Suốt 35 năm qua, bên bờ vỹ tuyến 17, hai mẹ con bà Trần Thị Nguyệt và Phạm Thị Phượng thầm lặng với công việc chăm sóc các phần mộ liệt sĩ. Với cả hai người phụ nữ ấy, gần 6.000 anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ ở đây như người thân ruột thịt và công việc của họ vì thế đều xuất phát từ tình yêu…
Suốt 35 năm qua, nhiều thân nhân liệt sĩ quen thuộc với hình ảnh hai mẹ con bà Nguyệt lặng thầm với công tác quản trang trên miền đất thép
Nối nghiệp mẹ
Trong khuôn viên rộng hơn 5ha của Nghĩa trang Vĩnh Linh, từ sáng sớm, chị Phạm Thị Phượng (sinh năm 1986) đã tất bật với công việc quét dọn, cắt tỉa cây, chuẩn bị cho một ngày mới đón nhiều thân nhân gia đình liệt sĩ ghé thăm. Tròn 13 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, chị Phượng lặng lẽ công việc chăm sóc gần 6.000 phần mộ liệt sĩ nằm lại bên bờ vỹ tuyến 17 này.
Cơ duyên đưa chị Phượng gắn bó với công việc thầm lặng ấy từ những ngày còn bé, khi được mẹ đưa theo cùng ra nghĩa trang làm việc. Năm 1978, khi vừa tròn 20 tuổi, mẹ chị Phượng – bà Trần Thị Nguyệt tình nguyện nhập ngũ, vào Binh đoàn 12 (Sư đoàn 470) tham gia mở đường Trường Sơn. 3 năm sau đó bà Nguyệt phục viên do sốt rét ác tính khiến sức khỏe yếu. Trở về quê nhà xã Vĩnh Nam (nay là xã Trung Nam, huyện Vĩnh Linh) nghỉ ngơi được 2 năm thì bà tình nguyện làm quản trang chăm sóc phần mộ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Vĩnh Linh. Những năm đầu khi nghĩa trang chưa có nhà quản trang, mỗi ngày bà Nguyệt lọc cọc đạp xe hơn chục cây số, đến chăm sóc, quét dọn, trồng hoa, cây xanh đến tối mịt mới trở về. Năm 1987, khi nhà quản trang được xây dựng, bà Nguyệt mới có chỗ nghỉ trưa, trực qua đêm mỗi khi đón các đoàn thân nhân liệt sĩ ghé thăm.
Khi con gái út Phạm Thị Phượng đến tuổi chập chững biết đi, nhà neo người, bà Nguyệt đưa con đi theo mỗi ngày đi làm. Để giảm bớt đoạn đường xa, con cái nheo nhóc, bà Nguyệt quyết định dọn về ở gần nghĩa trang. Chị Phượng kể lại: “Ban đầu tôi theo mẹ chơi, khi lên cấp 2, tôi được mẹ hướng dẫn quét dọn, chăm sóc phần mộ các bác. Từ đó, mỗi ngày sau giờ học, tôi quen với công việc trong khuôn viên nghĩa trang này. Lớn lên chút nữa, tôi thấm lời dạy của mẹ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, mà gần hơn đó là nghĩa tình với các bác đã vì cuộc sống yên bình của quê hương. Đó là lý do khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết định theo học trung cấp văn thư để trở về cùng mẹ chăm sóc mộ phần các bác ở đây”, chị Phượng bộc bạch.
Chị Phạm Thị Phượng chăm sóc các phần mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Vĩnh Linh
Năm 2010, bà Nguyệt nghỉ hưu, chị Phượng viết đơn tình nguyện tiếp nối công việc của mẹ. Ngày nộp đơn tình nguyện lên Phòng LĐ-TB&XH huyện, nhiều người ái ngại vì Phượng còn quá trẻ lại chọn công việc và vất vả lại khá thầm lặng có phần trái ngược với tuổi trẻ sôi động. Chị Phượng vẫn quyết tâm: “Tôi từng cùng mẹ tham gia công việc quản trang nhiều năm, cảm phục sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ và muốn gắn bó với nơi này, để chăm sóc ngôi nhà của các bác chu toàn như một sự tri ân”.
Thầm lặng bằng tình thân
Mỗi ngày làm việc của chị Phượng thường kết thúc khi đồng hồ điểm 20 giờ đêm. Vào thời điểm nắng nóng, để cây xanh tốt, chị làm các công việc khác trong ngày, từ quét dọn, tỉa cành, vun gốc cây và chờ trời tối hẳn mới bắt đầu tưới nước cho cây, hoa. Suốt 13 năm nay như thế. Bà Nguyệt dù nghỉ hưu nhưng ngày nào khỏe vẫn ra nghĩa trang cùng con gái. Hai năm trước, cấp trên bố trí thêm một đồng nghiệp nam nên các công việc có phần nặng nhọc của chị Phượng được san sẻ rất nhiều. Nghĩa trang rộng, các liệt sĩ ở đây đến từ 43 tỉnh thành trên cả nước. Khuôn viên nghĩa trang qua bàn tay chăm sóc của mẹ con chị Phượng suốt mấy chục năm, có nhiều hàng cây thẳng tắp, cây ăn trái như bơ, bưởi, na… trĩu trái, mặc cái nắng hè đổ lửa chói chang đến tận chiều muộn.
Đang dở câu chuyện với tôi, chị lại tất tả đón một đoàn thân nhân liệt sĩ đến từ Thanh Hóa. Chị hỏi thăm sức khỏe của mọi người sau một chặng đường dài trước khi chỉ dẫn đúng phần mộ liệt sĩ cần tìm. Chị Phượng bảo: “Mấy chục năm qua tôi đã quen thuộc với nơi này, dù có nhắm mắt thì tôi vẫn định hình được lối đi đến các khu mộ”.
“Tuổi thơ tôi được nghe mẹ kể về nỗi đau chiến tranh. Nối tiếp công việc của mẹ, một phần tôi muốn chia sẻ trăn trở của mẹ với đồng đội, phần khác tôi muốn gửi đến các bạn trẻ thông điệp về lòng biết ơn, khắc ghi công lao các anh hùng liệt sĩ xả thân vì hòa bình”, chị Phạm Thị Phượng bộc bạch. |
Nở nụ cười tươi khi tôi hỏi lý do gắn bó với nơi này, chị nói: “Ở đây, tôi coi các bác như người thân của mình. Đó cũng là lý do, nhiều lần tôi có cơ hội làm việc ở các nơi khác nhưng tôi vẫn chọn ở lại nơi này. Tuổi trẻ, các bác đã rời xa quê hương mình, ngã xuống mảnh đất này để đất nước được hòa bình, trẻ con hôm nay được đến trường và mọi người có những giấc ngủ ngon. Vì vậy, tôi muốn góp sức mình chăm sóc phần mộ các bác. Năm nào cũng vậy, vào thời khắc giao thừa, sau khi thắp lên ban thờ tổ tiên nén nhang, tôi cùng mẹ ra nghĩa trang cùng các bác để đón chào năm mới”.
Không chỉ chăm sóc khuôn viên nghĩa trang, chị Phượng còn hỗ trợ thân nhân liệt sĩ tìm kiếm, tra cứu thông tin người thân. Vào ngày giỗ, hay dịp lễ tết, chị thường hỗ trợ các gia đình thân nhân liệt sĩ ở xa mua hương hoa dâng mộ. Mọi việc chăm sóc được chị quay trực tiếp để giúp người thân các liệt sĩ an lòng.
Mỗi năm vào tháng 7, dòng người hành hương về Quảng Trị thăm chiến trường xưa và đồng đội, công việc của chị Phượng tất bật hơn ngày thường. Chị nói, mỗi năm hoặc vài năm một lần, người thân của các bác mới có điều kiện ghé thăm vì vậy chị cố gắng chu toàn để gia đình các bác cảm nhận được sự ấm áp, nghĩa tình nơi người thân mình nằm lại.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)