Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phục dựng đại lễ Tịch điền

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Nghề làm nông sẽ được tôn vinh trong đại lễ Tịch điền dịp Tết Kỷ Sửu – Ảnh: Mạnh Đan

Lần đầu tiên, lễ hội Tịch điền (cày ruộng) sẽ được Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam và UBND tỉnh Hà Nam phục dựng.

UBND tỉnh Hà Nam và Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nảy ra sáng kiến phải phục dựng lễ hội Tịch điền nhằm 3 mục đích chính: khuyến nông; khai thác các giá trị văn hóa cổ truyền của cộng đồng cư dân ở Đọi Sơn và vùng phụ cận; đồng thời tạo nguồn xã hội hóa, tạo nguồn thu, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Ông Nguyễn Chí Bền (Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật) cho biết mùng 6-7 Tết âm lịch tới đây, dưới chân núi Đọi (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) sẽ tái hiện lễ hội Tịch điền kết hợp với các lễ hội có sẵn ở địa phương.

Theo đó, lễ Tịch điền phục dựng sẽ được lồng ghép trong lễ hội Đọi Sơn, với một loạt các nghi lễ và diễn xướng trong một không gian rộng, bao gồm: lễ rước chân nhang từ đền thờ vua Lê Hoàn (Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình) về chùa Đọi (Đọi Sơn, Duy Tiên, Hà Nam) từ 4 tháng giêng; lễ rước nước từ giếng làng lên chùa, lễ sái tịnh vào mùng 6 tháng giêng; lễ cáo yết xin mở cửa đình; lễ rước kiệu vua về chùa, rước kiệu thành hoàng, tổ nghề về đình, miếu và cuối cùng là lễ cày ruộng vào mùng 7 tháng giêng.
Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn là vị vua đầu tiên thân chinh ra ruộng cày. Sách Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Nam nhất thống chí đều chép sự kiện năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987), vua Lê Hoàn về Đọi Sơn và Bố Hải cày ruộng, bắt được một chĩnh vàng, đặt tên ruộng đó là ruộng Kim Ngân. Các vua đời sau, từ nhà Lý đến nhà Nguyễn đều theo đó mà tổ chức lễ Tịch điền như một quốc lễ.

Theo kịch bản của Viện Văn hóa nghệ thuật, trước khi diễn ra lễ Tịch điền sẽ có màn thi vẽ và chấm giải trang trí cho trâu. Xưa, khi vua chúa thực hiện nghi lễ Tịch điền, các chú trâu cày cũng được nghi thức hóa bằng cách trang trí vải đỏ lên lưng. Nay, các chú trâu sẽ được họa sĩ vẽ, trang trí hoa văn tứ linh, tứ quý lên thân thể. Những chú trâu có hình trang trí đẹp nhất sẽ được xuống ruộng kéo cày.

Địa điểm diễn ra lễ Tịch điền là khu ruộng nằm cạnh trường tiểu học, trung học cơ sở xã Đọi Tam. Đúng 10 giờ 15 phút, sau màn múa rồng và kéo co cùng bài trống chào mừng của làng Đọi Tam, đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ xuống ruộng để cày 3 luống cùng 2 người dắt trâu và 3 cô gái đi theo để rắc hạt giống. Tiếp đó, Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Hà Nam sẽ cày 5 luống cùng 6 người dắt trâu và 6 cô gái đi theo rắc hạt giống.

Phục dựng một lễ hội lịch sử có ý nghĩa không nhỏ trong việc khuyến khích sản xuất, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều băn khoăn là những cứ liệu khoa học làm căn cứ để phục dựng quá ít ỏi. Sử sách theo lối biên niên chỉ chép vài dòng ngắn ngủi về sự kiện vua Lê Hoàn cày ruộng Tịch điền và không có bất kỳ chi tiết nào miêu tả tỉ mỉ về quy mô, nghi thức ra sao nên thật khó hình dung. Còn trang phục của vua và phẩm phục của các quan – vốn là những vấn đề lịch sử luôn gây tranh cãi trong việc phục dựng, thì Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chỉ chép: “Lê Đại Hành lên ngôi, mặc áo long cổn, về sau áo mặc phần nhiều dùng vóc đỏ, mũ sức trân châu. Sau, Lý Thái Tông mới chế thứ mũ gọi là “bát giác tiêu dao” bằng vàng (tên mũ, lối mũ ấy nay không khảo cứu được). Từ thời Trung hưng về sau, vua có làm lễ lớn, chỉ đội mũ xung thiên”. Tuy nhiên, cụ thể “áo long cổn”, “mũ sức trân châu” hình thức như thế nào thì không ai biết. Có lẽ vì vậy mà Viện Văn hóa Nghệ thuật đã phải tìm đến giải pháp “phục dựng lễ Tịch điền thời Tiền Lê nhưng trên cơ sở tham khảo tư liệu lễ Tịch điền thời Nguyễn” (theo lời ông Bền).

Một khó khăn khác, theo ông Phạm Tư Lành (Chủ tịch UBND huyện Duy Tiên), là việc điều khiển các chú trâu – nhân vật không thể thiếu trong lễ Tịch điền. Theo kịch bản, sẽ có khoảng 600 người tham gia lễ hội và vài ngàn người đến dự. Thế nhưng, trong thời gian 2 tuần, UBND huyện Duy Tiên phải tập luyện làm sao để 30 chú trâu vốn quen với việc cày ruộng có thể trình diễn trong lễ hội, vì thường thì trâu rất dễ hốt hoảng khi thấy đám đông kèn trống, cờ phướn…

Y Nguyên (Theo TNO)
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)