Hội nhậpThế giới 24h

Xe đạp lên ngôi

Tạp Chí Giáo Dục

Bệnh béo phì cùng với giá dầu cao lại là tin tốt lành đối với Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới. Hiện nay là thời kỳ khó khăn cho các hãng sản xuất xe hơi bởi họ phải đối phó với giá dầu cao, nhu cầu sụt giảm và sự suy yếu về tài chính. Ngược lại, với các nhà sản xuất phương tiện hai bánh, sử dụng sức người, việc kinh doanh đang hết sức thuận lợi.

Ăn nên làm ra

Tập đoàn công nghiệp Giant, có trụ sở ở Đài Bắc, chủ các thương hiệu quốc tế Boulder, Yukon và Iguana, đang gặt hái lợi nhuận; tháng trước họ đạt con số bán hàng kỷ lục là 460.000 chiếc xe đạp và đang tiếp tục hướng tới một năm thành đạt chưa từng có. Năm ngoái Giant đã bán ra 5,5 triệu chiếc xe đạp, và năm nay hy vọng sẽ đạt doanh số 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 10% so với năm ngoái. Nhu cầu xe đạp ở New York tăng cao đến mức cung không đáp ứng đủ cầu; còn ở Đài Loan, thị trường quê nhà của tập đoàn Giant, tình hình cung-cầu cũng căng thẳng, người mua phải đặt cọc hàng tháng trước khi chiếc xe mình mua ra khỏi dây chuyền lắp ráp.

Theo Viện Chính sách Trái đất, một mạng lưới thông tin môi trường có trụ sở tại Mỹ, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu thế giới về lượng xe đạp sản xuất hàng năm, vào khoảng 73 triệu chiếc trong tổng sản lượng toàn cầu 100 triệu chiếc; phần còn lại chủ yếu đến từ Đài Loan, Canada, Nga, Ukraina và Liên minh châu Âu. Đài Loan sản xuất mỗi năm khoảng 6 triệu chiếc xe đạp, với giá bán sỉ bình quân trên thị trường nội địa vào khoảng 222 đô la Mỹ/chiếc. Về thị trường, các nước thuộc Liên minh châu Âu tiêu thụ đến 70% sản lượng xe đạp của thế giới. Trong 5 năm qua, lượng xe đạp tiêu thụ ở châu Âu tăng 14,6%, ở Mỹ tăng khoảng 9%.

Tuy nhiên nếu năm 2006 việc kinh doanh xe đạp bị trì trệ thì sang năm 2007, lượng xe bán ra ở thị trường châu Âu và châu Mỹ tăng đột biến do giá dầu cao. Xe đạp bỗng dưng trở thành một phương thuốc chữa trị nhiều căn bệnh thời hiện đại, từ giá dầu cao đến ô nhiễm môi trường và chứng béo phì; đi xe đạp trở thành môn thể thao rèn luyện sức khỏe và né tránh những khó khăn về kinh tế. “Ngày nay, khi giá dầu vẫn duy trì ở mức cao, việc đi lại bằng xe hơi trở nên quá đắt đỏ. Với những đoạn đường ngắn trong thành phố, di chuyển bằng xe đạp sẽ nhanh hơn và không mất nhiều diện tích đậu xe”, ông Fabian Kuster, phát ngôn viên của Hiệp hội xe đạp châu Âu, cho biết.

Mở lối đi riêng

Tuy nhiên, mỗi thị trường đều có thị hiếu riêng. Người châu Âu thích sử dụng xe đạp để đi lại hằng ngày nhưng có thói quen là kỳ lạ là không quan tâm đến những kiểu xe được làm riêng cho mục đích đó mà chỉ chú trọng những mẫu xe thanh mảnh, đi nhanh, và giá mềm. Người Mỹ thích xe đạp địa hình đi trên những con đường phức tạp, còn người Đài Loan thích những mẫu xe đua để tập luyện thể thao. Tập đoàn Giant, nhà sản xuất xe đạp lớn nhất thế giới, đã thiết kế nhiều mẫu xe phù hợp với thị hiếu của từng thị trường.

Ra đời năm 1972, Tập đoàn Giant đã dựa vào lợi thế nhân công rẻ ở Đài Loan để sản xuất xe đạp cho các công ty nước ngoài. Ban đầu, Giant gia công sản xuất xe đạp cho Công ty Schwinn – thương hiệu xe đạp phổ biến nhất ở Mỹ thời đó, đang muốn giảm sự phụ thuộc vào nhà máy ở Chicago, nơi quan hệ lao động đang xấu đi và năng suất thấp. Việc đặt hàng cho Giant sản xuất tỏ ra thành công; sau đó Schwinn chuyển đơn hàng cho một nhà máy ở miền Nam Trung Quốc nhưng rồi công ty bị phá sản do chất lượng sản phẩm kém, giao hàng chậm trễ.

Trong khi đó, Giant đã chuyển mạnh từ một nhà sản xuất sản phẩm giá rẻ sang dòng xe đạp cao cấp. Ở Trung Quốc, một chiếc xe đạp hiệu Giant rẻ nhất cũng có giá khoảng 100 đô la, song theo Deutsche Bank, Giant vẫn chiếm thị phần lớn nhất, khoảng 7% thị trường này. Trên phạm vi toàn cầu, Giant là một trong vài công ty có thể sản xuất khung và phuộc (hai bộ phận quan trọng nhất của chiếc xe đạp) từ hợp kim và sợi carbon phức tạp. Linh kiện từ các nhà sản xuất khác sau đó sẽ được lắp thêm vào khung để hoàn chỉnh chiếc xe. Sản phẩm làm ra được bán dưới nhãn hiệu Giant hay bán theo hợp đồng cho các khách hàng lớn ở châu Âu và châu Mỹ.

Cạnh tranh khốc liệt

Thật ra, kinh doanh xe đạp không hoàn toàn xuôi chèo mát mái. Các nhà sản xuất xe đạp hiện phải đối mặt với giá kim loại tăng cao, nhất là thép, nhôm và chrome – nguyên liệu chính để sản xuất xe đạp. Từ năm 2004, giá bán sỉ xe đạp đã tăng 23% ở châu Âu, 45% ở châu Mỹ và 50% ở châu Á, ngay cả khi hàng ngàn nhà máy chi phí thấp ở Trung Quốc, kể cả các nhà máy của Giant, sản xuất ồ ạt xe đạp giá rẻ.

Thực tế, không có trở ngại nào ngăn cản các doanh nghiệp mới đầu tư sản xuất xe đạp mà vấn đề nằm ở chỗ phải có thương hiệu mạnh. Thu hút số lượng lớn người tiêu dùng, cho dù sản phẩm được bán với giá cao, đòi hỏi một cuộc cải tiến không ngừng. Công ty Giant chẳng hạn, chẳng bao lâu nữa sẽ cho ra đời loại khung xe đạp có gắn sẵn bộ giảm xóc rất nhẹ, rất hấp dẫn đối với những người thường đạp xe trên những con đường lắm ổ gà hoặc đường đất ở nông thôn. Ở dòng sản phẩm cao cấp, xe đạp Giant và các đối thủ như Cycle Europe (Phần Lan), Trek và Specialized (Mỹ) cố gắng tăng lợi nhuận và giành thị phần bằng việc phát triển loại xe đạp nhẹ nhất thế giới. Gần đây, Giant đưa ra dòng sản phẩm xe đạp điện – một loại xe rất phổ biến ở Trung Quốc, nơi công ty có ba nhà máy đang hoạt động. Xe đạp điện đang bùng nổ khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh đã giúp cho những công nhân nghèo khó nhất cũng có đủ tiền để nâng cấp chiếc xe đạp của mình. Người tiêu dùng Trung Quốc đã tiêu thụ đến 20 triệu chiếc xe đạp điện năm 2006, với giá mỗi chiếc xe khoảng 3.000 nhân dân tệ  (430 đô la Mỹ).

Mỹ Hạnh (dddn)

Bình luận (0)