Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam nhưng hiện tại đang có nguy cơ bị mai một. Mới đây, sinh viên Nguyễn Ngọc Bão Quỳnh và nhóm Tễu (cùng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Hồ Chí Minh) đã thực hiện một dự án rất thiết thực mang tên “Tễu à Tễu ơi – Hồn Việt ngàn đời” nhằm tìm lại dấu ấn vàng son cho bộ môn nghệ thuật múa rối nước, đồng thời mong muốn lớp trẻ kế thừa và phát triển bộ môn này hơn nữa…
Bão Quỳnh thực hiện dự án “Tễu à Tễu ơi – Hồn Việt ngàn đời”
Không để múa rối nước bị mai một
Nguyễn Ngọc Bão Quỳnh sinh năm 2002, từ nhỏ đã rất đam mê nghệ thuật. Bão Quỳnh theo học ngành quan hệ công chúng và tổ chức sự kiện với mong muốn được thỏa mãn ước mơ được tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật mang tính truyền thống phục vụ khán giả trẻ.
Khi được hỏi vì sao chọn bộ môn nghệ thuật múa rối nước để truyền cảm hứng đến với các bạn trẻ, trưởng nhóm Tễu Bão Quỳnh cho biết: “Múa rồi nước là loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc và độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Không giống với loại hình văn hóa nghệ thuật khác, sức hấp dẫn, lôi cuốn người xem thường thông qua kịch bản, ngôn ngữ và được thể hiện bằng nghệ thuật diễn xuất của diễn viên, thì với múa rối nước, sức hấp dẫn lại nằm ở hành động của con rối, ở kỹ thuật biểu diễn, ở kịch bản, lời thoại, tiết tấu âm nhạc và cả ở sân khấu nước… Múa rối nước thường được đem ra biểu diễn, thi tài phục vụ nhân dân, từ đây nghệ thuật múa rối trở thành thú chơi tao nhã, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân đồng bằng Bắc bộ. Tuy nhiên, trước dòng chảy của các loại hình nghệ thuật hiện đại như hiện nay, việc giữ gìn, phát huy nghệ thuật này gặp không ít khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất là việc thu hút và giữ chân lực lượng kế cận, nhất là các bạn trẻ. Đây cũng là bài toán nan giải mà những người đam mê với nghệ thuật múa rối nước truyền thống đang đau đáu từng ngày. Đối với Quỳnh, là một người trẻ, chúng ta hãy tận dụng sức trẻ cùng với việc học hỏi những kinh nghiệm của những người đi trước, để từ đó có thể tạo ra những chương trình tôn vinh văn hóa Việt Nam. Dự án “Tễu à Tễu ơi – Hồn Việt ngàn đời” với thông điệp “Đừng mãi chạy theo thời đại mà quên mất bản sắc văn hóa nghệ thuật truyền thống”. Đây như một lời kêu gọi bạn trẻ hãy thử sống chậm lại một nhịp, dành chút thời gian nhìn lại những giá trị đáng tự hào của dân tộc ta…”.
Bão Quỳnh tham gia một buổi giao lưu về “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống”
Bão Quỳnh trăn trở: “Nếu để bàn luận về những “xu hướng” thời trang, công nghệ, âm nhạc… đang thịnh hành thì có lẽ sẽ không khó đối với những bạn trẻ hiện nay. Tuy nhiên, khi nói về những loại hình văn hóa nghệ thuật mang giá trị truyền thống – nét đẹp đặc trưng mà có thể chỉ tồn tại ở Việt Nam như múa rối nước thì chắc hẳn phần đông gen Z sẽ lúng túng vì những kiến thức mơ hồ thoáng qua. Vì thế “Tễu à Tễu ơi – Hồn Việt ngàn đời” như một lời kêu gọi để gợi nhớ về nhân vật Tễu nói riêng và bộ môn nghệ thuật múa rối nước nói chung một cách chân thật nhất”.
Dự án thành công ngoài mong đợi
Dự án “Tễu à Tễu ơi – Hồn Việt ngàn đời” thành công ngoài mong đợi, tạo được tiếng vang trong giới học đường cũng như được các bạn trẻ sinh viên – học sinh chia sẻ rộng rãi trên cộng đồng mạng. Để thực hiện dự án, nhóm đã mời nghệ nhân Phan Thanh Liêm – Truyền nhân thứ 7 của gia đình có truyền thống múa rối nước, là người tiên phong mang múa rối nước “di động” đi quảng bá ở nước ngoài. Ông từng được mời biểu diễn múa rối nước tại Lễ hội phương Đông của Ý với những câu chuyện dân gian đương đại, kể về lịch sử hào hùng của dân tộc như: Chú Tễu, Lê Lợi trả gươm, Vinh quy bái tổ, Múa lân, Múa tiên, Tứ Linh… Khách mời thứ 2 là đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn – Giám đốc Nhà hát Múa rối Rồng Vàng TP.HCM, người đã 2 lần đưa múa rối nước sang Nhật Bản biểu diễn giao lưu văn hóa.
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, độc đáo chỉ có duy nhất ở Việt Nam nhưng hiện tại đang có nguy cơ bị mai một
Có thể nói hiện nay, nhiều người trẻ không hề quay lưng lại với loại hình nghệ thuật truyền thống. Với họ, nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy, và nếu được khơi thông sẽ phát triển không ngừng, lan tỏa trong cộng đồng. Để làm “sống lại” một kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc, nhất là nghệ thuật múa rối nước, hơn lúc nào hết cần có sự chung tay của thế hệ gen Z. |
Nghệ nhân Phan Thanh Liêm cho biết: “Đây là một dự án thú vị và rất hay về nghệ thuật múa rối nước. Tôi tin rằng chính Bão Quỳnh và các bạn nhóm Tễu sẽ là cầu nối giúp bộ môn này đến gần với tầng lớp trẻ. Từ đó mọi nguời sẽ hiểu hơn và chung tay bảo tồn các nghệ thuật truyền thống. Về phía học đường, quan niệm của tôi là nên đưa nghệ thuật truyền thống cho các em học sinh tiếp xúc ngay từ lúc còn nhỏ mẫu giáo, tiểu học như thế sẽ để lại ấn tượng rất lâu dài cho các em. Mong ước mọi lứa tuổi, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ đón nhận bộ môn nghệ thuật múa rối nước độc đáo này”.
Sinh viên Bão Quỳnh hào hứng nói: “Dự án này không bắt buộc các bạn trẻ phải trở thành người nghệ sĩ thì mới có thể kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống bộ môn múa rối nước, mà giờ đây đã có rất nhiều cách như vẽ tranh, viết bài trên Facebook, chụp hình liên quan đến chủ đề múa rối nước… thì các bạn cũng đã đóng góp một phần nào trong quá trình duy trì và truyền bá nghệ thuật truyền thống múa rối nước đến rộng hơn với giới trẻ… Trong thời gian tới, thông qua mạng xã hội Youtube, Facebook, TikTok… nhóm Tễu sẽ tiếp tục truyền cảm hứng nghệ thuật múa rối nước để tiếp cận nhiều hơn nữa với các bạn giới trẻ”.
Thầy Trần Vân Nam – Giám đốc Cao đẳng FPT Polytechnic Hồ Chí Minh nói: “Đồng hành cùng các em sinh viên trong dự án này, tôi rất là xúc động và tự hào. Đây là dự án rất ý nghĩa về nghệ thuật văn hóa múa rối nước. Tôi mong muốn không chỉ sinh viên của mình mà nhiều bạn trẻ khác nữa sẽ là những người sứ giả để tiếp nối, lưu truyền, làm cho mạch chảy của văn hóa truyền thống Việt Nam sẽ được giữ gìn, bảo tồn và phát huy”.
Song Minh
Bình luận (0)