Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Mít rớt giá thê thảm

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Trần Công Hiền, Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Hòa (H.Cai Lậy, Tiền Giang) bức xúc cho biết: “Chỉ sau một đêm, hàng ngàn hộ nông dân phải khóc ròng vì giá mít rớt thê thảm, từ 22.000 đồng/kg xuống còn 4.000 đồng/kg, do thông tin không chính xác được đăng trên một tờ báo”.
Cụ thể, ông Hiền cho biết vào đầu tháng 5.2013, sau khi một tờ báo đăng bài Trái cây “tắm” ngập ngụa trong hóa chất độc hại để mau chín và bắt mắt người mua mô tả tình trạng các thương lái đến tận vườn ở đây để mua mít non rồi dùng hóa chất độc hại để xử lý thành mít chín. Ngay lập tức hậu quả là giá mít đã rơi xuống tận đáy nhưng vẫn không có người mua, nông dân phải bán đổ bán tháo. Hiện giá mít loại 1 (trọng lượng từ 9 kg/trái trở lên) bán tại vườn chỉ còn 8.000 đồng/kg. Mít loại 2 còn 4.000 đồng/kg, thậm chí chỉ 2.000 đồng/kg, trong khi từ trước đến giờ giá mít bán tại vườn thấp nhất cũng 17.000 đồng/kg. Theo ông Hiển, mít là loại cây “xóa đói giảm nghèo”, dễ trồng lại cho thu nhập khá nên mấy năm gần đây phát triển rất nhanh. Nhiều gia đình nhờ cây mít mà thoát khỏi cảnh nghèo. Toàn xã có 540 ha đất nông nghiệp thì có hơn 190 ha trồng mít. Trong khi đó ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy hiện có khoảng 1.000 ha trồng mít.

Nông dân trồng mít áp dụng biện pháp bao lưới để phòng trừ sâu và ruồi đục trái – Ảnh: PH.H

Ông Nguyễn Văn Đấu, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hòa và nông dân Nguyễn Văn Lình, là người được dẫn tên trong bài báo khẳng định họ chưa hề tiếp xúc hay trả lời phỏng vấn của tờ báo nói trên bao giờ. Ông Lình nói: “Bao nhiêu năm nay tôi là người gầy dựng mô hình khu vườn tình thương cho hộ nghèo bằng việc hỗ trợ cây giống và kỹ thuật. Có lý nào tôi lại phát biểu bậy bạ làm hại bà con. Vậy mà từ khi bài báo đăng tải, mít rớt giá thê thảm, tôi trở thành kẻ “tội đồ” vì nhiều người gặp tôi không thèm nhìn”.
Chiều 18.7, ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tiền Giang, cho biết tình trạng mít bị rớt giá do ảnh hưởng của bài báo thông tin không chính xác (như phản ánh của UBND xã Thanh Hòa) ông chưa nắm được cụ thể và sẽ chỉ đạo cho điều tra làm rõ. Tuy nhiên, theo ông Hóa thì việc mít bị rớt giá còn có nguyên nhân do nông dân trồng quá nhiều, cung lớn hơn cầu.
Tương tự, TS Lê Hữu Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang, cũng cho rằng tình trạng mít bị rớt giá có nguyên nhân do tác động của quy luật cung cầu. Nhưng một số thông tin sai lệch quá đáng về việc nông dân sử dụng hóa chất xử lý đối với trái mít đã làm trầm trọng thêm vấn đề. Cụ thể là một số thương lái đã lợi dụng việc này để ép giá, gây thiệt hại nặng cho nông dân.

Phương Hà (TNO)

Bình luận (0)