Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Sống động Hoàng Sa, Trường Sa

Tạp Chí Giáo Dục

Bản đồ Đế chế Trung Hoa do Business Atlas, Rand McNally xuất bản tại Chicago (Mỹ, năm 1904) thể hiện phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam
Đến với Triển lãm “Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo của Việt Nam” là đến với một kho tàng tri thức về lịch sử chủ quyền biển đảo.
Kho tàng tri thức về biển đảo
Bạn Nguyễn Thị Kim Oanh, sinh viên năm 2 ngành lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chụp hình lại từng tấm bản đồ, ghi chép tỉ mỉ từng ghi chú bên dưới vào cuốn sổ tay. Oanh nói: “Đây sẽ là những tư liệu quý cho luận án tốt nghiệp, cũng có thể là cho những công trình nghiên cứu về sau nếu có điều kiện học lên nữa”.
Một trong hàng trăm tư liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa thu hút sự quan tâm của nhiều giới là tờ tấu trình của Quan bố chính sứ tỉnh Quảng Ngãi. Tờ tấu ghi: “Ngày 19-7 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838). Quan bố chính sứ tỉnh Quảng Ngãi được ghi công bảy lần là Đặng Đức Thiệm kính cẩn tấu trình việc xin miễn trừ các hạng thuế thuê thuyền đi làm việc công, cúi mong bề trên soi xét. Ngày tháng giêng năm nay, tiếp nhận lệnh sai người đi lo việc công ở Hoàng Sa của Bộ công trong đó có một khoản: Năm nay kỳ hạn sai người đi Hoàng Sa để khảo sát, đo về toàn bộ vùng đó, thời gian định vào hạ tuần tháng 3 đến hạ tuần tháng 6 thì về thẳng cửa Thuận An đến Kinh. Bộ thần ấy còn gửi tư lệnh cho thuê, điều động trước hai thuyền cùng dân phu và dân thuyền để chuẩn bị cho việc sai phái, thay người. Vâng theo chỉ chuẩn của nhà vua, lần này thần đã thuê, điều động hai chiếc thuyền lớn tại bản hạt cùng với hai thuyền của tỉnh Bình Định đang neo đậu tại đây theo phái viên đến Hoàng Sa thực hiện công vụ. Nay thuyền đã trở về, thần xin đem số thuyền thuê quá lệ để xin miễn trừ thuế năm nay. Thuế khóa của thuyền bè là rất quan trọng, thần xin làm tờ tấu trình, cúi mong nhận được chi chuẩn. Tất cả hạng thuyền phải nộp thuế năm nay là bao nhiêu, cùng tên, tuổi, quê quán của chủ thuyền, theo từng khoản cung kính ghi phía sau. Thần kính cẩn tấu trình…”.
Một tài liệu khác mà theo ông Nguyễn Văn Tứ (P.5, Q.4) bảo rằng hồi giờ chỉ đọc được trên báo, nay mới được diện kiến. Đó chính là Bộ công tấu ngày 28-12 năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), ghi: Hoàng Sa là bờ cõi trên biển nước ta, hàng năm có phái binh thuyền đến thăm dò để thuộc lộ trình đường biển. Ngày tháng 6 năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), vâng theo lời huấn thị: Năm Thiệu Trị thứ 6 (1846), hoãn việc phái binh (đi khảo sát) đến năm sau phúc trình lại. Ngày tháng giêng năm nay, bộ thần đã phúc trình đầy đủ, được Châu phê: Đình (dừng lại). Đầu Xuân, đã đến kỳ đi khảo sát. Điều cần thiết là phải chuẩn bị đầy đủ trước. Nhưng xét thời gian này công việc quá bận rộn, xin dừng việc khảo sát đầu xuân năm nay, đợi năm sau phúc trình lại. Vậy xin tấu trình đợi chỉ, để chiếu theo thi hành. Vậy xin tấu trình. (Thần Nguyễn Hữu Độ phụng mệnh khảo; thần Nguyễn Trực phụng mệnh soạn thảo; thần Nguyễn Văn Điền, thần Trương Quốc Dụng, thần Nguyễn Đình Hưng phụng mệnh duyệt).
Chủ quyền trên bản đồ
Bản đồ vẽ xứ Quảng Nam trong Toàn tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, tự Công Đạo, soạn đời Chính Hòa (1680-1705), triều Lê có ghi địa danh Bãi Cát Vàng bằng chữ Nôm, ở ngoài khơi phủ Quảng Ngãi. Chú giải trên bản đồ: “Giữa biển có một bãi cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm đứng dựng giữa biển. Từ cửa biển Đại Chiêm (nay là biển Cửa Đại, TP.Hội An, Quảng Nam – PV) đến cửa Sa Vinh mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đây, đều cùng chết đói hết cả. Hàng hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến đây lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ và súng đạn”.
Triển lãm “Hoàng Sa và Trường Sa – Biển đảo của Việt Nam” đã trưng bày nhiều bản đồ là chứng cứ chủ quyền của hai quần đảo mà lâu nay, không ít người chỉ đọc qua sách báo. Triển lãm không chỉ thu hút các nhà sưu tầm, nghiên cứu lịch sử mà còn thu hút giới học sinh, sinh viên.
Cuối thế kỷ XVI, ở phương Tây xuất hiện hàng loạt bản đồ của các nhà hàng hải về khu vực biển Đông và Paracel (tức Hoàng Sa), trong đó tiêu biểu nhất là bản đồ do anh em nhà Van Langreen vẽ năm 1595. Theo tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã, bản đồ vẽ khá chi tiết, trình bày đẹp, phong phú, hình ảnh Hoàng Sa rõ ràng và điển hình ghi rõ: I.de.Paracel, quần đảo Hoàng Sa cùng với bãi ngầm và bãi cát Hoàng Sa được phân biệt rõ ràng với các đảo Pulo S.polo (Cù Lao Chàm), Pulo Catam (Cù Lao Ré), Pulo Campir (Cù Lao Xanh)… ở ven bờ. Đặc biệt trong đất liền về phía Việt Nam, khoảng khu vực bờ biển tỉnh Quảng Ngãi ngày nay, bản đồ có đánh dấu Costa de Paracel, khẳng định mối quan hệ hữu cơ giữa I.de Paracel (đảo Hoàng Sa) ở giữa biển Đông và Costa de Paracel (bờ biển Hoàng Sa) ở vùng Quảng Ngãi là cơ sở xác nhận chủ quyền tự nhiên và lâu đời của Vương quốc Chăm Pa và chúa Nguyễn đối với Hoàng Sa trước và trong thời điểm vẽ bản đồ.
Bản đồ Đế chế Trung Hoa thể hiện phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam do Business Atlas, Rand McNally xuất bản tại Chicago (Mỹ) năm 1904. Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ, thời nhà Thanh năm 1904 cũng ghi điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam. Bản đồ không đề cập đến hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa, tức 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bản đồ Trung Quốc do Atlas the World xuất bản tại London (Anh), hay như bản đồ các mỏ dầu và gas của Trung Quốc do Petroleum News SE Asia xuất bản tại Hồng Kông năm 1979 cũng thể hiện phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam.
Bài, ảnh: Trần Anh
 
Bạn Kim Oanh cho rằng, tuyên truyền về chủ quyền biển đảo không là trách nhiệm của riêng một cá nhân hay tổ chức nào. Càng tìm hiểu, càng đến với nhiều cuộc triển lãm càng thấy tình yêu dành cho biển đảo trong mình lớn hơn, nồng nhiệt hơn.

Bình luận (0)