Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Nhà cổ trên cù lao Tân Lộc

Tạp Chí Giáo Dục

Một ngôi nhà gần 100 tuổi trên cù lao Tân Lộc. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết
Lâu lắm mới có dịp về thăm lại cù lao Tân Lộc, vốn xưa chỉ là cồn cát, nay đã thành xã Tân Lộc thuộc huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Những năm gần đây, người dân vùng này “ăn nên làm ra” với cá tra hầm, cây trái và du lịch miệt vườn… Nhưng với tôi, điều đáng chú ý nhất vẫn là những ngôi nhà cổ.
Từ xa xưa lưng cồn đã nổi lên giữa sông Hậu, một bên là Cần Thơ, bên kia là Đồng Tháp rồi dần dần dài, rộng mãi ra thành một cồn cát mênh mông, màu mỡ phù sa. Và cũng từ xa xưa, khi Nguyễn Ánh thất thế trước nhà Tây Sơn cùng quần thần chạy qua nơi này đã để một số quan chức trụ lại đất cồn, vừa để thám thính binh tình đối phương, vừa khai khẩn đất hoang để an dân lập ấp, tạo thanh thế cho chúa Nguyễn về sau!
Xe chạy bon bon trên con đường vòng quanh xã, mới thấy sức dân mạnh đến dường nào khi mọi con đường giao thông ở đây tuy là hương lộ mà tất cả hoặc tráng nhựa phẳng lì, hoặc lát xi măng thẳng tắp. Chả trách vùng cù lao này vẫn được nhắc như vùng đất giàu có nhất của huyện Thốt Nốt, xã Tân Lộc kết lại từ Tân Lộc Đông và Tân Lộc Tây trước đây.
Vị trí đặt quảng cáoTrong làng vẫn còn vài ngôi nhà cổ nằm rải rác ven lộ. Nghe nói trước có rất nhiều nhưng nay đã hư hỏng hoặc hoang phế nên chỉ còn trên dưới chục nhà. Chúng tôi đã dừng lại chụp một số ảnh mấy ngôi nhà trính, mái nhà xây kiểu bánh ú xưa bị bỏ hoang nhiều năm, tường mái còn nguyên, những cột lớn bằng cam xe cà chắt suôn thẳng cao ngút mà bên trong thì trống rỗng, rơm rạ đầy nhà.
Chúng tôi đã suýt xoa, trầm trồ trước ngôi nhà thờ của một ông hội đồng quá vãng con cháu đã di tản hết ra nước ngoài. Và, ở một ngôi nhà cổ khác, cách kiến trúc theo kiểu nhà Tây từ cuối thế kỷ 19. Bác Sáu Thế, vị chủ nhân 86 tuổi đã nồng nhiệt tiếp đãi chúng tôi cùng những đồ vật có từ mươi đời của dòng họ ông, những người từ thuở khai hoang lập ấp nơi này.
Tôi đã ngẩn ngơ ngắm nhìn một trong ba chiếc tủ thờ khảm xà cừ tinh tế của các thợ đất Bắc năm xưa. Một chiếc tủ thờ còn khảm cả một trong 3 bài Thanh Bình Điệu của Lý Bạch:
Vân tưởng y thường hoa tưởng dung
Xuân phong phất hạm, lộ hoa nùng.
Mây tưởng áo, hoa tưởng người
Gió lay sương điểm, hoa tươi bội phần.
                                                                                (Nguyễn Hiến Lê dịch)
Cứ nhìn mấy chiếc tủ thờ, chiếc bàn chân quỳ chạm đầu sư tử gỗ lên nước đen bóng, mấy bảng tông chi vẽ tỉ mỉ treo trên vách rồi đi sâu vào căn nhà mát rượi ba gian hai chái với kiến trúc vuông vức 20m x 20m này mới rõ đâu là nét cổ của cách xây cất trước đây. Có lẽ vì vậy mà ánh sáng theo sáu khung cửa vào đầy nhà. Nối liền nhà trên và nhà dưới (nhà bếp) là một lối đi lát gạch, lợp mái ngói hẳn hoi mà bác chủ nhà gọi là “nhà cầu” lộng gió mát rượi, thoáng đãng.
Đến một ngôi nhà khác cũng có gần trăm năm tuổi ở khu vực Tân Mỹ, chúng tôi được chiêm ngưỡng những cột nhà làm bằng gõ đỏ còn nguyên vẹn và một bộ ngựa dày 2 tấc, ngang 2,2m, dài 3,2m cũng bằng gõ đỏ. Bà chủ nhà Nguyễn Ngọc Lên, năm nay 74 tuổi, cho chúng tôi biết bộ ngựa gõ này của ông nội chồng bà để lại, trước đây có người trả giá 25 cây vàng nhưng gia đình không bán. Bà kể “những năm chiến tranh, nhờ bộ ngựa này mà cả gia đình yên tâm không sợ đạn bom bắn lạc vào nhà.
Vợ chồng ông Nguyễn Văn Thi và bà Nguyễn Thị Trực, chủ ngôi nhà song tiện đã hơn 150 tuổi. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuyết
Cách nhà bà Lên vài chục thước là một ngôi nhà song tiện khá nguyên vẹn. Ngôi nhà có mặt tiền dài đến 20 mét, cửa mở ra phía bên hông. Hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Thi và bà Nguyễn Thị Trực, chủ nhà đều ở tuổi 80 cho biết ngôi nhà này hình vuông, dài rộng bằng nhau. Có điều bất tiện là cửa nhà hẹp nên mỗi khi nhà có đám tiệc phải mở bớt những cây song tiện ra, xong lại gắn vào. Nhìn những song tiện cây nào cây nấy to bằng nắm tay ngoài mặt tiền rồi nhìn vào ba cái tủ thờ khảm xa cừ trong ba gian chính thật rực rỡ với ba kiểu chạm khắc khác nhau mà thêm thán phục người xưa.
Ông Thi cho hay, ngôi nhà đã trên 150 năm tuổi, trải qua bốn đời; thời cha ông là hương trưởng Nguyễn Văn Sung vẫn còn giữ được 10 công ruộng, 10 công vườn chung quanh. Trong nhà không chỉ có ba bộ tủ cẩn quý giá mà còn một bàn đá cẩm thạch trắng hình chữ nhật và một bộ bàn chân quỳ bằng cây cẩm có thể xoay tròn, ai trả bao nhiêu ông cũng không bán.
Thật bất ngờ, thú vị khi chúng tôi nghe bà Trực nói tiếng Pháp như… “gió”. Những câu chuyện kể của bà về kỷ niệm thời đi học với cô giáo Liệp (phu nhân học giả Nguyễn Hiến Lê) ở Long Xuyên cuốn hút chúng tôi với sự hào hứng khó mà dứt được của bà chủ nhà đã 80 tuổi.
Theo chân mấy ông bạn địa phương, chúng tôi đi ngược về phía Tân An để thăm ngôi nhà song tiện của ông Huỳnh Quang Quế, được khởi công xây cất từ năm 1911 và hoàn thành vào năm 1914, là một ngôi nhà nổi tiếng ở Tân Lộc. Giống như ngôi nhà trước đó, nhà này cũng mở ra với cửa bên hông, mặt tiền là những song tiện lớn, phần thần vọng (bao lan) trong nhà thật bề thế, chạm lộng tỉ mỉ, tinh xảo.
Anh Huỳnh Công Tịnh, cháu đời thứ ba của gia đình cho biết, bà cố Nguyễn Thị Ngọc của anh đã từng mở một nhà tằm lớn ở đây trên 7 mẫu đất của gia đình. Công việc trồng dâu, nuôi tằm dệt sợi không chỉ gói gọn ở địa phương mà còn xuất lụa tơ tằm sang Mã Lai, Singapore. Ngồi trong ngôi nhà tuy không phải là cổ xưa lắm, nhưng chúng tôi vẫn thấy lòng ngây ngây khi hình dung lại cái không khí của một nhà tằm bề thế ở năm xưa.

Trên đất cù lao này, đi hoài đi hoài vẫn không hết ngạc nhiên, say lòng. Bởi đâu chỉ là những con đường trải nhựa do nhân dân tự làm, đâu chỉ là những tổ chức từ thiện nấu cơm, làm nhà tình thương, phát thuốc Nam… Tân Lộc còn tiềm ẩn nét xưa sang trọng của những ngôi nhà cổ, đánh dấu một thời kiến trúc của vùng đất Nam bộ xưa.

Theo TBKTSG

Bình luận (0)