Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giá sữa ở Việt Nam cao hay thấp?

Tạp Chí Giáo Dục

Ủy ban các công ty Dinh dưỡng thuộc Phòng Thương mại châu Âu (Eurocham NFG) vừa công bố khảo sát về giá sữa bán lẻ tháng 11- 2010 tại Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Đáng ngạc nhiên là ủy ban này cho rằng, “giá sữa ở Việt Nam không phải là cao nhất ở châu Á”.

Thu nhập thấp nhưng người dân Việt Nam vẫn đang phải dùng sữa
với giá cao ngất ngưởng Ảnh: Phạm Yên.

Sự thật có phải như vậy?
Ủy ban này khẳng định, giá sữa trung bình của đại diện 4 nhãn hàng Enfa A+ , Dumex Gold, Nan 2, Anmum tại Việt Nam nằm ở mức thấp nhất trong khu vực châu Á, thấp hơn Singapore 62%, Indonesia 74%, Malaysia 32%, Trung Quốc đến 93% và đặc biệt thấp hơn Thái Lan 21%.
Kết luận này khá trái ngược với khảo sát trước đây của Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương). Cuối năm 2009, sau khi thu thập giá của 20 loại sữa thuộc 7 hãng sữa lớn (Abbott, Mead Johnson, Nestle, Dumex, Friso, XO, Dutch Lady) nhập khẩu vào các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Hàn Quốc và Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, giá sữa của Việt Nam vào hàng cao nhất.
Sữa Ensure Gold, Pedia Sure (của Abbott) nhập khẩu từ Mỹ, giá ở Việt Nam cao hơn ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia 20 – 30%. Sữa Enfa Grow, Enfakid, Enfa Mama… (của Mead Johnson) nhập khẩu từ Mỹ, tại Việt Nam cũng cao hơn Thái Lan từ 20- 70%. Cá biệt có sữa Dugro 1, 2, 3 của hãng Dumex tại Việt Nam cao hơn các nước Thái Lan, Malaysia, Indonesia từ 130 – 220%.
Thuế suất trung bình đối với sữa bột nguyên liệu và nguyên hộp nhập khẩu vào Việt Nam không quá 10%. Mức thuế này cao hơn của Malaysia, Indonesia. Do vậy, nếu giá sữa tại Việt Nam cao hơn của Malaysia cũng là điều bình thường. Tuy nhiên, Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, trên thực tế giá ở Việt Nam cao hơn từ 25 – 30%, có trường hợp cao hơn 200% so với Malaysia.
Trước những thông tin trái ngược này, ngày 21- 12, phóng viên đã trực tiếp sang thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) để xác minh giá thực của các sản phẩm sữa bán cho người dân Malaysia.
Kết quả chúng tôi thu thập được không khác nhiều so với số liệu mà Cục Quản lý Canh tranh đã đưa ra cách đây 1 năm. Cụ thể đối với sản phẩm sữa của hãng Dumex như sau: Sữa Dumex Dugro 1 (dành cho trẻ từ 1- 3 tuổi) giá bán ghi tại quầy là 24,5 Ringgit/túi loại 1 kg. Với tỷ giá quy đổi 1 ringgit bằng 7.000 đồng thì túi sữa 1 kg này chỉ có giá 171 nghìn đồng.
Đặc biệt, vào dịp Noel nên siêu thị SOGO còn có khuyến mại và giảm giá. Mức giá khuyến mại là gần 19 ringgit/túi 1 kg. Như vậy, trong dịp này người tiêu dùng Malaysia chỉ phải trả 133 nghìn đồng cho 1 túi sữa Dumex Dugro 1. (xem ảnh chụp hóa đơn do phóng viên mua sữa tại siêu thị SOGO)
Trong khi đó giá sữa chúng tôi ghi nhận được tại một cửa hàng trên phố Hàng Buồm chiều 24- 12 cho thấy, sữa Dumex tại Việt Nam cao hơn khá nhiều. Cụ thể, sữa Dumex Dugro dành cho trẻ từ 1- 3 tuổi, hộp thiếc chỉ có trọng lượng 800 gam đã có mức giá tới 292 nghìn đồng/hộp. Loại hộp giấy 700 gam cũng có giá trên trời là 245 nghìn đồng/hộp. Nhìn vào mức giá này để thấy, sữa Dumex Dugro nhập khẩu bán tại Việt Nam cao gấp đôi so với Malaysia.
Tương tự như vậy, đối với loại sữa Dumex Dugro 6 túi 1 kg (dành cho trẻ trên 6 tuổi), giá bán tại Malaysia là 24,1 ringgit (tương đương 168 nghìn đồng). Cũng loại sữa này hộp 800 gam tại Việt Nam giá đã lên tới 252 nghìn đồng.
Đối với sữa Enfakid A+ qua khảo sát của chúng tôi, giá tại Malaysia và Việt Nam khá tương đồng. Giá loại sữa này tại Malaysia là 36,8 ringgit/hộp 1 kg (tương đương 257 nghìn đồng/hộp). Trong khi đó, giá hộp sữa này tại Việt Nam là 253 nghìn đồng/hộp 900 gam.
Từ khảo sát độc lập của mình, chúng tôi có thể nhận định, giá một số loại sữa, nhất là sữa Dumex tại Việt Nam cao hơn khá nhiều so với Malaysia. Thông tin cho rằng, giá sữa tại Việt Nam thấp hơn 32% so với Malaysia là chưa chính xác.
Xin lưu ý, các thành viên của Eurocham NFG bao gồm các công ty như Dumex, Mead Johnson, Nestle và Fonterra. Do vậy, kết quả khảo sát trên khó có thể khách quan. Vấn đề là các cơ quan quản lý tại Việt Nam và người tiêu dùng cần phải có thông tin xác thực.
Phải chăng các hãng sữa ngoại đưa ra thông tin giá sữa tại Việt Nam thấp để rào đón cho một đợt tăng giá sữa mới?
Hà Nhân / TPO

Bình luận (0)