Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Nước mắt mùa xay

Tạp Chí Giáo Dục

Sài Gòn những ngày này, đi tới đâu người ta cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những xe chở đầy trái xay bán dọc trên các con phố. Không chỉ được giới trẻ ưa thích, trái xay dường như trở thành món ăn vặt không thể thiếu trong những ngày ít nắng của dân công sở bởi vị ngọt chua thanh thanh, khe khẽ tan trên đầu lưỡi. So với các mặt hàng khác, trái xay cũng là mặt hàng được lựa chọn của những người buôn ít vốn. Bởi chỉ với giá thành từ 45.000-50.000 đồng/kg tại chợ đầu mối, mặt hàng này nhanh chóng được thổi lên với mức giá 10.000-12.000 đồng/100 gram mà vẫn cháy hàng tại các khu vực chuyên bán đồ ăn vặt. Nhưng đằng sau trái xay là những câu chuyện kể thấm đầy máu và nước mắt của người dân phố núi, của núi rừng.
Anh bạn tôi từ một huyện miền núi ở Gia Lai gọi xuống, bảo: “Bây ăn chi cái thứ quả nớ cho khổ dân nghèo? Chỉ có dân thành phố thừa cơm thừa gạo mới thích ăn, chứ trên ni có cho bọn trẻ con cũng chẳng thèm. Tháng rồi trên này có 3 vụ đánh nhau, 2 người chết chỉ bởi giành nhau cái thứ cây… đẻ ra tiền ấy”. Tôi chợt giật mình. Đã một thời, xay từng là thứ cây được cả xóm núi nghèo chờ đợi. Mỗi ngày, nếu chịu khó lặn lội, dân nghèo cũng bỏ túi được mấy trăm ngàn, bằng cả mấy ngày ngồi xẻ gỗ thuê cho cánh buôn lậu gỗ trong rừng. Cả năm, người ta chỉ chờ tới mấy tháng mùa mưa để đi hái “lộc rừng”. Dân phố núi hồi xưa hiền lắm! Cả đoàn người kéo nhau đi, tìm chọn cây xay nào có trái nhiều nhất, mang cây sào dài đập cho trái rớt xuống rồi cả mấy gia đình cùng nhặt, bỏ vào bao. Rồi xay lên giá, người miền xuôi lũ lượt đổ về, dân phố núi chẳng còn hiền như trước. Người ta leo hẳn lên cây, lấy dao phang hẳn cả nhánh hái trọn cả trái xanh, non. Cây cao không leo nổi, họ hóa thành “Tarzan”, chọn một cây gần đó, leo lên rồi lấy dây thừng móc chuyển dần. Cây nào “ngon ăn” hơn thì đốn cây cho ngã rạp xuống rồi hái trái về. Mùa xay hết, cả cánh rừng ngổn ngang những nhánh, thân cây xay bị chặt gãy. Xót lắm, nhưng cũng chẳng làm gì được.
Nhưng đó cũng chỉ là chuyện của những mùa trước, chứ vài năm trở lại đây cây xay đã hiếm lắm rồi. Dân đi rừng hái trái phải vào vào tận rừng sâu, giành nhau từ lúc trái còn non để tới mùa còn có trái xay mà thu hoạch. Túng quẫn, tham lam, người ta hóa liều. Và thế là máu đổ. Người lạ đánh nhau đã đành, đến cả họ hàng, người cùng xóm cũng vác dao rượt đánh để khẳng định “chủ quyền”. Có nhà kia, anh em họ đánh nhau gãy chân bởi đứa em dám đốn cây vốn đã được người anh đánh dấu từ trước. Trẻ con nhà này chẳng dám chơi với đứa bạn cùng xóm vì cha mẹ chúng mới cãi nhau cái vụ giành đất hái xay. Lớp học cũng vắng hoe, lắm đứa còn cúp ngang mấy buổi học, cô giáo nó phải lặn lội 2, 3 ngày vào tận rừng sâu đón về. Xay năm nay được mùa, dân phố núi lại lũ lượt kéo nhau lên rừng. Từ đầu mùa đến nay đã có hơn chục vụ đánh nhau, thậm chí đã có người mất mạng chỉ vì giành nhau thứ quả “lộc của rừng” ấy. Tháng 10, hết vụ xay, sẽ lại có biết bao cây xay bị đốn ngã, bao đứa học sinh bỏ học lên rừng. Và, sẽ lại có bao đứa trẻ đầu trần chân đất chẳng dám chơi cùng nhau
Linh Vy

Bình luận (0)