Nguyễn Đức Mậu là nhà thơ mặc áo lính trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; ông từng tham gia chiến đấu, trực tiếp chứng kiến nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm và hy sinh oanh liệt.
Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu
Bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” là một trong những bài thơ hay, cảm động của tình đồng đội và tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh cho độc lập, tự do của người chiến sĩ trên chiến trường ác liệt. Nhà thơ nhớ lại: Hồi đó, tôi còn rất trẻ, 22 tuổi, là lính Trung đoàn 165, thuộc Sư đoàn 320. Trung đoàn tôi nhận nhiệm vụ chiến đấu ở Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng, nước Lào (…). Tôi có người bạn thân, hy sinh trong trận đánh ở đồi Mâm Xôi (tên do lính Trung đoàn tự đặt), nằm cạnh thị xã Xiêng Khoảng. Tôi còn nhớ vào một đêm mùa đông năm 1969, ở nghĩa trang biên giới, bọn giặc trời thả đèn dù, ném bom. Ánh sáng đèn dù treo lơ lửng, lúc nhập nhoạng, lúc bùng lên trên các lùm cây, ngọn đồi. Những cây thông bị cháy đen chĩa thẳng lên trời như những cây nhang lớn. Dưới ánh sáng đèn dù, tôi cùng một số người trong tổ vận tải, tranh thủ đào huyệt và chôn xác đồng đội. Trước khung cảnh đầy bi tráng đó, tôi có được cái tứ để viết bài thơ “Nấm mộ và cây trầm”.
Mở đầu bài thơ là hình ảnh đồng đội đắp mộ người chiến sĩ vừa hy sinh và những dòng hồi tưởng về kỷ niệm khó quên: Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn/ Cây trầm cháy dở thay nén nhang/ Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm/ Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc/ Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng/ Nhớ đêm hai đứa xong phiên gác/ Bao gạo gối đầu, chăn đắp chung. Hình ảnh “Đất đắp mộ Hùng bom trộn lẫn” cũng đủ nói lên sự khốc liệt của chiến trường. Đất trộn lẫn mảnh bom, mảnh đạn. Nơi lửa đạn chiến trường, đó là điều người chiến sĩ luôn đối mặt. Trên mộ người chiến sĩ còn hằn sâu mảnh bom của kẻ thù. Hình ảnh “cây trầm” ở đây khá độc đáo. Cây trầm cháy rồi nhưng hương vẫn bay, vẫn thơm. “Cây trầm cháy dở” là nén nhang tưởng nhớ đồng đội. Điệp ngữ “cây trầm cháy” đã khẳng định điều đó. Nén thang thơm giữa chiến trường thật quý. Nó làm vơi đi bao nỗi đau thương khi đồng đội ngã xuống. Nén nhang hẳn làm yên lòng người đồng đội bởi nén nhang thơm là niềm an ủi vô bờ. Khổ thơ tiếp theo đưa người đọc ngược dòng kỷ niệm của người lính chiến trường. Họ thương yêu nhau hơn cả tình cảm anh em ruột thịt bởi nơi chiến trường, tình đồng đội rất cao cả, thiêng liêng. Họ cùng chung phiên gác, cùng chia ngọt sẻ bùi. Đời lính chiến là vậy, gối đầu lên bao gạo, thậm chí cởi giày, kê cao để gối đầu cho giấc ngủ. Tấm chăn mỏng họ cùng đắp chung; hơi ấm của tình đồng đội còn mang theo mãi. Tình cảm yêu thương của người chiến sĩ thật tuyệt vời. Tác giả nhớ lại những ngày bị ốm giữa rừng vắng lạnh. Chính Hùng đã chăm sóc, tìm món canh chua cá nấu khế cho người bệnh thật cảm động: Nhớ khi mình ốm giữa rừng/ Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi/ Quả khế rừng nấu con cá suối/ Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu. Tìm được vị thuốc cho bạn mà phải vượt qua bao gian nan (qua ba trái núi) và câu được con cá suối cũng là một kỳ công. Tất cả tình cảm thân thương đó, Hùng dành cho bạn của mình đang bệnh giữa rừng. Vậy mà giờ đây Hùng không còn nữa! Đau xót vô cùng, một thước đất đã vùi thân xác người bạn thân yêu nhất: Chúng mình có ở cách xa nhau/ Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi…?/ Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi/ Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa. Hình ảnh “một thước đất” đồng thời cũng là điệp ngữ đã làm cho người đọc rơi nước mắt. Một khoảng cách rất gần nhưng họ không bao giờ gặp lại. Hẳn là lúc lấp đất chôn bạn, tác giả đã thảng thốt kêu lên tên bạn trong dòng nước mắt đau thương (Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi?). Người bạn thân, người đồng đội đã yên nghỉ giữa rừng. Sự hy sinh cao cả, quên mình của Hùng đã làm xúc động bao tấm lòng đồng đội. Và sự hy sinh đó cũng là niềm hạnh phúc bởi anh biết rằng, mình đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc: Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/ Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng/ Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi/ “Chết – Hy sinh cho Tổ quốc” Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hy sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng. Nếu trong bài thơ “Tây Tiến” (Quang Dũng) chúng ta thấy một hình ảnh rất thực, rất bi tráng (Rải rác biên cương mồ viễn xứ/ Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh/ Áo bào thay chiếu anh về đất/ Sông Mã gầm lên khúc độc hành) thì ở đây, dọc con đường ra phía trước, vẫn có những nấm mộ lặng thầm. Thỉnh thoảng có những bó hoa rừng đặt lên bên mộ. Những bó hoa của các thế hệ nối tiếp nhau ra trận đánh quân thù. Và tấm biển trên mộ người chiến sĩ cũng là bàn tay chỉ hướng ra chiến trường; tiếp thêm sức mạnh cho đoàn quân đi đánh giặc: Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng/ Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước/ Những đoàn quân đi đánh giặc/ Có hoa rừng mang đến từ xa/ Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ/ Ngày hoa nở, đêm ngời sao tỏ/ Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ/ Thành bàn tay chỉ hướng quân thù. Nhớ thương người đồng đội, tác giả liên tưởng đến hình ảnh cây trầm và họ chia tay; người ở lại với rừng với đất, người ra đi tiếp tục vào phía trong, nơi tiếng súng tiến công dồn dập nổ liên hồi. Cây trầm thơm từ gốc thơm ra/ Như nhắc nhở với người đang sống/ Thù riêng lớn, thù chung càng lớn/ Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm/ Thôi mình đi, Hùng nhé! Hãy yên nằm/ Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá/ Trận đánh trường kỳ vắng Hùng tham dự/ Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta. Câu thơ đọc lên thật xốn xang trong lòng. Người chiến sĩ tiếp tục vào trận, vẫn còn thầm nhắn lại bạn đang nằm trong lòng đất (Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm). Trận đánh hôm nay vắng người lính quả cảm ngày nào. Trận đánh trường kỳ vắng đồng đội cùng chiến đấu và tác giả đã bộc lộ một niềm tin tất thắng của ngày mai (Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta). Điệp ngữ “trận đánh” được lặp đi lặp lại nhiều lần cho ta thấy những cuộc chiến đấu không hề ngơi nghỉ. Người chiến sĩ với ý chí và nghị lực kiên cường đã vượt lên tất cả để giành chiến thắng.
Nguyễn Đức Mậu (sinh năm 1948) là một nhà thơ, nhà văn quân đội. Ông từng nhận được Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001; Giải thưởng văn học ASEAN năm 2001. Ông thường sử dụng các bút danh: Nguyễn Đức Mậu, Hương Hải Hưng, Hà Nam Ninh. |
Tác giả xin người đồng đội hãy trao cho mình khẩu súng để mình tiếp tục chiến đấu, trả thù cho bạn, cùng đoàn quân làm nên thắng lợi cuối cùng. Lời thơ tha thiết, chân thành như tấm lòng người chiến sĩ giữa chiến trường khốc liệt. Anh trinh sát hy sinh trao lại tấm bản đồ/ Anh xung kích hy sinh phất cao cờ chuẩn/ Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng/ Trận đánh vẫn còn tiếp diễn. Hùng ơi!…/ Quân mình đang pháo kích nơi nơi/ Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy/ Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy/ Thôi mình đi, Hùng nhé! Hãy yên nằm. Chiến công nối tiếp chiến công càng tiếp thêm tinh thần cho người chiến sĩ. Trận chiến càng vào sâu thì ngày thắng lợi càng gần. Trong niềm vui chiến thắng, tác giả vẫn không quên bạn đang nằm lại bên đường. Tác giả lặp lại lần nữa lời nhắn nhủ chân tình (Thôi mình đi, Hùng nhé! Hãy yên nằm). Bất chợt hình ảnh cây trầm lại hiện lên cùng mùi hương bay lan xa trong gió. Cây trầm của Trường Sơn, cây trầm của quê hương, của đất Mẹ Việt Nam đang tỏa hương ngào ngạt giữa đất trời: Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm/ Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ/ Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị/ Thân hy sinh thơm đất thơm trời. Người chiến sĩ ở đây cũng như cây trầm cao quý, thanh tao. Khi sống tươi tốt một màu xanh quê hương, tỏa bóng mát giữa đời thường. Khi hy sinh, cây trầm hóa thành hương thơm bất diệt, tỏa thơm mãi muôn đời cho non nước mai sau…
Lê Đức Đồng
* Tài liệu tham khảo: Tinh hoa thơ Việt – NXB Hội Nhà văn, 2007
Bình luận (0)