Cách tốt nhất để hiểu công nghệ, chính là dùng nó. Công nghệ, công cụ ChatGPT đã có sẵn và toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1,5 triệu nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục hãy dùng, trải nghiệm.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn nói về lợi ích và thách thức của ChatGPT với giáo dục
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn đã nhắn nhủ điều này tại tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo – Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” do Bộ GD-ĐT tổ chức. Với sự thu hút của ChatGPT, tuần qua, nhiều trường ĐH khu vực TP.HCM tiếp tục có những tọa đàm, hội thảo phân tích, mổ xẻ về những lợi ích cũng như thách thức của công cụ này đối với giáo dục.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, trong những ngày qua, chúng ta chứng kiến sự hào hứng trong việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và truyền bá công cụ ChatGPT như một phát kiến rất lớn của con người.
“Tại sao chúng ta hào hứng với những công nghệ mới như thế? Bởi vì nó cho phép chúng ta chia sẻ thông tin, kiến thức… Sự khác nhau giữa vật chất và phi vật chất là vật chất càng dùng nhiều thì càng tiêu hao và càng giảm giá trị; nhưng dữ liệu, thông tin, kiến thức, tri thức thì càng chia sẻ nhiều càng giá trị. Bản chất công nghệ thông tin phát triển thành công là vì vậy”, Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Sự ra đời của những công nghệ mới, công cụ mới đều giúp cho công việc của chúng ta trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Thời kỳ dịch Covid-19, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang trực tuyến với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu. Trước kia, ngành giáo dục hay các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức, như câu nói “một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.
Chúng ta chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ. Ban đầu rất nhiều người lo lắng, sự ra đời của radio, ti vi, camera, công nghệ dạy học trực tuyến… sẽ làm mất đi vai trò người thầy, giáo dục cũng sẽ có những thách thức rất lớn. Sau cùng, chúng ta đều thấy, tất cả những công nghệ đó ra đời đều giúp cho không chỉ ngành giáo dục có những bước tiến lớn.
Thứ trưởng nhấn mạnh, với ngành giáo dục, chủ thể vẫn là người thầy nhưng không phải chỉ người thầy với những bài giảng mà chúng ta còn có công nghệ. Công nghệ giáo dục nổi lên từ nhiều năm nay. Đây là một cơ hội rất lớn, chúng ta cần có những chính sách kịp thời. Tất nhiên, những cái mới còn nhiều sự thay đổi và còn nhiều tiến bộ. Không có chính sách nào ra bắt kịp tương lai lâu dài. Nhưng trước hết, chúng ta cần bắt đầu thay đổi nhận thức, cách nhìn nhận, cách đón nhận những công nghệ này.
“Chúng ta không quá hào hứng nhưng cũng không quá lo ngại hay hoảng sợ. Cách tốt nhất để hiểu nó chính là dùng nó. Công nghệ, công cụ này có sẵn, toàn thể hơn 20 triệu học sinh, 1 triệu rưỡi nhà giáo, các nhà quản lý giáo dục… hãy dùng, cảm nhận và trải nghiệm để hiểu hơn. Tôi mong rằng các trường, các tổ chức sau khi đã dùng, đã trải nghiệm sẽ tiếp tục làm rõ hơn lợi ích mà ChatGPT mang lại và tương lai phát triển của ChatGPT cũng như những công nghệ khác. Từ đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ GD-ĐT và các cấp ban ngành khác sẽ có những chính sách lâu dài và kịp thời” – Thứ trưởng nhắn nhủ.
Việt Ngân
Bình luận (0)