Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Còn đâu nghĩa phu thê?

Tạp Chí Giáo Dục

Bị cáo Hạnh được đưa về phòng tạm giam
25 năm sống chung một mái nhà, có được hai mặt con và cùng trải qua biết bao vui, buồn. Thế nhưng, chỉ vì tranh chấp tài sản, Hạnh đã hành xử một cách cạn tình với người đàn ông đầu ấp tay gối.
Cạn tàu ráo máng
Ngày 27-1-2014, TAND Bà Rịa – Vũng Tàu đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Tuyết Hạnh (SN 1961, ngụ TP.Vũng Tàu) 10 năm tù về tội “Giết người”. Theo nhận định của HĐXX, Hạnh phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức với vai trò là kẻ chủ mưu. Sau đó, Hạnh làm đơn kháng cáo toàn bộ nội dung và phán quyết tòa án cấp sơ thẩm. Mới đây, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án.
Cùng đứng trước vành móng ngựa với các đồng phạm, Hạnh thuật lại quá trình phạm pháp của mình. Theo đó, Hạnh và ông Đào Anh Tuấn kết hôn với nhau năm 1985. Trong thời gian chung sống, cả hai bất đồng quan điểm nên thường phát sinh mâu thuẫn. Nhận thấy không thể sống chung với nhau lâu dài được nên cả hai thuận tình ly hôn và được tòa án chấp thuận quyết định. Mặc dù vậy, cả hai vẫn sống chung một nhà.
Do hai bên không yêu cầu tòa án phân xử tài sản chung nên sau khi ly hôn, giữa Hạnh và ông Tuấn bất đồng quan điểm trong việc phân chia tài sản. Theo ý riêng của mình, bà Hạnh muốn chia căn nhà trị giá 35 tỷ đồng theo tỉ lệ 1/3. Ông Tuấn sẽ nhận 1 phần và được hoàn tiền lại. Còn căn nhà sẽ thuộc sở hữu của Hạnh và hai con. Thế nhưng, ông Tuấn lại muốn chia đôi toàn bộ tài sản chung của cả hai vợ chồng. Do không nhất trí được việc phân chia tài sản chung nên họ thường xuyên to tiếng với nhau. Khi sự kiềm chế không được kiểm soát, cả hai đã xảy ra xô xát và đánh nhau. Không chịu đựng được những đòn tra tấn của ông Tuấn, Hạnh cảm thấy ấm ức và tìm cách trả thù chồng.
Thuê giang hồ “xử” chồng cũ
Ấm ức vì bị ông Tuấn đánh đập, Hạnh đã bất chấp đạo lý làm người và luật pháp tìm người đánh dằn mặt chồng cũ. Sau đó, Hạnh tìm gặp Nguyễn Thị Yến là em kết nghĩa, nhờ Yến thuê người trong giới giang hồ để giúp mình trả thù. Từng biết Phạm Anh Hoàng là tay anh chị khét tiếng ở Vũng Tàu và đang thi hành án tại trại giam Xuân Lộc – Đồng Nai, Yến tìm đến và nhờ vả. Sau khi nghe hết sự tình của Hạnh, Hoàng nhận lời giúp. Sau đó, Hoàng liên lạc cho đàn em là Nguyễn Hữu Tuấn tự “Tuấn ba chay” (SN 1981) từ Hải Phòng vào. Theo lệnh của “đại ca”, “Tuấn ba chay” liên lạc với Hạnh và đề nghị Hạnh chuyển khoản cho mình 20 triệu. Sau khi có tiền, “Tuấn ba chay” sang Trung Quốc mua một khẩu súng ru lô cùng 14 viên đạn với giá 3 triệu đồng. Đến khoảng cuối tháng 11-2010, Tuấn vào Vũng Tàu gặp Hạnh trao đổi tình hình. Nhưng gần 1 tuần lễ lưu lại TP.Vũng Tàu, Tuấn vẫn chưa “xử” được đối tượng nên đành trở về Hải Phòng ăn Tết và hẹn sau Tết sẽ trở vào xử lý nốt.
Cuối tháng 2-2011, “Tuấn ba chay” gọi điện xin Hạnh 2 triệu đồng và hỏi thăm ông Tuấn còn thường xuyên đánh đập không. Mặc dù đang là chủ kinh doanh xây dựng có tiếng nhưng Hạnh đã bất chấp thủ đoạn quyết trả thù chồng cho bằng được nên Hạnh cho biết mình vẫn còn bị chồng đánh đập và quậy phá. Sau đó, “Tuấn ba chay” trở vào Vũng Tàu gặp Hạnh. Trong lúc ngồi uống nước, Tuấn lấy khẩu súng ra thị uy trước mặt Hạnh. Biết rõ súng là vũ khí nguy hiểm có thể gây chết người nhưng Hạnh lại dửng dưng yêu cầu “Tuấn ba chay” chỉ cần bắn chồng bị thương để cảnh cáo thôi.
Theo đó, khoảng 19 giờ ngày 11-4-2011, “Tuấn ba chay” phục kích và theo sát ông Tuấn. Khi phát hiện đối tượng, Tuấn liền bám theo. Khi thấy ông Tuấn ghé vào tiệm thuốc tây, “Tuấn ba chay” liền nổ súng bắn vào người nạn nhân. Bị bắn, ông Tuấn quay người lại thì “Tuấn ba chay” tiếp tục bắn thêm một viên nữa. Đến khi ông Tuấn tri hô “cướp” và đuổi theo thì  “Tuấn ba chay” bỏ chạy rồi bắn thêm một phát về hướng ông Tuấn. Nạn nhân được cấp cứu kịp thời nên may mắn sống sót. Còn Hạnh và đồng bọn sa lưới pháp luật sau đó.
Sự trả thù trong mê muội của Hạnh đã khiến chính bản thân rơi vào vòng lao lý. Cái giá phải trả chính là những tháng ngày tù tội. Hành động trả thù của Hạnh đã vượt quá giới hạn, vượt khỏi tầm kiểm soát của bản thân. Dù không còn là tình vợ chồng nữa thì cũng còn nghĩa phu thê, sao có thể hành xử một cách thiếu suy nghĩ đến thế. Giá như, Hạnh không nhờ đến luật giang hồ mà nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương thì có lẽ kết cục đau lòng dành cho bản thân đã không xảy đến.
Bài, ảnh: Sa Di
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX cho rằng, các bị cáo liên lạc với nhau không có tổ chức nên không thể hiện được vai trò cầm đầu của Hạnh. Do đó, tòa chấp nhận kháng cáo của Hạnh, tuyên giảm từ 10 năm xuống còn 4 năm 6 tháng tù về tội giết người. Các bị cáo Yến và Hoàng cũng được giảm án, riêng “Tuấn ba chay” không kháng cáo nên giữ ức án 13 năm tù cùng về tội danh trên.
 

Bình luận (0)