Lệ thuộc game, tivi, Ipad, điện thoại đều là những yếu tố nguy cơ gây các tật khúc xạ về mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị… Tuy nhiên, phụ huynh khi cho con chơi game “quá tải” đã không lường được hậu quả và hệ lụy về sau.
Chơi game quá nhiều khiến Đinh Lê Quang Minh bị cận thị |
Nhờ game “giữ trẻ”
Khi năm học mới bắt đầu chưa được bao lâu, vào đầu tháng 10 vừa qua, em Đinh Lê Quang Minh (Học sinh lớp 4/1 Trường tiểu học Bắc Hải, quận 10) đã gặp khó khăn trong học tập, vì nhìn chữ trên bảng bị nhòe, chữ viết trong tập cũng không thể ngay hàng thẳng lối. Thăm khám tại Bệnh viện đa khoa Mắt Sài Gòn, bác sĩ cho biết em bị cận thị (mắt phải 3 độ, mắt trái 2,5 độ) nên phải đeo kính cận. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, do liên tục trong 2 năm qua, em thường xuyên chơi game từ 5-7 giờ trong ngày hè, từ 2-3 giờ mỗi ngày trong năm học. Cha của em đã cấm tiệt không cho con cầm đến chiếc điện thoại từ hôm đeo kính. Tuy nhiên, chưa được một tuần sau, mọi việc đâu lại vào đấy, game online lại tiếp tục “đồng hành” với em từ khi đi học về, lúc ăn cơm, khi đi vệ sinh và ngay cả khi lên giường ngủ.
Cũng thường dán mắt vào điện thoại để chơi game trường kỳ như em mình, Đinh Lê Thiên Minh (anh trai của Quang Minh – học sinh lớp 8 Trường THCS Trần Phú) cũng phải thay kính mới khoảng một tháng nay. Thiên Minh bị cận thị từ khi học lớp 4, chơi game nhiều khiến cả hai mắt đều bị tăng độ cận và loạn thị. Mỗi lần viết bài, em phải cúi sát tập vở, chỉ cách mặt bàn khoảng 20cm (thấp hơn 10cm so với khuyến cáo). Khi xem tivi, Minh thường phải ngồi ở khoảng cách chỉ 0,5 mét. Chưa đến nỗi phải đeo kính như hai anh mình, nhưng mức độ nghiện game của học sinh lớp lá Đinh Lê Cao Minh (Trường Mầm non Thanh Tâm) cũng rất đáng lo vì ngày nào em cũng ôm điện thoại chơi game hàng giờ. Thỉnh thoảng em hay nheo mắt hoặc dụi mắt vì mỏi.
Theo khái niệm y khoa, cận thị và loạn thị là hai trong số các biểu hiện của tật khúc xạ của mắt. Với con mắt bình thường, khi nhìn một vật thì ảnh của vật sẽ rơi đúng trên võng mạc cho ta thấy hình ảnh rõ ràng, sắc nét, đúng màu sắc. Tuy nhiên, nếu mắt bị “bệnh” thì ảnh của vật không rơi vào võng mạc, được gọi là tật khúc xạ. Theo đó, nếu hình ảnh hội tụ trước võng mạc gọi là cận thị, ở phía sau gọi là viễn thị và nếu hình ảnh của vật không phải là một điểm mà là một đoạn thẳng có thể ở trước, ở sau hoặc nửa trước, nửa sau gọi là loạn thị. Thực tế cho thấy, tật khúc xạ mắt không chỉ gây khó khăn trong học tập, làm việc và sinh hoạt, mà còn là nguyên nhân chính gây suy giảm thị lực vừa và nặng, gây các bệnh lý nguy hiểm như đục thủy tinh thể, bong võng mạc, viễn thị nặng, loạn thị, liệt khúc xạ có thể gây lác, dẫn đến mù một mắt. Ngoài ra, tật khúc xạ còn là nguyên nhân phổ biến thứ hai gây mù lòa trên thế giới. Theo ước tính, có khoảng 8 triệu người bị mù do tật khúc xạ.
Nên khám sàng lọc vào đầu năm học
Theo thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương, cả nước hiện có khoảng 3 triệu trẻ em mắc các tật khúc xạ, trong đó có 2/3 trường hợp bị cận. Trẻ em trong độ tuổi từ 6-15 có tỷ lệ mắc tật khúc xạ từ 25-40% ở khu vực thành thị và từ 10-15% tại khu vực nông thôn. Số học sinh mắc tật khúc xạ tập trung nhiều ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM (chiếm khoảng từ 30%-40%). |
Theo ước tính của Viện Khoa học Giáo dục, cả nước hiện có hơn 3 triệu học sinh trong độ tuổi từ 6-15 mắc bệnh về mắt và cần phải đeo kính. Theo ý kiến của các chuyên gia nhãn khoa, học sinh hiện nay ít có thời gian để mắt nghỉ ngơi. Áp lực học tập và thời gian ngồi trên lớp, học thêm ở trường, học thêm ở nhà chỉ là một phần nhỏ. Mê chơi game, tiếp xúc với màn hình tivi từ nhỏ, màn hình máy tính hoặc các thiết bị di động mới chính là các yếu tố tác động mạnh tới thị giác của các em. Trong khi thời gian để mắt được nghỉ thực tế chỉ khoảng hơn 1 giờ (không tính thời gian ngủ). Do đó, trẻ em tầm độ tuổi từ 4-6 tuổi, cần được kiểm tra tổng diện về mắt trước khi bắt đầu đi học, và mỗi năm một lần vào đầu các năm học ở cấp tiểu học và THCS để không ảnh hưởng đến vấn đề học tập của trẻ.
Để có thể phát hiện kịp thời các biểu hiện của tật khúc xạ mắt, Bác sĩ Trần Hoài Long, (Trưởng Phân môn Khúc xạ – Bộ môn Mắt của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM) lưu ý, phụ huynh nên để ý các dấu hiệu khác thường ở trẻ như hay dụi mắt, nheo mắt, nhắm một mắt hoặc nghiêng đầu; có cảm giác chói sáng; mỏi mắt nhức mắt có thể kèm theo nhức đầu; xem tivi ở khoảng cách gần; nhờ bạn đọc bài giúp để chép; kết quả học tập giảm sút…
Nhằm góp phần phòng tránh tật khúc xạ mắt cho học sinh, Trung tâm Truyền thông – Giáo dục Sức khỏe TP.HCM khuyến cáo, trẻ em cần có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Cụ thể, phụ huynh không nên cho trẻ xem tivi hoặc chơi điện tử quá 60 phút mỗi lần. Tương tự, trong học tập, trẻ cần được nghỉ ngơi 10-15 phút trong một giờ học, góc học tập cần đủ ánh sáng, tư thế ngồi học thẳng lưng (đầu cúi 10-15 độ), chiều cao của bàn ghế cần được bố trí phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm đối với cấp tiểu học, 30cm với cấp THCS và 35cm với học sinh THPT.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)