Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Thương xá Tax đóng cửa: Ký ức vẹn nguyên

Tạp Chí Giáo Dục

Thương xá Tax sau ngày đóng cửa
14 giờ ngày 25-9 vừa qua, thương xá Tax có tuổi đời 134 năm ở trung tâm Sài Gòn đã chính thức đóng cửa. Với người Sài Gòn, trước và sau ngày đóng cửa, ai cũng ngậm ngùi…
Mai này, thương xá Tax, tức tòa nhà GMC của 134 năm trước sẽ là tòa tháp cao 40 tầng, dẫu biết việc quy hoạch phù hợp với nhu cầu phát triển của đô thị nhưng trong ký ức của người Sài Gòn, nó là một “biểu tượng”, khi không còn nữa, có gì đó tiếc nuối.
Chút hoài niệm
230 tiểu thương và cũng ngần ấy lao động phải chuyển địa điểm mua bán mới, việc làm mới chẳng mấy dễ dàng trong thời buổi khó khăn chung. Người bán hàng rong, quà lưu niệm quanh thương xá, nơi họ gắn bó nhiều năm cũng ngáp vắn ngáp dài đợi khách. Trở lại thương xá Tax sau ngày đóng cửa, chị Nguyễn Thị Bé, người bán hàng lưu niệm trên vỉa hè, gần cổng vào thương xá vừa cầm chiếc quạt phe phẩy vừa nói giọng buồn buồn: “Thương xá đóng cửa rồi, khách du lịch qua lại khu vực cũng không mấy người, buôn bán rất chậm”.
Từ bên ngoài nhìn vào cửa (cửa duy nhất mở sau ngày đóng cửa) nằm ở góc Nguyễn Huệ – Hàm Nghi, vài công nhân, bảo vệ đang tháo dỡ, di chuyển vật dụng. Bên trong tối om, vắng lặng, chốc  chốc nghe tiếng búa đập chát chúa tai. Chỉ hơn tuần trước, khách mua sắm ra vào thương xá tấp nập. Bây giờ, khách đến rồi lặng lẽ ra về, có người còn nán lại chụp ảnh thương xá đóng cửa đưa lên facebook, lưu lại chút kỷ niệm mà họ đã từng đến, từng chứng kiến đổi thay sau bao năm thăng trầm.
Hay tin thương xá Tax đóng cửa, chị Nguyễn Thị Huệ (thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) cố gắng thu xếp công việc để lên Sài Gòn tham quan, mua sắm vài món hàng ở đây nhưng không kịp. Chị Huệ cho biết, trước năm 1975, cha chị – ông Nguyễn Văn Hơn sống bằng nghề lái xe taxi tại đây. Thời điểm ấy, chị Huệ và đứa em trai thường được cha đưa ra bến xe, gần thương xá để tiện bề trông coi. “Hễ ba đi xe thì gửi cho mấy cô bán hàng trong thương xá. Hồi đó gọi là tòa nhà GMC, phía trên có xây tháp đồng hồ. Về sau, nhu cầu mở rộng nên đã cho đập bỏ và xây thêm một tầng nữa”.
Chị Huệ hồi tưởng: “Những năm 60, khi đã đổi tên thành thương xá Tax, cũng bán các mặt hàng cao cấp phục vụ giới thượng lưu Sài Gòn và điền chủ lục tỉnh Nam Kỳ. Tuy nhiên, mặt bằng được chia lại nhỏ hơn. Sau 1975, gia đình chuyển về Kiên Giang lập nghiệp, ít có dịp trở lại Sài Gòn. Những người kinh doanh ở thương xá sau này cũng đã đi nước ngoài hoặc đã mất. Số người là con cháu trong gia đình kế tục rất hiếm”.
Tuổi thơ của người Sài Gòn gắn liền với hình ảnh chợ Bến Thành, Nhà hát Thành phố, nhà thờ Đức Bà… trong đó không thể không nhắc đến thương xá Tax. Dù đã nhiều lần sửa chữa, đổi tên, cơ quan quản lý nhưng trong ký ức, một thương xá Tax vẫn vẹn nguyên qua hơn 100 năm.
Yên tâm về “nhà mới”
Anh Hùng, chồng chị Bé tâm sự, với du khách nước ngoài đến TP.HCM, thương xá Tax là một địa chỉ tham quan, mua sắm không thể thiếu trong chuyến du lịch. Thương xá đã đóng cửa nhưng nhiều du khách không biết tin đã đến rồi ngẩn ngơ nhìn, tiếc nuối.
Chị Nguyễn Thị Hải, tiểu thương kinh doanh quần áo ở đây chia sẻ: “Vài ngày trước khi thương xá chính thức đóng cửa, khách hàng đến mua sắm rất đông. Có người chẳng buồn trả giá, cố mua cho bằng được một món đồ để làm kỷ niệm. Với chúng tôi, phải xa ngôi nhà thứ hai của mình nhưng tình cảm của khách hàng đã làm ấm lòng. Tiểu thương chúng tôi tự hào đã góp phần làm nên thương hiệu mua sắm “Thương xá Tax” trong thời gian qua”.
Đóng cửa thương xá, có hộ kinh doanh đã tìm được nơi mua bán mới thuận lợi nhưng cũng có hộ đang chờ tin. “Việc tìm được một nơi mua bán đã khó, thích nghi với chỗ mới càng khó hơn. Nhiều năm đã quen khách, quen chỗ, về địa điểm mới đâu dễ trong một ngày một bữa. Dù biết rất khó khăn nhưng khi có thông báo của Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – Satra (đơn vị quản lý thương xá Tax – PV) về việc chính thức ngưng hoạt động thương xá, phục vụ thi công tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), tiểu thương ở đây rất ủng hộ. Đơn vị quản lý cũng đã làm tốt công tác kết nối với Trung tâm Sài Gòn Square để tìm nơi kinh doanh mới. Dù phải xa nơi bao năm gắn bó nhưng vì sự phát triển chung của thành phố, tiểu thương chúng tôi cũng vui”, bà Lan, chủ cửa hàng kinh doanh đồng hồ ở thương xá Tax khi còn mở cửa nói.
Bài, ảnh: Trần Anh
Từ GMC đến thương xá Tax
Thương xá Tax xây dựng theo kiến trúc Pháp kết hợp với đường nét văn hóa Á Đông, bên trên có tháp đồng hồ và đi vào hoạt động từ những năm 80 của thế kỷ XIX được mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC). Những năm 40, kinh doanh thuận lợi, nhu cầu phát triển thêm, GMC đã đập bỏ tháp đồng hồ và xây thêm một tầng nữa. Đến đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tòa nhà GMC được Hội Mậu dịch đổi tên thành thương xá Tax. Thương xá Tax được giao lại cho UBND TP.HCM quản lý sau 30-4-1975. Ngày 1-6-1978, thương xá Tax lại đổi tên là Cửa hàng phục vụ Thiếu nhi Thành phố. Năm 1981, UBND TP.HCM quyết định thành lập Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố (trực thuộc Sở Thương nghiệp) trên cơ sở sáp nhập Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi và các quầy hàng chuyên doanh trong tòa nhà. Cái tên thương xá Tax chính thức có từ 19-1-1998, sau thời gian ngắn mang tên Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn (Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – Satra). 
 
 

Bình luận (0)