Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Rùng mình với thực phẩm “bẩn”

Tạp Chí Giáo Dục

Phổi heo thu mua trôi nổi, hư, thối chế biến trong môi trường nền sàn ẩm thấp, mất vệ sinh
Liên tiếp các vụ thịt thối hãi hùng như phổi heo thối bị “phù phép” thành khô bò; huyết heo bốc mùi, chuyển màu, biến chất; thịt heo, mỡ heo thối bị phát hiện, tiêu hủy khiến người dân hoang mang, lo sợ. Ngoài ra, còn nhiều lò chưa bị phát hiện vẫn tiếp tục tung thực phẩm “bẩn” ra thị trường, gây hoang mang cho người dân.
Từ phổi heo thối thành… khô bò
Từ thông tin của chính quyền địa phương, mới đây, đoàn liên ngành huyện Bình Chánh (TP.HCM), bất ngờ ập vào kiểm tra điểm sản xuất thực phẩm tại ngôi nhà không số, thuộc tổ 19, ấp 4, xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, do ông Sơn Chiều (23 tuổi, H.Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) làm chủ và phát hiện tại đây đang “phù phép” biến phổi heo thối, bẩn thành khô bò.
Tại hiện trường nhiều người đang chế biến phổi heo, bếp lò đang đỏ lửa, nhiều xô chậu đựng thứ nước đen thui chưa rõ chất gì. Phổi heo luộc, phổi heo còn sống để đầy nền sàn, ruồi nhặng bu bám. Phổi heo luộc xong phơi đầy hàng rào, hông nhà, sau nhà. Phổi heo sơ chế, thái nhỏ thành khô bò để trực tiếp trên nền sàn ẩm thấp, dơ dáy, ruồi bu bám và chó, gà giẫm lên. Nơi ngâm tẩm nguyên liệu, chế biến khô bò giả cũng là nơi nuôi, nhốt gia cầm, chứa đựng đồ gia dụng, bếp núc, nồi niêu, áo quần, giày dép… Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Sơn Chiều cho biết phổi heo thu mua về chế biến thành khô bò đen, bỏ mối cho bạn hàng ở Q.5, Q.6, dùng để bán bánh tráng trộn cho học sinh ăn hoặc làm món gỏi khô bò. Từ khi lò hoạt động đến nay đưa ra thị trường khoảng 300kg khô bò giả và số còn lại đang trong quá trình chế biến. Khô bò giả này có giá 40.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Hồng Triệu, Phó trạm thú y Bình Chánh cho biết, lò này hoàn toàn không có bất kỳ loại giấy tờ gì, sản xuất trong môi trường mất vệ sinh, nhân viên sản xuất không tập huấn, không khám sức khỏe, nguyên liệu thu mua trôi nổi… Nguyên liệu đầu vào là phổi heo nhưng đầu ra thành phẩm lại là khô bò. Vi phạm rất nghiêm trọng nên đoàn liên ngành quyết định đình chỉ hoạt động vĩnh viễn ngay lập tức lò này. Đồng thời buộc tiêu hủy khoảng 420kg phổi heo các loại, khô bò giả chế biến từ phổi heo.
Theo Chi cục Thú y TP.HCM, vẫn liên tục phát hiện những vụ dùng phụ phẩm, phế phẩm gia súc gia cầm thối chế biến thành thực phẩm cho người ăn. Tối 1-8, đoàn liên ngành H.Bình Chánh kiểm tra cơ sở sơ chế huyết heo số 174B/6B ấp 2 xã An Phú Tây (H.Bình Chánh), do ông Nguyễn Quốc Việt làm chủ, phát hiện tại đây sản xuất mất vệ sinh. Khi ông Triệu vớt một mẫu huyết heo đã qua sơ chế, bằng mắt thường quan sát trực quan dễ dàng nhận thấy huyết đã chuyển sang màu xanh đen, ôi thiu, biến chất… Cán bộ thú y cho biết, huyết heo màu đỏ, luộc chín sẽ có màu nâu đen. Trường hợp này huyết chuyển sang màu xanh là biến chất, thành rác rưởi rồi. Với cách xử lý ở lò này, huyết heo tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng. Kết quả, đoàn kiểm tra đình chỉ hoạt động cơ sở này và buộc tiêu hủy hơn nửa tấn huyết heo “bẩn”.
Độc hại nhưng khó ngăn chặn
BS. Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM, cho biết ngay cả phổi heo lúc còn tươi mọi người cũng ít dùng để ăn. Bởi phổi heo không béo bổ gì, xếp vào loại phế phẩm, các lò giết mổ heo thải ra, bán cho người thu mua về chế biến thức ăn gia súc. Loại khô bò chế biến từ phổi heo thối trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh sẽ nhiễm khuẩn, vi khuẩn phát triển tiết ra độc tố gây ngộ độc, có hại cho cơ thể. Đã vậy, lại bị những lò này ngâm tẩm loại hóa chất tẩy rửa gì khó biết, chắc chắn độc hại, ảnh hưởng sức khỏe. Tuy nhiên, khô bò này bị băm, xé nhỏ trộn với bánh tráng, xoài, đu đủ… chế biến thành món ăn nên học sinh, sinh viên không thể biết đó là gì, thấy ngon miệng thì ăn. Khi bị tiêu chảy, ngộ độc học sinh cũng ít khi “khai báo” thật với phụ huynh nên khó biết để xử lý kịp thời.
Cũng theo BS. Xuân Mai, rất khó kiểm soát, xử lý những lò chế biến thực phẩm “bẩn” này. Khi phát hiện cũng chỉ xử lý hành chính. Chủ lò bị phạt vài triệu đồng, ít ngày sau lại thuê nhà địa phương khác tiếp tục sản xuất. “Ở nước ta chủ yếu chỉ có điều chỉnh bằng luật, mà luật pháp chỉ có thể điều chỉnh người ngay, chứ không thể điều chỉnh người gian manh, nên khó kiểm soát, xử lý người làm ăn phi pháp, bừa bãi. Vì thế những người sản xuất thực phẩm “bẩn” có bị phát hiện cũng tái phạm, khó xử lý, khó quản lý”, BS. Xuân Mai cho biết.
Bài, ảnh:  Công Việt
Theo ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng trạm thú y Bình Chánh, những lô thực phẩm “bẩn” này nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ đưa ra thị trường, đến người tiêu dùng. Ngoài ra, ông Nguyên nhận định: “Toàn bộ những cơ sở chế biến thực phẩm “bẩn” này bị đình chỉ hoạt động nhưng tôi biết họ vẫn lén lút hoạt động. Tuy nhiên, rất khó phát hiện để xử lý”.
 

Bình luận (0)