Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xem hội “phá trằm” Trà Lộc

Tạp Chí Giáo Dục

Niềm vui của người dân khi bắt được cá to
Đến hẹn lại lên, cứ mỗi năm vào độ Trung thu, người dân ở quanh vùng sinh thái trằm Trà Lộc (thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, Quảng Trị) lại hân hoan bước vào ngày hội đánh bắt cá (hay còn gọi là phá trằm).
“Ngày hội nhắc nhớ các thế hệ về truyền thống đánh bắt thủy sản thân thiện môi trường, vừa giúp bà con thu hoạch tôm cá, đồng thời vệ sinh lòng hồ, đảm bảo quang cảnh xanh cho khu sinh thái, kích thích cây sen phát triển tươi tốt hơn”, ông Cáp Hữu Hanh, Trưởng ban quản lý Khu sinh thái Trằm Trà Lộc phấn khởi nói.
Mỗi năm một lần
Ngay từ sáng tinh sương, người dân khắp vùng tay nơm, tay lưới, lưng đeo giỏ tre cùng rất đông lũ trẻ đổ về đôi bờ trằm chờ giờ khai hội. Hòa trong dòng người đông nghịt đó, ông Lê Văn Thành (gần 70 tuổi) với làn da sạm sương gió cười phấn khởi: “Lên 10 tuổi tui đã theo cha, anh đi hội phá trằm. Mỗi năm chỉ được một lần nhưng những kỉ niệm về tuổi thơ ấu ấy khó quên. Dù tuổi nhỏ có khi lăn lộn cả buổi dưới đầm nước chỉ túm được vài ba chú cá rô bé tẻo nhưng quan trọng là vui. Lũ trẻ bây giờ, nhất là ở phố thì những kỉ niệm như thế này ít được nếm trải”.
Không ai nhớ hội “phá trằm” có từ bao giờ. Người cao tuổi sống ở vùng đất này cho hay, từ khi những bậc tiền bối khai canh lập làng, đã có lễ hội này. Trằm Trà Lộc, cụ thể là một đầm hồ rộng khoảng 10ha, được bao bọc xung quanh là cánh rừng nguyên sinh lâu đời rộng khoảng 100ha. Rừng mọc tự nhiên trên vùng cát trắng, nguồn nước tích tụ lại lòng hồ vì thế rất trong xanh. Là nơi quần tụ của nhiều loài cá tôm sinh sống. Cứ hàng năm, vào thời điểm này, bà con dân làng tổ chức ngày hội bằng cách thức đánh bắt truyền thống. Người kiếm được nhiều thì mang ra buổi chợ kiếm thêm đồng tiền sắm sửa cho con cuốn sách, manh áo chuẩn bị vào năm học mới, người ít thì đem về làm bữa cơm gạo mới thết đãi cả nhà.
Cận cảnh hội “phá trằm”
Trước khi diễn ra ngày hội tầm 1 tuần, những người có chức sắc trong làng phát giấy mời và thông báo cho làng trên xóm dưới thông qua hệ thống loa phát thanh để nhắc nhở bà con chuẩn bị chu đáo các dụng cụ đánh bắt như: Rớ, nơm, dủi, rổ… Điều vui nhất ở ngày hội là không kể lứa tuổi, dễ dàng nhận thấy cả xã từ cụ già râu tóc bạc phơ cho đến đứa trẻ vận khăn quàng đỏ đều hồ hởi tham gia. Bên cạnh đó còn có sự góp mặt của đông đảo du khách thập phương và cả người dân ở các xã lân cận như Hải Xuân, Hải Quy, Hải Vĩnh… Giờ khai hội được ấn định bằng 3 phát súng chỉ thiên. Sau khi phát súng cuối cùng vừa dứt, mọi người ùa xuống bàu nước, kẻ dùng rớ cất, người dùng nơm, có người còn bắt bộ bằng hai tay.
Ông Cáp Hữu Hanh, Trưởng ban quản lý Khu sinh thái Trằm Trà Lộc cho biết: “Việc xả nước lòng hồ để bà con tham gia đánh bắt thủy sản như thế này, vừa giúp bà con thu hoạch được tôm cá, đồng thời cũng để làm vệ sinh lòng hồ, đảm bảo quang cảnh xanh cho khu sinh thái, kích thích cho sen phát triển tốt tươi hơn”.
Mặt trời xế núi, những người dân lấm lem bùn đất sau một ngày mệt lả bắt đầu kéo nhau lên bờ, xóc lại mớ cá trong giỏ. Người bắt được nhiều cá lại thơm thảo sẻ chia cho những người ít may mắn hơn, gọi là lộc trời cùng chung vui. Hoàng hôn buông dần trả lại khung cảnh bình yên cho vùng đầm phá. Những đứa trẻ vẫn giữ trên môi nụ cười giòn tan với chiến lợi phẩm lẽo đẽo theo người lớn khuất dần sau những con đường dẫn về làng. Khung cảnh yên bình đến lạ. Tần ngần rời chốn đầm phá gắn bó gần trọn cuộc đời, ông Lê Vui trải lòng: “Ký ức đời người đôi khi chỉ giản đơn là vậy! Nhưng dù đi đâu, nỗi nhớ và tình làng quê đều chảy trong từng mao mạch cơ thể người Hải Xuân”. Lời ông Vui nghe thật ấm lòng. Với mỗi người Hải Xuân khôn lớn, trằm Trà Lộc là một phần ký ức đẹp nhất cuộc đời. Những năm tháng giặc Mỹ ném bom bắn phá, cánh rừng nguyên sinh dù bị bom đạn cày nát vẫn vươn mình vững chãi để chở che dân làng. Chiến tranh kết thúc, trằm Trà Lộc lại vươn mình xanh tốt, ban cho con người một môi trường sống trong lành sau những trì níu áo cơm đến bù đầu tối mặt.
Bài, ảnh:  Vĩnh Yên – Thiên Phúc
Người dân quanh vùng này quan niệm rằng, trằm (hay còn gọi là bàu theo tiếng địa phương) như một sự ưu ái mà tạo hóa ban tặng cho con người nơi mảnh đất nổi tiếng nghèo khó này. Bởi vậy, sau những ngày vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, người nông dân lam lũ lại mở hội để đánh bắt cá, tôm, lươn, ốc…
 

Bình luận (0)