Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những nhà giáo đi B thời chống Mỹ – Bài 3: Cô giáo mang bầu… vượt Trường Sơn

Tạp Chí Giáo Dục

Hiệu trưởng Phan Huỳnh Hoa cùng nữ sinh Trường cấp 3 Trưng Vương năm 1997 Đợt đi B đầu năm 1973 có rất nhiều sinh viên sư phạm mới ra trường tuổi chỉ ngoài đôi mươi, một số ít thầy cô đã có gia đình nhưng cũng đành phải để người thân ở lại miền Bắc.

Trong đó có một cô giáo phải gửi đứa con ba tuổi nhờ ông bà ngoại nuôi và giấu mình đang có thai để cả hai vợ chồng cùng vượt Trường Sơn trở về miền Nam hoạt động. Chị là nhà giáo Phan Huỳnh Hoa – nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TP.HCM.

Đường hành quân của một… thai phụ

m 1964 sau khi tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Hà Nội, cô giáo Phan Huỳnh Hoa bắt đầu nung nấu quyết tâm trở về quê hương miền Nam. Nhưng cơ hội vẫn không đến với cô giáo dạy hóa Trường cấp 3 Phù Dực (Thái Bình) khi kế hoạch đi B lần đó bị hoãn lại. Mãi đến năm 1973, khi chồng chị vừa đi nghiên cứu sinh ở Nga (Liên Xô cũ) về, đôi vợ chồng trẻ gốc Sài Gòn mới có tên trong danh sách ra mặt trận. Biết đi là nhớ khi đứa con trai đầu lòng tròn ba tuổi nhưng anh chị đã quyết định gửi cháu cho ông bà ngoại cũng là cán bộ tập kết nuôi dưỡng. Cũng thời điểm này chị biết mình đã có thai, hai vợ chồng vừa mừng lại vừa lo: “Nếu cho tổ chức biết thì chắc chắn chị phải ở lại nhưng ra đi thì vất vả không thể nào lường hết được”. Thế nhưng với quyết tâm chờ đợi từ lâu, mọi lo âu của anh chị đều thoáng qua nhanh và họ quyết định lên đường. Chị Hoa tâm sự: “Bây giờ nghĩ lại cũng thấy mình hơi liều vì thanh niên đi một mình đã khổ đằng này thân phụ nữ còn bụng mang dạ chửa. Nhưng do lòng nhiệt tình cách mạng nên lúc đó khó khăn mấy cũng không sợ mà lấy đó làm niềm tự hào. Hơn ba tháng trời băng rừng lội suối, chị đã bị nhiều cơn sốt rét ác tính hành hạ nhưng may cho chị là gặp được bác sĩ ở các trạm quân y dọc đường đi tận tình cứu chữa nếu không e khó lòng qua khỏi. Sức khỏe tạm hồi phục, chị lại xốc ba lô lên vai hành quân tiếp, khi thấy mệt quá thì chị lại ném bớt đồ ra để đi bộ được bền hơn. Đi bộ cả ngày rất mỏi nên cứ trông có xe để quá giang nhưng lên xe ngồi chị lại bị ói và suốt cả chặng đường không ăn uống gì được, sức khỏe cứ suy sụp hẳn làm ai cũng lo lắng. Vất vả nhất là những ngày mưa lũ trong rừng, vắt bám đầy chân, mưa ngập đường ngập suối anh em muốn tìm một chỗ đặt ba lô dừng chân nghỉ cũng không có đành cứ thế mà đi, đi hoài không biết mỏi. Những cơn sốt rét rừng làm chị càng lo hơn cho cái bào thai trong bụng, nhưng với ý chí của người chiến sĩ cách mạng cùng sự may mắn nên đến tháng 12-1973 tại Bệnh viện Ban Tuyên huấn (B14) ở Tây Ninh chị đã hạ sinh một cậu con trai trong niềm vui chung của đồng đội.

Đến thăm chị trong ngôi nhà ở đầu con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Tri Phương (quận 10) tôi như được xem một cuốn phim quay chậm khi nghe “người thai phụ năm xưa” kể về những tháng ngày vượt Trường Sơn về Nam hoạt động cách đây tròn 35 năm. Trong cuốn phim đó có nhiều gian lao vất vả, lửa đạn khói bom dường như không thể chiến thắng được lòng quả cảm của người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, trong đó có nhà giáo Phan Huỳnh Hoa.

 

Đổi mọi thứ để có sách bút

Trường cấp 2-3 của Miền nằm khuất trong cánh rừng già ở Cần Đăng, huyện Tân Biên (Tây Ninh) với những lớp học mái lá đơn sơ có hơn 400 học sinh theo học. Ngoài những cán bộ cơ sở đi học để hoàn thành trình độ văn hóa cấp 2, cấp 3 còn có nhiều em thiếu nhi con cán bộ Trung ương Cục và cán bộ trong nội thành ra. Cũng giống như bao ngôi trường khác trong R, ngôi trường của chị mọc lên từ bàn tay cần cù của thầy trò vùng chiến khu. Ngoài đứng lớp, chị còn phải tự biên soạn toàn bộ chương trình và sách giáo khoa bộ môn hóa cho học sinh từ lớp 8 đến 12. Rất may trước khi đi B là chị đã “thủ” được một số sách giáo khoa mang theo và trở thành “cẩm nang” quý giá nhất trong chiến trường. Có những khối lớp không có tài liệu thì chị “săn lùng” từ những học trò mang ở Sài Gòn ra để viết thành sách dạy. Hết giờ lên lớp, thầy cô lại “hóa thành những người nông dân” ra rẫy trồng rau, nuôi heo gà… để tự cung tự cấp nguồn thực phẩm giúp thầy trò có thêm sức khỏe bám trụ trường lớp. Chị Hoa nhớ lại: “Gia súc, gia cầm của thầy trò trong rừng nuôi không cần chuồng trại gì cả. Ban ngày chúng kiếm ăn khắp nơi, tối đến heo ngủ dưới gốc cây, còn gà thì đậu ở trên cành mặc kệ pháo, bom của giặc”. Khi thiếu giấy bút, phấn mực thì giáo viên lấy thuốc chữa bệnh, thực phẩm ra cửa khẩu biên giới đổi cho người dân vì thế nhiều lần không có hàng tiếp viện nhưng thầy trò vẫn có đồ dùng học tập đầy đủ không có học sinh nào mất bài đói chữ vì thiếu thốn.

Tiếp tục cống hiến

Nói sao hết nỗi vui mừng của chị khi trở lại tiếp quản Sài Gòn năm 1975. “Hai mươi mốt năm dằng dặc xa quê/ Nay mới về thăm, mừng tái tê” là tâm trạng của chị khi đứng trước ngôi nhà cũ của mình trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh. Bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu bỗng ùa về trong ký ức của người hồi hương: Con đường đến Trường TH Lam Sơn, lối ra chợ Bà Chiểu mỗi khi theo mẹ đi mua quần áo mới, khuôn mặt người thân trong ngày ly biệt… Vợ chồng chị cũng vui mừng đón cậu con trai lớn từ ngoài Bắc vào, gia đình được đoàn tụ và sau đó chị cùng với mọi người bắt tay vào công việc mới.

Trường cấp 2, 3 Trưng Vương (quận 1) nơi chị về nhận chức hiệu trưởng năm 1975 có một cơ ngơi thật khang trang. Giáo viên và nhất là đội ngũ giám thị có tinh thần làm việc tốt nên ai cũng được trọng dụng và giữ nguyên công việc như trước đây. Giáo viên các bộ môn đa số là trí thức tại chỗ nên thích ứng nhanh với thời cuộc mặc dù chương trình giảng dạy hoàn toàn mới lạ đối với họ, nhất là các bộ môn khoa học xã hội. Thế nhưng càng ngày trường càng thiếu giáo viên do nhiều người nghỉ việc và một số đi ra nước ngoài bằng con đường “vượt biên”. Khoảng trống về đội ngũ đã ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng giảng dạy và trở thành khó khăn kéo dài của ban giám hiệu trong 10 năm đầu giải phóng. Cứ tưởng hết chiến tranh giáo viên sẽ bớt khó khăn nhưng rồi mọi người lại phải đối đầu với nhiều “gian nan” khác. Năm nào trường cũng gần 60 lớp học mà chỉ có hơn 100 giáo viên nên công việc từng người gánh không xuể. Chị phải tìm cách “giật gấu vá vai” động viên anh em “cứu giúp” cho nhau, tranh thủ “dạy choàng, dạy thế” trên tinh thần cống hiến. Nhờ sinh viên trẻ ra trường, các giáo viên khác chuyển về từ từ bù đắp vào “chỗ trống” nên đội ngũ ngày một lớn mạnh dần, chất lượng ngày một đi lên. Hai đứa con của chị lúc này vẫn còn nhỏ nhưng chị đành gửi cho hai bên nội ngoại để hàng ngày có mặt tại trường từ 6 giờ sáng cho đến khi nhóm học sinh cuối cùng về hết chị mới về. Bây giờ nghĩ lại chị thật sự cảm ơn ba mẹ, gia đình và cả đồng nghiệp đã giúp chị làm tròn “bổn phận” của người nữ hiệu trưởng trong suốt thời gian dài có nhiều niềm vui và cũng không ít nỗi buồn lo.

Hương Thủy

Bình luận (0)