Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Sự nhầm lẫn rất dễ xảy ra

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là khẳng định của TS. Huỳnh Công Minh (Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Trường THCS, THPT Quang Trung – Nguyễn Huệ) khi trao đổi với Giáo dục TP.HCM về nội dung văn bản 4612 của Bộ GD-ĐT hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017-2018, trong đó có câu “tuyệt đối không dạy những nội dung ngoài sách giáo khoa” khiến dư luận quan tâm.

Một tiết học tại Trung tâm GDTX Tân Phú (TP.HCM). Ảnh: N.Trinh

– TS. Huỳnh Công Minh nói: Theo diễn giải thì Bộ GD-ĐT muốn yêu cầu giáo viên dạy đúng chương trình, không nên dạy quá cao, làm cho học sinh khó tiếp nhận, không động viên thúc đẩy học sinh học tập. Đây là ý tưởng chỉ đạo đúng nhưng cách diễn đạt từ ngữ không đúng, tạo ra sự bức xúc không đáng có!

Thật ra, sự nhầm lẫn này rất dễ xảy ra nếu ai đó trong chúng ta chưa thấm nhuần sâu sắc ý nghĩa và sự quyết tâm cao độ của công cuộc đổi mới giáo dục nước nhà hiện nay, khi mà sách giáo khoa (SGK) không còn là pháp lệnh nữa, SGK chỉ là một loại tài liệu dạy học có tính tham khảo để thực hiện chương trình đào tạo. Mỗi thầy cô giáo ngày nay phải không ngừng trau dồi, rèn luyện chuyên môn nghiệp vụ để có đủ năng lực dựa vào chương trình mà sáng tạo, thu hút, gợi mở, tổ chức học sinh học tập.

Thưa ông, Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục rà soát nội dung dạy học trong SGK hiện hành, tinh giản nội dung dạy học vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng, nội dung trùng lặp giữa các môn. Cụ thể “Không dạy nội dung, bài tập, câu hỏi trong SGK vượt quá mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tuyệt đối không dạy nội dung ngoài SGK”. Điều này có đi ngược lại với chủ trương thoát ly SGK trước đây?

Thực tế ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến, nội dung giảng dạy trên lớp đều do thầy cô giáo tự biên soạn theo yêu cầu của chương trình đào tạo, không lệ thuộc vào SGK.

– Thật ra, không có chủ trương nào yêu cầu giáo viên thoát ly SGK! Vấn đề đòi hỏi là giáo viên không nên máy móc rập khuôn, đọc chép từ SGK cho học sinh, nặng nề nhưng không hiệu quả! Những thầy cô giáo giỏi thường sử dụng tốt ngôn ngữ của mình để diễn đạt bài dạy đến với học sinh một cách sinh động, gần gũi và thu hút, không khô khan xơ cứng, sáo rỗng theo cách diễn đạt vốn có của SGK. Người ta thường ca ngợi “Nghề dạy học là một nghề sáng tạo” là vì vậy.

Cho nên nếu cấp chỉ đạo không cho giáo viên “dạy ngoài SGK” thì giáo viên khó có điều kiện dạy giỏi, dạy sát với từng đối tượng học sinh và không thể “sáng tạo ra con người sáng tạo” như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói.

Điều này có trái với khuyến khích của Bộ GD-ĐT về việc học tích hợp theo chủ đề vì kết hợp được nhiều kiến thức các bộ môn không, thưa ông?

– Dạy học tích hợp là một vấn đề khác! Tích hợp là sự thể hiện giờ dạy chứa đựng một số nội dung liên quan, gần gũi mật thiết với nhau để người học dễ tiếp nhận trong điều kiện ít tốn kém hơn về thời gian và công sức. Tất nhiên bài dạy tích hợp ấy do giáo viên tự biên soạn trên nền tảng của chương trình và SGK.

Nhiều kiến thức trong SGK cũ nếu không nói là lạc hậu do thiếu cập nhập thông tin nhất là các môn khoa học xã hội. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến cách dạy nâng cao và mở rộng kiến thức cho học sinh, thưa ông?

– Nếu hiểu nội hàm chỉ đạo “Không dạy ngoài SGK” của Bộ GD-ĐT là yêu cầu không dạy quá chương trình, dạy sát đối tượng học sinh không phải là sự bắt buộc rập khuôn thì việc cập nhật nội dung các môn học trong SGK là điều cần thiết, khuyến khích thực hiện, thầy cô giáo chúng ta phải có trách nhiệm cập nhật bổ sung.

Đổi mới phương pháp giảng dạy liên môn, tích hợp, nếu không dạy kiến thức ngoài SGK thì e rằng học sinh sẽ không tiếp nhận được thông tin ngoài SGK? 

– Như trên đã nói, nội dung chỉ đạo “Không dạy ngoài SGK” không có nghĩa là ngăn chặn sự vận dụng thực tế có tính minh họa bài dạy và thực hiện chủ trương dạy học tích hợp hiện nay.

Chủ trương này có trái ngược với chủ trương “một chương trình, nhiều bộ SGK” cho các địa phương không, thưa ông?

– Chủ trương “Một chương trình, nhiều bộ SGK” được thông qua là một sự khẳng định không phải là pháp lệnh của SGK. Chương trình mới là pháp lệnh, còn SGK chỉ là tham khảo.

Theo ông, để thực hiện tốt chủ trương của Bộ GD-ĐT, giáo viên phải có sự hài hòa như thế nào trong quá trình liên hệ, mở rộng kiến thức ngoài SGK?

– Chúng ta cần nhận thức đầy đủ về ý đồ chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Chúng ta phải dạy đúng chương trình, sát với trình độ học sinh để động viên các em học tập. Bên cạnh đó, chúng ta phải quán triệt sâu sắc chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước về giáo dục phải tích cực học tập và rèn luyện để đủ sức sáng tạo, thực hiện đổi mới thành công.

Thực tế ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến, nội dung giảng dạy trên lớp đều do thầy cô giáo tự biên soạn theo yêu cầu của chương trình đào tạo, không lệ thuộc vào SGK. Cơ chế hoạt động này của nhà trường phát huy cao độ sự sáng tạo của thầy cô giáo làm cho lớp học luôn sinh động, đáp ứng được với từng đặc điểm của học sinh trong quá trình học tập mà không rập khuôn, máy móc thiếu hấp dẫn. Đây là cơ chế hoạt động chúng ta đang phấn đấu thực hiện trong xu thế đổi mới và hội nhập quốc tế, đòi hỏi mỗi thầy cô giáo không ngừng học hỏi và rèn luyện để có năng lực thực hiện tốt cơ chế hoạt động nói trên. Nắm rõ được yêu cầu mục tiêu đào tạo, xác định được những nội dung cần cung cấp cho học sinh với phương pháp dạy học phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)