Y tế - Văn hóaThư giãn

Từ thiện hay chiêu đánh bóng của “chân dài”?

Tạp Chí Giáo Dục

Bức ảnh chuyến đi từ thiện của các thí sinh cuộc thi “Miss Ngôi Sao” tại huyện Thủ Thừa – Long An vừa qua khiến cộng đồng mạng rất bức xúc. Các cô gái trẻ đáng tuổi “con cháu” được đường hoàng ngồi ghế trên, nước uống đầy đủ; trong khi các cụ già lưng còng tóc bạc thì ngồi chỉ được ngồi ghế bình thường.

Miss Ngôi sao là cuộc thi sắc đẹp qua ảnh do trang ngoisao.net tổ chức. Chuyến đi này có Miss ngôi sao 2011 Kim Phượng cùng nhiều người đẹp khác, về với người già neo đơn, trẻ em nghèo ở huyện Thủ Thừa. Sẽ không có gì đáng nói nếu như chuyến đi nghĩa tình này thật sự mang ý nghĩa và giá trị đích thực của một hành trình tận tâm, biết nghĩ mọi việc cho chu toàn của ban tổ chức. Nhưng những hình ảnh trao quà tận tay, thân thiện giữa các người đẹp và những cụ già neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… bỗng trở nên giả tạo khi đan lồng trong những hình ảnh đầy “tính quảng bá” ấy lại là một sự thật về việc phân biệt đối xử một cách vô tình.                                                                           
Hình ảnh bị dư luận chỉ trích vì sự tương phản đau lòng
Ngay sau khi hình ảnh trên được đưa lên ngoisao.net, độc giả đã phản ứng khiến trang mạng này phải gỡ bỏ. Bức ảnh miêu tả rõ sự tương phản trong cách đối xử trái với văn hóa phương Đông "kính lão đắc thọ". Nhiều diễn đàn, mạng xã hội đã kịp đăng lại bức ảnh trên và không tiếc lời chỉ trích. Chỉ một bức trên cùng dòng chữ “bạn nghĩ gì về việc từ thiện kiểu này?” trên Facebook, đã có hàng ngàn lượt truy cập với hàng trăm lượt bình luận, chỉ trích lối đối xử không biết “kính trên nhường dưới” của những người tổ chức, cả sự vô tâm của các người đẹp mang danh là “thanh lịch” khi vô tư “ngồi ghế trên”.
Một hình ảnh rất không đẹp của một hoạt động lẽ ra đầy tính nhân văn khiến cho người ta phải nhìn lại cái gọi là “từ thiện” lâu nay. Sự chia sẻ vì tấm lòng với cộng đồng không biết tự bao giờ đã trở thành công cụ quảng bá, đánh bóng bản thân – không chỉ cho người nổi tiếng mà còn với cả một số đơn vị doanh nghiệp.
Còn nhớ, vụ lùm xùm chuyện các Hoa hậu làm từ thiện 1,5 triệu đồng cũng khiến dư luận phải bức xúc vì “tiền trao” thì ít mà “cháo múc” nhiều. Không chỉ vậy, vật phẩm mang đi “từ thiện” cũng có những chuyện cười ra nước mắt. Từng có quà là những thùng mì, bánh ngọt, sữa đã hết hạn sử dụng, những hộp trứng ung, thậm chí là những bộ quần áo đã cũ như giẻ rách. Làm từ thiện để nhường cơm sẻ áo là trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng khi mình có điều kiện sống tốt hơn, là tấm lòng, là đôi bàn tay truyền ấm áp cho nhau để tình yêu thương được kết nối một sức lan tỏa bên vững trong xã hội.
Thế nhưng, không phải lúc nào hoạt động từ thiện cũng đẹp đẽ, nhân ái như chính ngôn từ xây nên nó, khi con người xem đó là đòn bẩy cho mục đích riêng; xem đó là một sự ban phát của kẻ quyền thế giàu sang cho những phận nghèo hèn, nghĩ rằng “có là tốt rồi” hay “hàng tồn để dành làm từ thiện”… Như thế chẳng khác nào dội thẳng vào đồng bào nghèo cần được giúp đỡ, cưu mang một gáo nước lạnh của sự xem thường, dửng dưng và một phần của sự ích kỷ, vô tâm.
Những mặt trái đã khiến cho công chúng dần dần bị đánh mất niềm tin vào cái gọi là từ thiện của một số người mẫu, ca sĩ. Một dạo, từ thiện còn được xem là “mốt” để những gương mặt mới nổi tranh thủ tiếp thị hình ảnh bản thân, đến mức có những trường hợp những người trong giới phải gọi là “con sâu làm rầu nồi canh”.
 Nhiều sao mỗi lần làm từ thiện là phải tiếp thị ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông nhưng những hành trình ý nghĩa đích thực lại là những hành trình thầm lặng nhất. Người viết từng nghe chuyện một nhân vật tài trợ cho hoạt động từ thiện nhưng yêu cầu phải có đài truyền hình đến ghi hình, phát sóng, nếu không thì sẽ không tiếp tục tài trợ. Chia sẻ thông tin để bạn đọc cả nước chung tay góp sức là một điều cần làm nhưng đó là nhiệm vụ của truyền thông chứ không phải người “nắm hầu bao” có quyền nhân cơ hội để đánh bóng tên tuổi của mình.
Người già có ấm áp được không khi bị đối xử như phận người chờ ban phát? Người nghèo có ngậm ngùi không khi phần quà hảo tâm đã là đồ bỏ đi không sử dụng được? Ai sẽ vui hơn ai khi những hình ảnh từ thiện chỉ giúp ích cho mục đích PR? Nỗi xót xa nào ở lại khi sức lan tỏa của một chuyến từ thiện không phải là ý nghĩa của nó mà chính là những mặt trái hệ lụy?
Từ thiện như thế, để làm gì?
 
Theo NLD

 

Bình luận (0)