Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Làm bạn với người… “cõi âm”

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Nguyễn Thị Ngọc Sơn đang lặng lẽ chăm sóc từng ngôi mộ
Giữa nghĩa trang Phúc An Viên (P.Long Thạnh Mỹ, Q.9, TP.HCM) rộng lớn, đôi chân bà Nguyễn Thị Ngọc Sơn, Đội trưởng Đội tạp vụ bước đi thoăn thoắt. Bà thuộc tên nhiều ngôi mộ như thuộc từng góc nhỏ trong căn nhà của mình vậy…
Lấy nghĩa trang làm “nhà”
Một ngày của bà Sơn (sinh năm 1959) bắt đầu từ 7 giờ sáng với công việc thắp nhang, vệ sinh từng ngôi mộ và quét dọn sạch sẽ các lối đi trong khuôn viên nghĩa trang. Trong Đội tạp vụ, bà Sơn là người lớn tuổi nhất. Mọi người ở đây hay gọi bà với cái tên gần gũi, thân mật là cô Đội.
Nhìn đôi bàn tay rám nắng của bà cẩn thận lau chùi ngôi mộ với tất cả sự tỉ mỉ như một dấu lặng thôi thúc chúng tôi muốn ở lại nơi đây để hiểu thêm về công việc của những người chăm sóc cho linh hồn người đã khuất. “Bữa nào bị ốm phải ở nhà là tôi khó chịu tay chân lắm, chỉ mong khỏe lại để ra nghĩa trang xem các ngôi mộ có được dọn dẹp sạch sẽ không, cỏ có mọc lên nhiều không” –  bà Sơn nói. Tay chậm rãi lau chùi một phần mộ, bà chia sẻ thêm: “Trước khi vào đây làm tôi cũng chưa hề nghĩ sẽ có một ngày mình làm việc trong môi trường này đâu. Hồi trước, mỗi lần vào nghĩa trang là tôi đã thấy sợ run người. Giờ thì tôi thấy bình thường lắm, cứ như mình đang chăm sóc phần mộ của người thân”.
Trời nắng chang chang. Những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng áo bà Sơn. Chìa bàn tay sần sùi đầy những vết chai, người phụ nữ có nụ cười hiền hậu liền bộc bạch: “Hồi mới vô làm tôi chưa quen nên có hôm bị say nắng, hoa hết cả mắt. Tối về đến nhà là thở không ra hơi luôn. Dạo trước cũng có một cô gái trẻ tuổi xin vào đội làm nhưng chỉ được vài hôm thì không chịu nổi nên xin nghỉ rồi. Người trẻ ít ai chịu theo nghề này lắm bởi nhiều hôm phải làm việc dưới cái nắng như cháy da cháy thịt, mấy cổ không chịu được đâu”. Quả thật, công việc của những người chăm sóc mộ không hề đơn giản chút nào. Khi được hỏi sao bà lại chọn công việc mà đáng lẽ thường dành cho nam giới, tâm lý vững vàng mới làm được, bà trả lời: “Đâu có riêng gì tôi. Cả đội có đến mấy chục người lận mà. Riết rồi quen thôi à. Làm nghề này phải tự nhủ với lòng là không được sợ gì hết chứ ai mà yếu bóng vía chắc cũng chỉ làm được vài ngày thôi. Với lại, anh chị em ở đây ai cũng đoàn kết, giúp đỡ nhau lúc ốm đau, hoạn nạn như người nhà vậy nên tôi cũng không muốn chuyển đi nơi khác”.
Tấm lòng đối với người đã khuất
Nghĩa trang Phúc An Viên rộng khoảng 18ha, bao gồm nhiều khu vực như: Khu mộ, khu hỏa táng, khu lưu giữ tro cốt… Không phải dầm mưa dãi nắng như bà Sơn, anh Trần Văn Duy (ngụ Q.Gò Vấp) đảm nhận công việc ở lò hỏa táng của nghĩa trang. Những ngày đầu tiên đi làm ở đây đối với anh cũng là bao nỗi lo sợ, thấp thỏm khi không biết mình có đủ kiên nhẫn để tiếp tục công việc hay không. Giờ đây, mỗi ngày anh đã có thể cùng các đồng nghiệp làm một cách thông thạo. Những suy nghĩ về một công việc buồn chán khi suốt ngày chỉ quanh quẩn với người chết rồi cũng tan biến. Nhìn cách anh lấy tro cốt ra khay, để nguội sạch sẽ rồi cho vào hũ cốt mới cảm nhận được tấm lòng của anh. “Lúc đầu ai hỏi tôi làm ở đâu, tôi ngại trả lời lắm nhưng giờ thì khác rồi. Tôi nghĩ mình sẽ gắn bó lâu dài với nghĩa trang bởi nguồn thu nhập từ công việc này còn giúp tôi lo cho 2 đứa nhỏ được đến trường”.
Trong khu lưu giữ tro cốt chỉ có một mình chị Lê Thị Thu Vân trông coi. Chị nói: “Mình cứ nghĩ những người đã khuất như ông bà, cha mẹ mình ở nhà vậy nên yên tâm làm tốt công việc mà không lo sợ điều gì cả”. Nhiều người khi đến nghĩa trang thăm mộ người nhà đã rất cảm mến công việc lặng lẽ của họ. Chị Huỳnh Ngọc Hoa (ngụ Q.3) cho biết: “Mộ của mẹ tôi được các anh chị ở đây chăm sóc rất chu đáo. Công việc bận rộn nên nhiều khi hơn cả tháng tôi mới vào đây thắp cho mẹ nén nhang nhưng tôi cũng an tâm phần nào khi mộ của mẹ mình được hương khói hằng ngày”. Công việc canh giữ sự bình yên cho những người quá cố cũng lắm gian truân. Ông Phạm Ngọc Toàn, Tổ trưởng Tổ bảo vệ nghĩa trang Phúc An Viên kể lại: “Nhiều đêm mưa gió nhưng anh em chúng tôi vẫn đội mưa để đi gác nghĩa trang. Lúc đầu cũng thấy ớn ớn nhưng chỉ một tuần sau là quen, không còn biết sợ là gì nữa”. Ông Phạm Công Hoan, quản lý nghĩa trang Phúc An Viên cho biết: “Các anh chị em làm việc ở đây đều rất tận tâm, tận tụy với công việc. Chúng tôi luôn cố gắng trong khả năng của mình để chăm lo cho đời sống của nhân viên ngày một tốt hơn”.
Trời gần về chiều, nghĩa trang vắng vẻ hơn. Ở một góc nhỏ cuối nghĩa trang, bà Sơn cố nán lại để thắp nhang cho thêm vài ngôi mộ nữa rồi mới cất bước ra về…
Bài, ảnh: Yên Hà
Đa phần những người trong Đội tạp vụ đều là nữ, nếu không có một lòng yêu nghề và tinh thần “thép” thì chắc có lẽ họ cũng sẽ khó trụ lại được với công việc này. Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy các ngôi mộ đều rất sạch sẽ, sáng loáng bởi bàn tay của những người phụ nữ thầm lặng này.
 

Bình luận (0)