Vào đại học là một bước ngoặt và lần đầu tiên xách cặp đi làm cũng là một khởi đầu quan trọng không kém. Khác với không khí học đường, đi làm có một cảm giác khác hơn vì người ta sẽ có thang đo đánh giá hiệu suất công việc. Muốn thành công là cả một quá trình phấn đấu, tự vượt lên chính mình…
Doanh nhân Trần Hùng Thiện (nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Gcomm) chia sẻ với các bạn trẻ về hành trang để vào đời
Học để không hối tiếc
Có nên học đại học? Câu hỏi không quá xa lạ đối với một bộ phận giới trẻ ngày nay. Bởi các em nhìn thấy không ít người không cần học cao nhưng vẫn thành công, vẫn sở hữu cho bản thân nhà cao cửa rộng, xe cộ, gia đình hạnh phúc. Trong khi đó, có nhiều người học đại học ra trường thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành nghề.
Giải mã vấn đề này, doanh nhân Trần Hùng Thiện (nhà sáng lập, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Gcomm) cho biết, không phải ngẫu nhiên mà người ta bày ra 4 năm đại học. Các em có thể nghe đâu đó bảo là đại học không đáp ứng nhu cầu thị trường này nọ. Điều đó có thể đúng nhưng không đủ, bởi vì học đâu chỉ để ra trường làm đúng ngành nghề mà người ta sẽ dạy người học cách tư duy, cho người học môi trường học thuật… Và trên hết là chúng ta sẽ trả học phí bằng tiền chứ không phải thứ gì khác. Không học, sau này ra đời có nhiều thứ muốn trả bằng tiền cũng không được. “Nếu các em có suy nghĩ nên hay không nên học đại học thì lời khuyên của tôi cho các em là hãy nên học để sau này không hối tiếc. Đại học là lựa chọn tốt nhưng không phải là lựa chọn duy nhất. Nếu các em học được thì tốt, còn không vô đại học được thì hãy tìm hướng khác để nỗ lực, cố gắng”, ông Thiện khuyên.
Nói đến học đại học lại có tình trạng rất phổ biến hiện nay là học trái ngành yêu thích. Ông Thiện cho rằng, nếu vì một lý do nào đó mà phát hiện ra mình học trái ngành thì các em cũng đừng vì thế mà buồn hay hoảng loạn. Bởi trong đời ai rồi cũng có lúc lựa chọn sai và việc chọn sai ngành học là một trong những cái sai ít gây hậu quả nhất. Nếu chẳng may chọn sai ngành, chúng ta có thể chọn lại. Cuộc đời đủ dài để mình tiết kiệm nhưng nó cũng đủ dài để mình hiểu rằng không nên bắt buộc bản thân phải đi tiếp con đường mình không thích đi. Nếu thật sự muốn sửa lại sai lầm, các em có thể đi chậm lại và hãy tin vào bản thân lần chọn thứ hai này sẽ rất chính xác”, ông Thiện chia sẻ.
GS. Phan Văn Trường giao lưu với các bạn trẻ tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM
Theo ông Thiện, khi đã học, thay vì chăm chăm học kiến thức, các em hãy đa dạng hóa hoạt động của mình tại trường. Làm như vậy sẽ có hai cái lợi: Thứ nhất, bớt buồn vì đã từng chọn sai ngành để rồi mất thời gian chọn lại. Một cái lợi khác là có một lý lịch thật đẹp có thể làm “mờ đi” bảng điểm không được đẹp. “Kiểu gì rồi các em cũng sẽ về đích, vấn đề không phải là các em lựa chọn lại ngành mà do cách các em đối diện với sai lầm này. Các em có thể coi đây là một vấp ngã để mình trưởng thành nhanh hơn”, ông Thiện gửi gắm.
Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng
GS. Phan Văn Trường cho biết, một người tạo ra giá trị cho xã hội không nhất thiết phải làm những việc to tát, chỉ cần nhặt một tờ giấy bừa bãi nơi công cộng là đã tạo ra giá trị cho cộng đồng. Mỗi giây, mỗi phút, xã hội đều khao khát đón nhận những giá trị dù to hay nhỏ từ mỗi cá nhân. Và nếu chúng ta tạo giá trị mới cho một tập thể hay một cộng đồng, chúng ta không cần vỗ ngực mọi người cũng sẽ biết và ghi nhận. |
GS. Phan Văn Trường (Cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế) chia sẻ, cho dù các em đang chọn làm bất cứ cái gì thì phải cố gắng làm hơn thế vào ngày hôm sau và những ngày hôm sau nữa, cứ thế mãi. Vì trong công việc, lúc nào cũng có những điều chỉnh, những cải thiện, rồi sự mong muốn được lên cấp, tạo chất lượng cao hơn. Theo GS. Trường, chìa khóa của cuộc đời thành công là đạo đức, là nỗ lực thường trực và là sự khao khát tự học không ngừng, bất chấp tuổi tác. Tự học cũng là cách để trau dồi văn hóa, cải thiện bản thân. Văn hóa sẽ mở ra mọi cánh cửa. Tự học là tự cho mình nhiều kỹ năng mới. Có bao nhiêu thầy cũng không thể thay thế được việc tự học. Thầy và sách bổ sung cho nhau. Theo đó, thầy có thể hướng dẫn nhưng sách mới là người bạn đồng hành, vừa súc tích vừa trung thành. “1% vĩ nhân là những người có khả năng tự học cao và có một đặc điểm chung là đọc rất nhiều sách ở nhiều chuyên môn, địa hạt khác nhau. Vậy nên, các em hãy luôn nhớ yếu tố này và dù có khó khăn đến mấy thì cũng đừng bao giờ từ bỏ mà hãy tiếp tục đứng lên làm lại cho đến khi nào thành công thì thôi”, GS. Trường chia sẻ.
Một điều mà GS. Trường lưu ý đến các bạn trẻ, đó là trong mọi việc nên chú trọng hết sức mối quan hệ giữa người với người. Trong công việc, sự đánh giá sẽ do một người làm chứ không do một máy móc nào. Do đó, sự chủ quan của người đánh giá không thể tránh được. Mọi đánh giá chỉ có giá trị tương đối. Người yêu mình sẽ đánh giá tốt, người không quý mình sẽ đánh giá thấp. Chìa khóa là ở con người. Vậy mình hãy hành xử đẹp với mọi người, hãy sẵn sàng nhận mọi thiệt thòi để gìn giữ khi cần một mối quan hệ. Tất nhiên, khi các em sống bên cạnh những người lớn tuổi, họ có nhiều kinh nghiệm, nhiều điều có thể dạy các em, và các em sẽ rất cần nghe những bài học họ tặng cho mình, thậm chí các em phải trân quý những bài học đó. Tuy nhiên, các em không nên “vịn” vào họ lâu dài vì như vậy tự mình sẽ đánh mất sự chủ động. “Vun đắp nội lực bên trong mình chính là một điều cốt lõi nhất. Chúng ta không thể điều khiển được người khác, bắt buộc vũ trụ xung quanh phải xoay vần theo ý muốn của mình. Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình, tự phát hiện ra những tiềm năng của bản thân để nỗ lực phát huy sức mạnh bên trong. Chỉ khi phát huy hết sức mạnh bên trong của mình, các em mới có thể hòa nhập với vũ trụ”, GS. Trường chia sẻ.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)