đều đồng tình: Nghe chế giúp giảm căng thẳng. Khi được hỏi lí do, N.V.T – SV khóa K07, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM không ngần ngại bày tỏ: “Nghe nhạc chế là để thư giãn, giảm stress. Lời chế lại rất thực tuy có hơi tục tằn, nhưng vẫn còn hơn mấy bài nhạc trẻ dở hơi mà mấy ca sĩ đang hát nhan nhản…”. Vài bạn nam thì cố giải thích: Những bài nhạc chính thống các bạn vẫn nghe bình thường, nghe nhạc chế do phong trào là chính.
Nhạc sĩ An Thuyên đã từng nhận định “Nhạc chế là thứ “hàng giả” trong nền âm nhạc Việt Nam. Cũng giống như các mặt hàng khác trên thị trường như bột nêm giả, bột ngọt giả,… có các đội quản lý thị trường thu giữ, xử phạt thì nhạc chế cũng cần phải được bài trừ”. Nên chăng, nhà trường, đặc biệt ở một số môn đặc thù (mỹ học đại cương, xã hội học…), các thầy cô nên hướng sự thưởng thức âm nhạc cho SV một cách lành mạnh hơn. Vì bên cạnh thị hiếu lành mạnh trong hướng thưởng thức âm nhạc vẫn còn một số SV coi nhạc chế là một món ăn tinh thần.
Chính Thành

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)