Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Xin cho “tam nông” lên phim nhiều hơn!

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lâu nay đã là phim Hàn thì sẽ có những mối tình ngang trái, có chuyện một trong hai người yêu nhau hoặc đã trở thành vợ chồng sẽ có một người vào bệnh viện và chết vì bệnh ung thư… Còn bây giờ cứ mở tivi, chương trình chiếu phim của các đài truyền hình ở miền Nam ta sẽ gặp… giám đốc doanh nghiệp. Có sự trùng hợp nào không?

Cứ điểm lại mà xem, thời gian gần đây trên các kênh truyền hình ở miền Nam liên tục chiếu những bộ phim truyền hình nhiều tập do VN sản xuất, mà trong bộ phim nào dường như cũng có các nhân vật giám đốc doanh nghiệp, đa số họ là những doanh nhân thành đạt, có cuộc sống vật chất thật đầy đủ, thậm chí rất giàu. Tất nhiên, mạch chính cũng là vấn đề tâm lý xã hội, vấn đề tình cảm con người. Tuy nhiên người xem – đại bộ phận là giới bình dân – cảm thấy hết sức xa lạ.

Nước ta vẫn là nước đang phát triển, đời sống vật chất của đại bộ phận còn rất thiếu thốn, khó khăn, trong đó có hàng triệu hộ và hàng chục triệu nhân khẩu thuộc diện nghèo, thậm chí nhiều hộ gia đình không có nhà ở. Vậy mà trong phim không kể biệt thự của giám đốc, nhà ở của các nhân vật trong phim nhà nào cũng khang trang, có cái thật hoành tráng, cao tầng, kiểu cách sang trọng, trang trí nội thất toàn đồ gỗ cao cấp nhập từ nước ngoài, xe cộ lớn nhỏ đều là những loại đời mới cao cấp… Gia đình nào cũng có “ôsin”, “ôsin” cũng gọi ông bà chủ, cô cậu giống y như trong tiểu thuyết thời Tây.

Cái anh nông dân ở ngoài đồng suốt ngày “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại cứ thom thóp lo chuyện “trúng mùa mất giá, được giá mất mùa”, lo chén cơm manh áo, lo chuyện học hành cho con, lo chuyện “quan, hôn, tang, tế” ở xóm giềng. Chiều tối về cố ăn vài chén cơm với món cá kho mặn chát chan với canh rau tập tàng nêm muối, uống vài tách trà “mốc meo”, quấn một điếu thuốc giồng rồi ngả lưng xuống bộ ván ngựa cứng như… cây kêu bầy trẻ mở tivi ra xem. Trời ơi, sao toàn giám đốc, toàn nhà giàu? Nông dân mình nghe nói chiếm tới 75% dân số, vậy mà…

Chắc các nhà viết kịch bản phim, các ông đạo diễn sống thành phố quen rồi, tiếp xúc thường xuyên với giới doanh nhân, có thực tế. Bên cạnh đó, chuyện về thương nhân, thương trường thì Tây Tàu gì cũng có nên nguồn “tư liệu” sẵn và nhiều. Còn viết kịch bản phim về “ tam nông” hoặc về người lao động nhập cư hay các giới lao động khác…thì phải tốn công sức, phải “ba cùng”. Nghĩ tới chuyện “ba cùng” chắc họ ngại lắm, mà không “ba cùng” thì sẽ “lòi đuôi”?

Nhưng nói gì thì nói các nhà làm phim, nhà đài cũng nên san sẻ đều đều một chút. Nông dân Nam bộ thấy mấy anh ở Bắc bộ họ làm phim về “tam nông” mà phát ham! Xã hội đa dạng, nhiều tầng lớp mà số đông vẫn là công nhân, nông dân, người lao động thành thị, trí thức, giáo viên, công chức… Với lại ở xứ mình ai lại chẳng có nguồn cội từ “tam nông”, cho nên cũng cho “tam nông” lên phim nhiều nhiều với! Đời sống của “tam nông” cực kỳ phong phú, có nhiều chuyện tự thân nó đã là kịch bản rồi, chỉ cần chịu khó tìm tòi, phát hiện. Mà phim trường cho “tam nông” thì không hề thiếu, giá rẻ, thậm chí chỉ cần cảm ơn là xong. Cái được chắc chắn là khi xem cuộc đời của mình trên phim, nông dân mình khoái lắm!

LÊ MINH HOÀNG (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)