Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Lượm hạt rừng thu

Tạp Chí Giáo Dục

Thu đi cho lá vàng bay… (Đoàn Chuẩn – Từ Linh)

Đi nhặt hạt dẻ lúc thu sang được nhiều gia đình ở Đức nói riêng, ở châu Âu nói chung, lên lịch cho cuối tuần. Dresden chiều thứ sáu, tan sở, tan học sớm hơn và dân tình khi tạm biệt nhau đều hẹn hò “gặp nhau ở Công viên Lớn nhé” hay “gặp ở rừng dẻ nhé”.

Nào! Cùng lượm cho nhanh đầy túi – Ảnh: T.C.

Sáng sớm thứ bảy, người lớn, trẻ con hớn hở chuẩn bị găng tay, giỏ xách. Lũ trẻ tiểu học lao nhao được dịp hẹn bạn bè nô đùa và thầm thì đủ điều bí mật của chúng. Đám nhóc tì đứa lẫm chẫm, đứa lạch bạch chạy trên thảm lá khô và được phép nhặt mớ hạt dẻ không ăn được về chơi hoặc dành làm thức ăn cho sóc, thỏ, nhím khi đông về.

Bọn trẻ dễ dàng nhìn thấy trên cỏ, trong lá những hạt dẻ vỏ nâu bóng, to tướng và khoái chí tóm lấy giơ lên khoe với người lớn. Tiếng cười trẻ thơ theo gió cuốn lên bầu trời thu trong vắt.

Khi đám lá linden (một loại cây phổ biến ở châu Âu, cùng họ với cây bồ đề, tiếng Anh là lime) phủ vàng khắp lối đi là lúc những chùm quả dẻ trở mình nứt vỏ. Mỗi cơn gió thu sẽ sàng lướt qua hàng cây khiến hạt dẻ tươi vẫn còn phủ lớp lông mịn bao ngoài rụng rơi trên thảm lá. Nhiều quả dẻ mới chỉ nứt vỏ đã rụng, để tách lớp vỏ chi chít gai nhọn lấy hạt bên trong cần có “kỹ năng” nhất định.

Trong khi đám hạt dẻ không ăn được có vỏ mỏng, gai không nhọn, lại còn nứt toác sẵn, rụng xuống đất là văng ra cái hạt to bằng ngón chân cái. Giống ấy luộc hay nướng lên ăn đều đắng nghét, chả bù với những quả dẻ phải vất vả kiếm tìm rồi cất công tách vỏ, đến lúc nướng ăn sao mà thơm lừng và bùi ngậy đến thế!

Trong các cửa hàng, siêu thị, hạt dẻ gai có giá khá cao so với các loại hạt khác, khoảng 8-10 euro/kg. Nhiều gia đình kéo nhau đi nhặt hạt dẻ cuối tuần là để vận động, hít thở không khí trong lành, bởi có khi mất vài tiếng trong rừng hay công viên mà chẳng kiếm nổi số hạt cho vài người nhấm nháp.

Nhưng không chỉ có hạt dẻ. Nào, hãy theo lũ sóc lửa sang dãy cây phỉ phía con suối kia. Quả phỉ (hazelnut) được hái lúc lớp áo bao ngoài vẫn còn xanh đậm, vỏ bọc còn mềm, có thể dễ dàng dùng răng cắn vỡ để tách lấy hạt. Vị hạt phỉ tươi bùi và ngọt. Hái quả phỉ chỉ cần vít cành xuống, tay vặt thoăn thoắt, loáng đã đầy túi.

Tới tháng chín quả phỉ đã già, vỏ ngả màu vàng nâu, nhiều quả rụng xuống đất. Khi ấy vỏ đanh lại, phải dùng kẹp tách ra để lấy hạt làm nhân bánh ngọt hoặc bào nhỏ rắc lên bánh kem hay trộn với sữa ăn sáng, món nào cũng ngon, cũng nhiều chất dinh dưỡng mà không lo béo phì.

Lại còn hạt óc chó nữa. Đi dạo trong rừng mùa thu mà bắt gặp cây óc chó thì đúng là may mắn. Hạt rụng sẵn la liệt dưới gốc cây già, chỉ việc cho vào giỏ, về nhà dùng kẹp bẻ vỏ cứng, bên trong là lớp nhân xếp thành bốn phần nếp gấp y như não bộ. Người ta bảo phụ nữ chỉ cần ăn 3-5 hạt/ngày là đủ để da dẻ tươi sáng, khí huyết điều hòa, tâm tính dịu dàng. Vậy là phải đánh dấu gốc cây óc chó này lại để thu sang năm lại tìm đến và nhặt hạt trữ cả năm, đợi mùa tới. Hóa ra người cũng y như lũ sóc vậy, bới lá tìm hạt rồi còn mang về kho bí mật cất giấu cho mùa đông!

Các loại hạt đúng là món quà của cây cỏ thiên nhiên ban tặng cho người lúc thu sang, để rồi cứ cuối hè ai nấy đều mong sẽ có những ngày thu trời trong xanh, nắng vàng óng, các loại hạt nâu bóng lại chi chít trên cành…

Dưới rặng dẻ cổ thụ trong rừng thu – Ảnh: T.C.

Sóc lửa đang kiếm hạt – Ảnh: T.C.

MINH LÝ (TTO)

Bình luận (0)