Lão Hạc, một người đàn ông “côi cút” không vợ con, nghèo khổ, tài sản không có gì ngoài một con chó và tình cảm không gì nhiều hơn là mối tình dành cho con chó của mình. Lúc túng quẫn, lão Hạc buộc phải bán chó đi và có lẽ lão không thể ngờ sự đau khổ và dằn vặt lương tâm lại lớn như thế, đến mức lão Hạc cũng không thể sống nổi trong cái cảnh hoang lạnh một mình.
Anh bạn của tôi dĩ nhiên không phải là lão Hạc, anh là một nghệ sĩ có công ăn việc làm đầy đủ, nhà mặt phố, thu nhập cao, anh chẳng bao giờ phải lựa chọn việc bán chó hay “bán mình”. Song tình cảm của anh với con chó khó bút nào tả xiết.
Mỗi khi đi chơi, anh thường đem chó theo, chở trên xe máy. Lúc anh ngồi uống cà phê, con chó cũng ngồi nhìn hoa sữa rơi rụng, cả hai trầm tư như các nhà hiền triết. Anh nói: “Mỗi ngày làm việc mệt mỏi trở về, con chó chạy ra, quấn quýt, dụi cái mõm vào đôi giầy, bao nhiêu mệt mỏi tan biến hết”.
Tranh mèo dân gian Đông Hồ cho thấy thú nuôi chó mèo đã có từ lâu đời.
Một người bạn khác của tôi là nhà văn, có hứng thú nuôi mèo. Một lần thấy đôi mèo ai vứt ven đường, anh ôm lấy đem về nuôi, kể từ đó, anh cứ nuôi ngày một nhiều mèo. Năm con, mười con, rồi nhiều hơn thế nữa. Anh gọi chúng là “nàng”, đôi khi là “nàng thơ của tôi”. Anh trải đệm cho chúng nằm và cho chúng đắp chăn. Cũng kể từ dạo anh nuôi mèo, công việc viết lách bận rộn, cộng thêm một lũ “nàng” đang chờ nhà văn, anh gần như biến mất khỏi các quán cà phê. Anh thường nói: “Nhà văn là những kẻ cô đơn! Nhưng những con mèo con cô đơn hơn”.
Tôi biết có một nữ diễn viên khá nổi tiếng, từ lâu ẩn dật, không còn xuất hiện trong giới nghệ sĩ. Có thể một trong những nguyên nhân là cô bận bịu với đàn mèo của mình. Mỗi bước chân cô đi trong nhà, có dăm bảy con mèo chạy theo. Cô gọi chúng là “con” và nếu ngày nào đó không nói chuyện về những con mèo, dù là khen hay chê, mừng hay cáu bẳn, cô sẽ cảm thấy cuộc đời bớt đi sự thú vị ít nhiều. Bên cạnh cô, những con mèo có thể ngồi yên xem cả những bộ phim dài tập, chờ đến bữa uống sữa và ăn bánh ngọt rồi đi ngủ.
Mới đây, có chuyện một người nuôi chó trong chung cư đã đánh hàng xóm nhập viện, khâu mấy mũi, chỉ vì anh hàng xóm xua đuổi con chó. Câu chuyện khá hi hữu, nhưng nó cũng làm dấy lên những câu chuyện: “Có nên nuôi chó mèo trong chung cư?”.
Một chung cư nọ, khi trưng cầu ý kiến cấm nuôi chó mèo thì không ít hộ phản đối, nhiều người còn nói rằng, họ sẵn sàng bán căn hộ chung cư để chuyển đi nơi khác, đồng thời “đe dọa” công khai lên mạng rằng chung cư X, chung cư Y cấm nuôi chó mèo, khiến giao dịch mua bán, cho thuê sẽ bị ảnh hưởng (?). Rồi cuối cùng lệnh cấm nuôi chó mèo cũng không thành hiện thực, một phần do chẳng có luật pháp nào cấm nuôi chó mèo, chim chóc trong nhà.
Sự gắn bó sẻ chia giữa con người và động vật vốn có từ lâu đời, có lẽ từ thời con người thuần hóa vật nuôi. Thậm chí 12 con giáp cũng lấy cảm hứng từ các con vật. Song, trong cuộc sống hiện đại, đã có không ít sự đổi thay về quan niệm. Có không ít tổ chức bảo vệ động vật đã lên tiếng về việc nuôi nhốt động vật, kể cả đó là các động vật trong vườn thú, vườn xiếc. Ngày nay, các vườn thú, nhà xiếc cũng luôn dành những khoảng không gian, cây cối, để voi, gấu, khỉ… vui chơi, gần với cuộc sống tự nhiên.
Có người nuôi mèo ở chung cư, nhưng sợ hàng xóm phàn nàn, sợ mèo nhảy ra khỏi cửa sổ nên quanh năm đóng kín cửa, bật đèn leo lét. Đàn mèo cứ sống trong bóng tối như thế, mỏi mắt chờ chủ về. Có thể, chúng được miếng ăn ngon, thức ăn từ Mỹ, từ Pháp, nhưng chúng lại không bao giờ nhìn thấy ánh nắng mặt trời, những vườn cây trái, hay thậm chí là thú vui sinh sản bởi chúng đã bị thiến hết từ nhỏ.
Tôi biết một chị thường mua cá cho mèo hoang ở lăng Ông Bà Chiểu ăn. Người phụ nữ ấy nói: “Tôi không nuôi mèo trong nhà, vì như thế là lấy đi tự do của nó. Tôi dành chăm sóc những con mèo hoang, bởi chúng chẳng làm gì nên tội và dù sao chúng cũng vẫn có được một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, với giống loài”.
Bình luận (0)