Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ước mơ công lý trong Tả quân Lê Văn Duyệt

Tạp Chí Giáo Dục

Tả quân Lê Văn Duyệt (Nhà hát kịch TP.HCM) là một trong những vở kịch đáng được chờ đợi nhất trong năm nay.

Một cảnh trong vở Tả quân Lê Văn Duyệt - Ảnh: H.DVới kinh phí khoảng 1 tỉ đồng, ê-kíp thực hiện gồm NSND Doãn Hoàng Giang (đạo diễn), Phạm Văn Quý (tác giả), Sỹ Hoàng (trang phục), NSND Phan Phan (thiết kế), Đức Trí (âm nhạc), Tấn Lộc (biên đạo múa)…, tối 23.9, vở Tả quân Lê Văn Duyệt đã tiến hành phúc khảo.

Tả quân Lê Văn Duyệt có được sự quy mô, hoành tráng mà một vở diễn lịch sử cần có. Trang phục lộng lẫy, sân khấu thiết kế đủ cột trụ, thành quách… Có “đại cảnh” hùng tráng như lúc Tả quân Lê Văn Duyệt cùng quân dân đưa đoàn hải thuyền từ Phú Xuân về đất Gia Định, cảnh đưa tang và hình ảnh uy nghi của Tả quân, cảnh pháp trường chém Huỳnh Công Lý… Rõ ràng khi quyết tâm dựng một vở diễn quy mô như Tả quân Lê Văn Duyệt, Khánh Hoàng hiểu rằng đạo diễn Doãn Hoàng Giang chính là nơi tin cậy để anh gửi gắm vở kịch.

Đưa Lê Văn Duyệt lên sân khấu, có thể nói là một bước đột phá của Nhà hát kịch TP.HCM, nhất là khi xung quanh nhân vật lịch sử này vẫn còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên vở kịch không hướng về cái nhìn toàn bộ thân thế, sự nghiệp của vị quan Tổng trấn Gia Định này mà chỉ xoay quanh giai thoại Lê Văn Duyệt chém Huỳnh Công Lý. Qua đó gửi gắm một thông điệp, một ước mơ về lẽ phải và công lý.

Lê Văn Duyệt thù ghét những kẻ ngông cuồng tự đặt mình lên trên pháp luật, làm mọi điều nhơ bẩn để vơ vét của cải. Ông lôi Huỳnh Công Lý ra pháp trường, bất chấp Huỳnh Công Lý là cha vợ vua, bất chấp sử sách sẽ phán xử ông thế nào. Lê Văn Duyệt và Huỳnh Công Lý là hai mặt tối – sáng, là sự khác nhau giữa cái Thiện và cái Ác trong ước mơ về công lý, sự phân minh của luật pháp.

Lê Văn Duyệt (Quyền Linh) và Đỗ Thị Phận (Ánh Hồng) - Ảnh: H.DVai Huỳnh Công Lý của Bảo Trí thật sống động với những hành động bạo quyền ngang ngược, trấn áp dân lành, chà đạp lên pháp luật. Lê Văn Duyệt của Quyền Linh thì uy dũng, phân minh. Hình tượng tốt đẹp của vị quan Tổng trấn được xây dựng một cách truyền thống như những chuyến vi hành tìm đến dân nghèo để hiểu lòng dân, biết san sẻ nỗi lo, nỗi đau của dân và trên hết là dám thực thi pháp luật đến cùng, tiêu diệt bọn quan tham để muôn dân được no ấm. Vở kịch gửi gắm một thông điệp, rằng chỉ những vị quan như Lê Văn Duyệt mới trụ lại trong lòng dân, được dân yêu mến và thờ phụng.

Lê Văn Duyệt và Huỳnh Công Lý thừa tính hình tượng, nhưng có lẽ phải đòi hỏi nhiều hơn về nội tâm nhân vật. Lê Văn Duyệt thừa uy dũng, quyết đoán, nhưng trong triều đình Minh Mạng với nhiều quan lại xiểm nịnh, ông cần có sự khéo léo, uyển chuyển của một nhà chính trị. Lúc Lê Văn Duyệt và Huỳnh Công Lý cùng ở Gia Định, hai “cọp” cùng ở trên một núi, tuy bằng mặt mà không bằng lòng. Hoặc Lê Văn Duyệt chém Huỳnh Công Lý vì sự công minh của luật pháp, nhưng phải là một nước cờ chính trị mà ông không thể không băn khoăn, đắn đo cân nhắc vì như thế là thách thức trực tiếp vua Minh Mạng. Bỏ qua sự tinh tế về tâm lý ấy, mối tương quan quyền lực nhạy cảm giữa Lê Văn Duyệt, Huỳnh Công Lý và đằng sau là vua Minh Mạng bị nhạt đi, nhiều câu thoại về chính nghĩa dễ rơi vào sáo rỗng… Càng về sau vở kịch càng có xu hướng thần thánh hóa nhân vật.

NSND Thế Anh vào vai vua Minh Mạng đầy vẻ uy nghi, mặc dù so với tuổi tác thì vua Minh Mạng trên sân khấu lại… già hơn Lê Văn Duyệt. Cảnh điệu múa nơi cung đình giữa vua Minh Mạng và cung phi Huỳnh Huệ Phi (Thúy Hà) lẽ ra đầy quyến rũ lại u ám bởi màu đen của trang phục. Đó là những điều cần bàn để tác phẩm nghệ thuật có thể trọn vẹn hơn. Dù sao, giữa mặt bằng sân khấu hiện nay, vở Tả quân Lê Văn Duyệt vẫn tiêu biểu cho một cách làm kịch lịch sử với tâm huyết và thái độ hết mình vì nghệ thuật. Những dấu ấn của vở diễn chắc hẳn sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho những vở kịch khai thác đề tài lịch sử sau này.

Quang Thi (thanhnien.com.vn)


Bình luận (0)