Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Ngành thép trước sức ép hội nhập

Tạp Chí Giáo Dục

Ngành thép trong nước đang đối mặt với hàng loạt khó khăn do cung vượt cầu, sức mua giảm mạnh; đặc biệt, cạnh tranh ngày càng gay gắt trước sức ép hội nhập.

Đã có 7 nhà máy đóng cửa

Theo Bộ Công thương, trong tháng 8-2014, lượng thép cán ước đạt 291.100 tấn, tăng 15,6%; lượng thép thanh, thép góc ước đạt 294.600 tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ. Nhập khẩu thép các loại từ các thị trường trong tháng 8 tăng khá cao, ở mức 43,4% về lượng và 39,1% về trị giá. Tính chung 8 tháng, nhập khẩu thép các loại tăng 14,4% về lượng, tăng 7,1% về trị giá.

Trong khi đó, ghi nhận về thị trường cho thấy lượng tiêu thụ thép xây dựng cũng như giá bán thời gian gần đây giảm từ 200.000 – 600.000 đồng/tấn, tùy khu vực, do doanh số thấp, không ổn định. Các phương thức giảm giá chủ yếu được các nhà sản xuất áp dụng là hỗ trợ vận chuyển, tăng chiết khấu sản lượng, tăng hỗ trợ công trình. Các chủ cửa hàng vật liệu xây dựng khu vực TPHCM cho biết, nguyên nhân là do thị trường bất động sản vẫn trì trệ, dẫn tới hoạt động sản xuất thép phục vụ nhu cầu xây dựng chưa ổn định. Ngoài ra, các ngành công nghiệp khác sử dụng thép cũng chưa thể phục hồi, khi gặp phải sự hạn chế từ các chính sách đầu tư, thủ tục pháp lý khiến nền kinh tế khá ảm đạm. Chưa kể, ngành thép đang phải cạnh tranh gay gắt với thép Trung Quốc. Ngoài ra, do tình hình kinh tế trong nước vẫn khó khăn, sản lượng tiêu thụ chỉ tập trung vào những công trình đang dở dang, nhu cầu xây dựng khu vực dân dụng cũng giảm sút mạnh.

Trước tình hình tiêu thụ khó khăn, tồn kho cao, một số nhà máy khu vực phía Bắc đã phải dừng sản xuất. Tính từ đầu năm tới nay, chỉ riêng tại Hải Phòng đã có 4 doanh nghiệp luyện thép công suất 1 triệu tấn phải đóng cửa, 3 doanh nghiệp cán thép công suất 60.000 tấn cũng đã ngừng hoạt động, chưa kể một số khác đang hoạt động cầm chừng. “Chỉ với chừng ấy doanh nghiệp giảm, ngừng hoạt động đã buộc hàng ngàn lao động bị mất việc làm. Chưa kể, hàng loạt doanh nghiệp khác cũng đang “chết lâm sàng”, đứng trước nguy cơ phá sản, đặc biệt khi thép ngoại tiếp tục tràn vào theo lộ trình cam kết thương mại…”, ông Nguyễn Hoàng Trung, Công ty TNHH SX TM Trung Sơn, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lo lắng.

Sản xuất thép trong nước đang chịu nhiều áp lực trước sức ép hội nhập kinh tế.

Cạnh tranh khốc liệt

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, hiện nay công suất các nhà máy thép của Việt Nam là hơn 11 triệu tấn thép xây dựng, hơn 9,29 triệu tấn phôi thép, trên 2,1 triệu tấn ống thép… Ngành thép đang trong tình trạng cung vượt xa cầu, chưa kể các dự án đang trong giai đoạn xây dựng, khi đi vào sản xuất sẽ khiến tình trạng cạnh tranh ngay chính các doanh nghiệp trong nước ngày càng gay gắt. Sắp tới, khi hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết với các nước có hiệu lực, sức ép lên ngành thép nội địa càng thêm khốc liệt, ví như “trứng chọi đá”!

Mới đây, VSA đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, nêu ý kiến lo ngại ngành thép Việt Nam sẽ bị cạnh tranh với ngành thép lớn nhất thế giới là Nga và Trung Quốc. Cụ thể, VSA lo lắng về một trong những thỏa thuận mà Việt Nam đã ký kết là Hiệp định Hợp tác kinh tế toàn diện giữa Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc (ACFTA). Số liệu VSA nêu ra trong năm 2013 cho thấy, Trung Quốc là nước chiếm gần một nửa sản lượng thép trên thế giới và cũng là nước xuất khẩu mặt hàng thép sang các nước nhiều nhất. Đáng chú ý, thời gian qua thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào khiến nhiều doanh nghiệp thép trong nước phải lao đao. Do đó, vào ngày 1-1-2015, khi thuế nhập khẩu một số mặt hàng thép, trong đó có thép ống, như đã ký cam kết, giảm từ mức 5% hiện tại xuống 0% sẽ là một sức ép lớn đặt lên vai những nhà sản xuất thép Việt Nam. Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do với Liên minh hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan cũng làm tăng sức ép cạnh tranh lên doanh nghiệp thép nội địa. Trong đó, mặt hàng thép xây dựng sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn với ngành công nghiệp thép thế giới, nhất là nước Nga, lớn hơn rất nhiều so với nước láng giềng Trung Quốc.

VSA dẫn chứng, tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước của các doanh nghiệp sản xuất thép trong năm 2013 khoảng 4.000 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2014 khoảng gần 2.000 tỷ đồng. Con số này có thể không tăng trưởng hoặc giảm sút phụ thuộc rất lớn từ số lượng nhập khẩu thép vào Việt Nam với số lượng lớn cũng như chính sách bảo hộ của nhà nước đối với các mặt hàng này. Do đó, VSA kiến nghị các cơ quan nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp ngành thép xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại, như xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép chân chính. Đồng thời, VSA cũng đề nghị đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước. “Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, các doanh nghiệp ngành công nghiệp thép sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa hoặc phá sản, khi mặt hàng sắt thép của các nước được hưởng thuế suất 0% tràn ngập trong thời gian tới”, một cán bộ VSA nhấn mạnh.

THẢO TIÊN (SGGP)

Bình luận (0)