Người thầy ấy chẳng mấy khi ngồi ở bàn giáo viên. Thầy thường đứng giữa những hàng ghế, giữa học trò của mình, gần gũi, thân thiện. Giờ giảng của thầy có nhiều tiếng cười, những cánh tay giơ lên tranh nhau phát biểu, những cuộc thảo luận thú vị. Một sự cộng hưởng đầy hứng thú giữa thầy và trò. Thầy là nhà giáo Lê Quang Minh, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM).
Giờ học về sự hình thành của các quốc gia cổ đại, trò hỏi thầy: “Vấn đề hình thành các quốc gia cổ đại đòi hỏi những yếu tố nào?”. Thầy hỏi cả lớp, ai biết, trả lời cho bạn? “Thưa thầy, phải có lãnh thổ; phải có dân chúng; có luật pháp; văn hóa, tôn giáo”… Thầy chờ đến lúc có bạn nói: có bộ máy nhà nước, có chính quyền và gút ý. Giờ học đạt trình độ nhận thức cao khi chính HS đặt ra câu hỏi và tìm ra những câu trả lời khái quát nhất.
1. “Lịch sử là một câu chuyện cổ tích dài, rất hay, nhiều ý nghĩa. Tôi từng nghe các cụ mình kể những câu chuyện rất hay về vua Lê Lợi, Quang Trung. Học sinh rất thích nghe những câu chuyện lịch sử như vậy. Người thầy dạy lịch sử làm nhiệm vụ khơi gợi cho HS cảm nhận cái hay của câu chuyện ấy”, thầy Minh nói. Thầy chọn cách kể chuyện lịch sử bằng hàng loạt câu hỏi liên tục trong giờ học. Những câu hỏi từ dễ đến khó dần và càng cuối giờ càng nhiều HS giơ tay tranh nhau phát biểu.
Bài học về Xã hội nguyên thủy (Lịch sử lớp 10). Bài giảng của thầy đưa HS về với hình ảnh những con người đầu tiên xuất hiện còn mông muội, ăn sống nuốt tươi. Hai triệu năm sau con người biết tạo ra lửa, ăn chín, não phát triển. Lửa là phát minh vĩ đại nhất của loài người giai đoạn nguyên thủy. Thầy đặt câu hỏi: “Theo em, sự kiện nào là quan trọng nhất trong lịch sử phát triển thời nguyên thủy?”. Lớp học xôn xao với rất nhiều phương án trả lời: có bạn nói thời kỳ đá mới, có bạn nói đó là sự xuất hiện của lửa, có bạn nói sự xuất hiện loài người mới là quan trọng nhất vì không có con người làm sao có lịch sử loài người, làm gì có lửa!
Sự xuất hiện của lửa, đúng rồi. Nhưng sự xuất hiện của loài người cũng có lý. Một cuộc tranh luận sôi nổi diễn ra, lớp học chia làm hai phe: phe chọn “lửa’’, phe chọn “ loài người” và cả lớp hồi hộp chờ thầy “xổ số” – tức là lúc thầy công bố câu trả lời đúng.
Đáp án đúng là sự xuất hiện của lửa, nhưng đáp án “loài người” cũng có điểm thưởng vì đó là đáp án của kiểu tư duy thông minh.
Cứ vậy, lớp học của thầy Minh luôn “có lửa”. Thầy là người nhen nhóm lửa và học trò thổi bùng ngọn lửa cho tiết học.
2. “Từ thời học sư phạm tôi luôn nghĩ về những tiết học vui vẻ, hình ảnh người thầy thân thiện. Thầy không vui, không thoải mái, HS sẽ thụ động ngồi đợi thầy đọc, chép. Nếu khơi đúng mạch tư duy của HS, môn lịch sử không hề khô khan như người ta nghĩ. Cái gì tự HS nói ra, các em sẽ dễ tiếp thu và khắc sâu hơn thầy nói” – thầy Minh tâm sự. Và thầy luôn tìm cách để HS mở lòng mình, mạnh dạn phát biểu bằng hàng loạt câu hỏi theo ý đồ sư phạm từng bài. Thầy hỏi liên tục, những câu hỏi theo hướng khó dần, đòi hỏi độ tư duy cao hơn. Nhưng lúc nào cũng vậy, càng cuối giờ càng nhiều cánh tay giơ lên…
3. Một lần dạy lớp HS giỏi, thầy Minh hỏi: “Bản sắc văn hóa dân tộc VN là gì?”. Rất nhiều phương án trả lời: đấy là bánh trung thu, Tết Nguyên đán, trầu cau, lòng yêu nước…
Bất ngờ một HS nam nói: “Thưa thầy, văn hóa VN bị ảnh hưởng phương Tây rất nhiều từ chữ viết, trang phục, áo dài đồng phục các bạn nữ giờ cũng đổi sang váy rồi… Em thấy khó xác định rõ cái gì là bản sắc riêng, nhưng có một điều rõ ràng là chúng ta hội nhập nhanh và biết tiếp thu nhiều cái hay từ phương Tây…”. Thầy hỏi tiếp: “Vậy chúng ta thành người phương Tây rồi sao?”. Cả lớp suy nghĩ… và một nữ sinh đứng lên: “Thưa thầy, có thể chúng ta ảnh hưởng văn hóa phương Tây nhưng trong ý nghĩ ta là người VN, có lòng tự hào của dân tộc VN…”.
Đó là cuộc tranh luận của những HS lớp 10. Và không có gì hạnh phúc hơn đối với người thầy khi tiết dạy của mình đưa HS đến những đúc kết nhận thức đỉnh cao như vậy!
Môn lịch sử là một câu chuyện hay, nhiều ý nghĩa. Người thầy là người khơi gợi cho HS cảm nhận cái hay của câu chuyện ấy. Thầy Minh tâm niệm: người thầy phải nắm vững kiến thức, từ đó mới biết chấp nhận và gợi mở những cảm nhận đôi khi rất khác nhau của HS. Mỗi sự kiện lịch sử là kết quả của nhiều sự kiện, diễn biến trong quá khứ và là nguyên nhân của những sự kiện tiếp theo. Học lịch sử, HS không phải học thuộc lòng mà chính là học cách nắm bắt ý nghĩa lớn lao của sự kiện ấy. Và những câu chuyện lịch sử được kể bằng hệ thống câu hỏi của thầy giáo Lê Quang Minh vẫn đang được kể trong từng tiết học bằng chính sự cộng hưởng đầy hứng thú từ học trò của mình.
Biến điều sợ thành điểm thưởng
Các em sợ nhất cảnh mặt đối mặt với thầy lúc trả bài đầu giờ. Những điểm thưởng từ những phát biểu đúng và hay trong giờ học của thầy Minh được cộng dần thành điểm kiểm tra miệng. Theo thầy Lê Quang Minh, việc cho điểm thưởng là một cách khen thưởng kịp thời, khuyến khích HS đóng góp xây dựng bài. Khi HS trả lời được những câu hỏi của giáo viên trong giờ học, tức là các em đã hiểu bài, thuộc bài ngay tại lớp. “Trong những cánh tay giơ lên, tôi ưu tiên những HS giơ tay trước và những em chưa có điểm thưởng. HS của chúng ta học quá nhiều môn, không nên bắt các em mất quá nhiều công sức cho môn của mình”.
PHÚC ĐIỀN (TTO)
Bình luận (0)