Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Một ngày với bệnh nhân K

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh nhân K nằm, ngồi chật kín lối vào nhà vệ sinh
Mới 7 giờ sáng, cái nóng hầm hập bủa vây khuôn viên Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM). Từ cổng bệnh viện đến các lối đi hành lang, khoảnh sân… chật kín người đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Anh bảo vệ dường như bất lực trước những hình ảnh bệnh nhân, thân nhân nằm, ngồi vật vờ chiếm cả lối đi.
Chuyện bên hành lang
Tại lối vào khu xạ trị gia tốc, hơn chục người vật vã chờ đến lượt. Một cô gái trẻ đẹp dìu người phụ nữ có thân hình còm nhom, mặt xương xẩu với vẻ mệt mỏi chen từng bước giữa biển người. Cô tên Vân. Bệnh nhân mà cô chăm sóc hơn tuần qua là bà Nguyễn Thị Hạnh, mẹ chồng của cô đến từ tỉnh Hậu Giang. Dường như không có sự cảm thông nào ở đây, ai cũng cố giữ cho mình một chỗ ngồi, dù ánh nắng chiếu thẳng. Ngó tới ngó lui, không còn chỗ nào khác, Vân đành cho bà Hạnh ngồi cạnh thùng rác. Lấy từ chiếc túi nilon ra một hộp cơm đã ăn dở, bà Hạnh nhìn con lắc đầu, nói gì đó trong miệng nghe không rõ, có lẽ vì mệt mỏi, đuối sức. Vân ôn tồn: “Má phải cố ăn để có sức mà mổ”. Vân cho biết, nếu sức khỏe tốt thì đầu tuần tới BS sẽ tiến hành mổ lần thứ hai, lấy khối u ở trực tràng.
Khu vực hành lang, lối lên phòng mổ, hàng chục người tìm cách chen lấn, viện đủ mọi lý do với bảo vệ để được vào. Kế đó là lối đi ra nhà vệ sinh, thân nhân, bệnh nhân cũng ngồi, nằm chật kín. Người tranh thủ chợp mắt trên ghế đá. Người lo bữa sáng cho người bệnh. Vẻ âu lo lộ rõ trên mỗi gương mặt bệnh nhân. Người nuôi bệnh cũng chẳng khá hơn, lúc nào cũng tỏ ra căng thẳng khiến chúng tôi ái ngại mỗi khi muốn tiếp xúc.
“Bệnh nhân xếp hàng chờ lấy số thứ tự. Không được mua số thứ tự bên ngoài, tránh mất tiền…”. Lời cảnh báo lặp đi lặp lại liên tục được phát ra từ chiếc loa đặt ở khu tiếp nhận bệnh nhân đến khám nhưng không ít bệnh nhân vẫn cố tìm mua một số thứ tự với hy vọng được khám sớm. Cũng tại đây, những đối tượng cò mồi, bán số thứ tự cho bệnh nhân cũng trà trộn, vào vai bệnh nhân để tránh phát hiện. Từng bị lừa bởi bọn cò mồi, bà Nguyễn Thị Ảnh (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) tỏ ra kinh nghiệm. Do phải điều trị ung thư tuyến giáp dài ngày nên mỗi sáng, bà Ảnh thường quẩn quanh khuôn viên bệnh viện hướng dẫn, nhắc nhở bệnh nhân để tránh bị bọn cò mồi lừa gạt. “Tụi nó (tức bọn cò mồi – PV) đòi “xử” tui hoài chứ gì nhưng tui không sợ đâu”, bà Ảnh nói. Với những bệnh nhân nghèo mới nhập viện, bà chỉ dẫn nơi nhận cơm từ thiện và quà của các mạnh thường quân.
Ở góc cầu thang lên khu C, nhiều người đang ngồi chờ kết quả sau lượt khám buổi sáng với nét mặt ủ rũ. Trong số họ, một vài giờ tới sẽ có người nhận kết quả xấu, rồi phải đối mặt với những “án tử”.
Trước “án tử”
Dù bế tắc, dù thần chết sẽ đến với mình trong nay mai khi căn bệnh ung thư quái ác kia đã di căn đến nhiều bộ phận khác trong cơ thể, nhưng họ vẫn sống hết lòng vì nhau, sẻ chia những gì có thể.
Đi trên hành lang không dễ chút nào bởi người bệnh, thân nhân ngồi chật kín, thêm nữa là những chiếc chiếu, đồ đạc đã trải sẵn ra để “giữ chỗ”. “Chuyện giành chỗ nằm ở hành lang bệnh viện không phải là mới, thậm chí đánh nhau đổ máu. Có người hiền lành bị người khác ăn hiếp, mắng mỏ thậm tệ. Cũng là bệnh nhân với nhau nhưng họ đối xử tệ quá”, chị Trần Thị Hậu (bệnh nhân ung thư vú, quê Vũng Liêm, Vĩnh Long) lắc đầu nói.
Cũng bên hành lang bệnh viện ấy, chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến những hình ảnh, câu chuyện đẹp. Có không ít bệnh nhân ung thư vì hoàn cảnh nên dù sức khỏe yếu, đi lại khó khăn phải một mình xoay xở. Có hôm sức khỏe kém, mọi sinh hoạt được những người đồng cảnh ngộ hỗ trợ. Như đêm hôm trước, bà Võ Thị Lành (huyện Tân Trụ, Long An) bị sốt nằm co ro, không dám mở miệng nhờ vả ai vì ngại nhưng chị Hậu tất tả đi mua cháo, pha nước chanh cho bà Lành uống. Còn bà Ảnh thì cái miệng líu lo, mặt lúc nào cũng tươi như hoa như chẳng có bệnh hoạn gì: “Hồi sáng tui có nhận cho chị (tức bà Lành – PV) suất quà từ thiện gồm đường, sữa với 100.000 đồng nè, chị cất đi”.
Hai hôm trước, các cô, các chị đã tiễn một người đồng cảnh tên Liễu (57 tuổi) về quê Tánh Linh, Bình Thuận trước khi trút hơi thở cuối cùng. Nhắc đến, bà Lành rơm rớm nước mắt: “Có thứ gì ngon nó cũng đem cho tôi. Gia cảnh nghèo khó, con cái không ra sao. Chồng thì tối ngày say xỉn, từ khi biết vợ bị ung thư, chồng cũng theo vợ bé…”. Từ hôm bà Liễu đi, khoảng trống ở hành lang bệnh viện đã có bệnh nhân khác thay thế nhưng với bà Lành thì: “Thấy trống trải và lạnh lẽo sao ấy”. Chị Hậu tiếp lời bà Lành: “Mấy chị em người mua bánh, người mua chai nước rồi mua thêm một ghế xe đò cho Liễu nằm. Nó nắm chặt tay từng người, nước mắt giàn giụa. Đó là lần đầu tiên tôi thấy Liễu khóc sau gần một năm quen biết. Về quê được một đêm thì nó mất”.
Bài, ảnh:  Trần Trọng Tri
“Liệu pháp” chiến thắng bệnh tật
BS. Trịnh Thanh Dũng, Bệnh viện Ung bướu chia sẻ: “Tôi thật sự cảm phục những bệnh nhân K giai đoạn cuối. Qua trò chuyện, tôi cảm nhận rằng – chưa bao giờ họ bi quan, chán nản, xem cái chết như một điều gì đó bình thường phải đến với mình. Và đó là một “liệu pháp” chiến thắng bệnh tật, kéo dài sự sống”. 
 
 

Bình luận (0)