Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Học sử ở bảo tàng – Mô hình cần nhân rộng

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 18/2010 về quy định tổ chức và hoạt động của bảo tàng, trong đó nêu rõ một trong những nhiệm vụ chính của hoạt động bảo tàng là tổ chức các chương trình giáo dục. Thời gian gần đây, công tác đưa học sinh đến bảo tàng học sử đã có nhiều biến chuyển, bước đầu tạo được sự gắn kết giữa nhà trường và bảo tàng, giúp việc dạy sử ở các trường phổ thông đạt hiệu quả hơn.

Đa dạng hình thức học tập

Nhắc đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM, em Nguyễn Thị Thu Trang, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) nhớ ngay đến phòng “Bồ câu trắng”. Đây là không gian được thiết kế riêng với cỡ chữ lớn, ít từ ngữ, nhiều hình ảnh minh họa lịch sử dành cho học sinh tiểu học. Sau khi nghe hướng dẫn viên thuyết trình về các hiện vật trưng bày liên quan đến chủ đề bài học trong sách giáo khoa (SGK), em và các bạn cùng lớp còn được hướng dẫn tham gia các trò chơi mang ý nghĩa giáo dục, như thi vẽ tranh chủ đề hòa bình, nặn tượng chim bồ câu bằng đất sét, đố vui về các nhân vật lịch sử…

“Vừa được các thầy cô giảng giải, vừa được trực tiếp ngắm nhìn, chạm tay vào những hiện vật mang ý nghĩa lịch sử khiến tụi em rất hào hứng. Bạn nào cũng thuộc bài rất nhanh mà không cần thầy cô nhắc nhở”, Thu Trang cho biết. Ngoài ra, ở Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh còn tổ chức một số hoạt động vui chơi, giải trí theo kiểu “học mà chơi, chơi mà học” như đố vui theo chủ đề “Nam Bắc một nhà”, nhận diện nhân vật lịch sử hay giải ô chữ liên quan đến các sự kiện lịch sử, thu hút rất đông sự tham gia của học sinh.

Một giờ học môn Sử của học sinh tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM.

Đối với các bậc học lớn hơn, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, chi nhánh tại TPHCM có câu lạc bộ “Em yêu lịch sử” dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn TP. Riêng ở bậc tiểu học và THCS có hội thi vẽ với chủ đề “Kinh đô Thăng Long qua trí tưởng tượng của tuổi thơ”. Đặc biệt, với học sinh hai khối 6, 7 của Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), các em được trực tiếp học sử ngay tại bảo tàng. Thông qua việc hợp tác soạn giáo án giữa giáo viên bộ môn và cán bộ thuyết minh tại bảo tàng, một tiết học sử 45 phút thay vì học 100% lý thuyết trên lớp sẽ được rút ngắn còn 30 – 35 phút. Trong khoảng 10 – 15 phút còn lại, học sinh được chính nhân viên của bảo tàng minh họa bài giảng trên cơ sở các tư liệu, hiện vật tại phòng trưng bày giúp các kiến thức lịch sử trở nên gần gũi, dễ nhớ, dễ hiểu hơn. Song, theo phản ảnh của nhiều phụ huynh, số lượng các buổi học ngoại khóa như thế chưa nhiều, việc đưa học sinh đến tham quan, học tập tại bảo tàng cũng chưa đồng đều giữa các khối lớp.

Mở rộng đối tượng phục vụ

Nhận thức được tầm quan trọng của việc mở rộng đối tượng phục vụ, vừa qua, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã thành lập hẳn một trang facebook nhằm chia sẻ về các hoạt động, tạo thêm kênh giao tiếp giúp quảng bá hình ảnh của bảo tàng. Sau chương trình Trung thu tình nguyện năm 2013, trang facebook này đã cập nhật ngay một status (câu mô tả trạng thái – PV): “Chương trình tình nguyện đã khép lại nhưng dư âm của những cảm xúc, nụ cười, những giọt mồ hôi sẽ vẫn còn mãi. Chúc các bạn tình nguyện viên thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống. Hãy luôn giữ ngọn lửa nhiệt tình trong tim và sẽ mãi đồng hành với Bảo tàng Dân tộc học trong việc giữ gìn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc”. Cho đến nay, thông điệp này đã nhận được hàng trăm lượt like (chia sẻ sự đồng ý – PV) và thảo luận của các thành viên trong diễn đàn.

Ông Châu Phước Hiệp, Phó giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TPHCM cho biết, vừa qua, việc tổ chức giao lưu giữa học sinh các trường THCS trên địa bàn TP với nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã tạo thêm một hình thức học tập vô cùng mới mẻ, thoải mái đối với học sinh. Những giờ học mang tính giao lưu như thế đã nhận được phản hồi rất tốt từ phía phụ huynh. Đặc biệt, với việc tổ chức chuyên đề “Trẻ em thời chiến”, trong đó có việc tìm hiểu, tiếp cận và chụp ảnh với các hiện vật “người thật, việc thật” trong thời chiến đã thu hút được sự quan tâm rất nhiệt tình của các em. Trong năm 2013, bảo tàng còn đưa triển lãm “Trẻ em thời chiến” đến các trường tiểu học vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện Hóc Môn và xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đặc biệt, lần đầu tiên Bảo tàng Lịch sử Việt Nam sử dụng cả công nghệ tương tác 3D vào việc tổ chức hình ảnh khiến học sinh vô cùng thích thú.

Qua đó cho thấy, để môn Sử bớt trở nên khô khan, nhàm chán, những tiết học trực quan, sinh động như thế là lựa chọn khôn ngoan của những người làm công tác giáo dục. Dù với hình thức tiếp cận trực tiếp hay gián tiếp, việc đưa học sinh đến với không gian học môn Sử tại bảo tàng đã gặt hái nhiều hiệu quả tích cực, góp phần vào việc đổi mới lâu dài phương pháp dạy và học môn Lịch sử. Tuy nhiên hiện nay, những sự phối hợp như thế chưa nhiều, mới chỉ mang tính cục bộ và manh mún giữa một số đơn vị. Về lâu dài, cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, đầu tư từ các cấp lãnh đạo để hoạt động dạy và học môn Sử ở các bậc học trở nên đồng đều, thành công và mang lại nhiều hiệu quả hơn.

THU TÂM (SGGP)

Bình luận (0)