Vừa qua, Bộ Công Thương và VCCI đã tổ chức hội nghị giữa bên mua và bán gạo. Đây là nhịp cầu nhằm tiến đến việc mua bán trực tiếp giữa các nước tiêu thụ gạo Châu Phi, và các nước xuất khẩu gạo tiểu vùng Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia). Hội nghị có sự hỗ trợ tích cực của Chương trình tăng cường trao đổi thương mại trong khu vực giữa các nước thành viên của khối CEMAC/UEMOA do Tổ chức quốc tế Pháp ngữ OIF, và Trung tâm thương mại quốc tế ITC phối hợp tổ chức.
Đây được đánh giá là cuộc gặp gỡ rất quan trọng, nhằm thiết lập quan hệ giữa các doanh nghiệp nhập khẩu gạo của 14 nước thành viên của Cộng đồng kinh tế tiền tệ Trung Phi CEMAC, và liên minh kinh tế và tiền tệ Tây Phi UEMOA với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của 3 nước Pháp ngữ khu vực Mekong (Việt Nam, Lào, Campuchia).
Cung – cầu chưa gặp nhau
Tiến sĩ Đoàn Duy Khương – Phó Chủ tịch VCCI nhận xét: Châu Phi là thị trường vô cùng lớn đối với việc xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng thời gian qua việc xuất khẩu gạo sang thị trường này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu nhiều thông tin về thị trường, người mua và về các ngân hàng tại Châu Phi. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xuất gạo sang thị trường này còn phải qua trung gian… Do vậy lợi nhuận thu về từ xuất khẩu còn thấp.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Minh Huệ – Tổng Thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, dù Châu Phi là thị trường nhập khẩu gạo rất lớn của Việt Nam, nhưng quan hệ hai bên vẫn còn những khó khăn mà khó khăn lớn nhất là việc mua bán vẫn còn gián tiếp, thông qua các thương nhân quốc tế. Vì vậy, giá cả, tình hình cung cầu chưa được phản ánh đúng, quyền lợi thực sự của nơi sản xuất (Việt Nam), và nơi tiêu thụ (Châu Phi) bị cắt giảm.
Cần thêm nhiều hành động thiết thực
Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang nhấn mạnh: Cần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Châu Phi lên một tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng của hai bên. Các bên cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các đoàn cấp cao, cấp bộ, Phòng Thương mại và Công nghiệp, ngành, các hiệp hội, và các đoàn doanh nghiệp. Chính phủ hai bên cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp nước mình tham gia các hội chợ, triển lãm của nước bạn, thông tin cho nhau về các mặt hàng xuất khẩu mà mỗi bên có lợi thế. Các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán của các bên phải phát huy vai trò cầu nối trong quan hệ thương mại, đầu tư, cung cấp thông tin. Cộng đồng doanh nghiệp của mỗi bên cần thực hiện tinh thần của hội nghị này, đề xuất lên Chính phủ nước mình ký kết các thỏa thuận, hiệp định tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất cho quan hệ của doanh nghiệp hai bên
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Đoàn Duy Khương cũng đề nghị: doanh nghiệp Việt Nam và Châu Phi nên cập nhật, tham gia các Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Châu Phi. Diễn đàn có các hoạt động chính như: Cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, đào tạo và tham vấn lên Chính phủ. Thông qua Bản tin được phát hành hàng tháng cũng như Cổng thương mại điện tử www.vinafrica, Diễn đàn cung cấp thông tin về chính sách thương mại, chính sách thuế, đầu tư của thị trường… Diễn đàn thường xuyên tổ chức đón tiếp các đoàn doanh nghiệp tháp tùng các nguyên thủ, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại các nước Châu Phi sang thăm và làm việc tại Việt Nam, tổ chức các diễn đàn, gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp Châu Phi, thường xuyên tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, tổ chức hội thảo, tham dự triển lãm tại các nước Châu Phi.
Khắc Dũng (dddn)
Bình luận (0)