Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cô giáo thân thiện

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cô giáo Phan Thị Kim Hoàn (ngồi, hàng đầu) là người mẹ, người bạn thân thiện với nhiều thế hệ học sinh

Dáng người nhỏ nhắn, tuổi ngoài 40, nhưng cô đã giải quyết nhiều vụ bạo lực học đường, hỗ trợ hết mình cho công an địa phương và trở thành gương mặt quen thuộc. Đó là chân dung cô Phan Thị Kim Hoàn, giáo viên Trường THPT Nguyễn Trung Trực, Q.Gò Vấp, TP.HCM.
Thiên thần “hậu vệ” của trường
Thứ bảy, ngày 22-3 vừa qua, trên đường về nhà, chung cư Nguyễn Văn Lượng, P.11, quận Gò Vấp, cô Hoàn đã phát hiện một thanh niên đang giấu trong người laptop đi xuống bãi giữ xe chung cư. Ngay lập tức, cô đã chặn lại, dùng môn võ học cổ truyền của mình để khống chế tên thanh niên này và giao cho công an phường. Cô Hoàn kể: “Tôi quan niệm học võ, trước là để rèn luyện sức khỏe, sau là bảo vệ mình và giúp đỡ mọi người khi cần”. Thầy Huỳnh Trọng Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trung Trực cho biết: “Đây không phải là lần đầu tiên cô Hoàn tham gia bắt cướp cho địa phương. Ở trường, cô Hoàn là người đứng ra dàn xếp những vụ học sinh đánh nhau, giúp các nhân viên bảo vệ, giám thị tiếp nhiều phụ huynh khó tính nhất. Công tác ở trường hơn 20 năm nay, cô Hoàn không chỉ là giáo viên giỏi chuyên môn, mà còn là một giáo viên tích cực đóng góp trong các công tác từ thiện, xã hội”.
“Má” Hoàn của học sinh
Đó là tên thân mật mà học sinh Trường THPT Nguyễn Trung Trực dành tặng cho cô Hoàn. Em Lê Minh Hiển, Bí thư Đoàn trường cho biết: “Cô Hoàn là giáo viên rất nghiêm khắc, nhưng khi cần, cô dịu dàng và gần gũi như người mẹ của học sinh. Giờ GDCD cô dạy, chúng em được học những kỹ năng sống, giờ thể dục là những tiết học về những ứng xử tế nhị, những cách tự vệ khi gặp kẻ xấu, còn khi vào giờ chủ nhiệm, cô thưởng phạt rất nghiêm và sẵn sàng lắng nghe điều học sinh muốn nói”.
Phan Thị Thanh Mỹ, học sinh lớp 11A1 kể: “Có khi học sinh chưa có tiền đóng học phí, cô Hoàn còn giúp bọn em đóng trước”. Chị Phạm Hồng Trang, kế toán trường, người làm việc với cô Hoàn gần 10 năm qua ở trường kể: “Đối với các học sinh mà cô Hoàn chủ nhiệm, cô nghiên cứu hoàn cảnh từng em rất kỹ và ít có ai tâm lý với học sinh như cô”.
Tính đến nay, cô Hoàn đã công tác ở trường này hơn 20 năm. Năm nào cô cũng chủ nhiệm 2 lớp, 1 lớp sáng, 1 lớp chiều. Từ một giáo viên dạy thể dục, rồi dạy môn GDCD, làm trợ lý thanh niên và giờ cô Hoàn còn kiêm thêm vai trò thư ký hội đồng nhà trường. Cô Hoàn chia sẻ: “Dạy học, tiếp xúc học sinh là niềm hạnh phúc nhất của người giáo viên. Tôi xem mái trường này là một gia đình và những học sinh cũng như con cái của mình vậy. Không phải lúc nào mình cũng dùng “vũ lực” để giải quyết vấn đề, phải tùy trường hợp và đối tượng mình tiếp xúc là ai. Đối với học sinh “cứng đầu”, chưa chắc mình đánh, la mắng là hiệu quả mà cần có phương pháp, kỹ năng “mềm dẻo hơn”; riêng đối với những đối tượng xấu như: trộm cướp, quấy rối, mình phải có những biện pháp xử lý đúng và những kỹ năng ứng phó tính huống thật nhạỵ bén. Việc này cũng giống như việc luyện võ vậy, phải tùy lúc mà cương, nhu thích hợp”.
Hải Thanh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)