Một loạt số liệu “nóng” về các loại thực phẩm thiết yếu nhiễm vi sinh vật, sudan, ure, lưu huỳnh, sunfite, histamin… được Bộ NN-PTNT công bố vào sáng qua 19.10, tại cuộc họp bàn và triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản.
Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông cho biết, tất cả 20 mẫu thịt bò khô đang bày bán trên thị trường Hà Nội đều bị nhiễm E.coli; 3/20 mẫu nhiễm sudan – một loại hóa chất rất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm; 1/20 mẫu thịt bò khô tại TP.HCM nhiễm vi sinh vật samonela. E.coli và samonela là các vi sinh vật có thể gây bệnh đường ruột cho con người.
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cả 27 mẫu măng khô lấy tại Hà Nội, Hòa Bình, Lạng Sơn, Quảng Bình và Thanh Hóa đều chứa lưu huỳnh và sunfite. Hiện tại Việt Nam chưa có quy định giới hạn của lưu huỳnh và sunfite trong thực phẩm nhưng trên thực tế, việc sử dụng lưu huỳnh để sấy khô là phổ biến.
Măng khô sấy lưu huỳnh bị cơ quan chức năng thu giữ – Ảnh: Ngọc Minh
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, đơn vị hữu trách đã lấy 90 mẫu cá biển tại các tàu cá, cảng cá, bến cá và chợ để phân tích, đánh giá sơ bộ về nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả phân tích cho thấy, có 54/90 mẫu cá chứa dư lượng ure nhưng ở mức thấp, 15% mẫu cá lấy ở chợ bán buôn và 30% mẫu cá lấy ở chợ bán lẻ nhiễm vi sinh vật, trong đó có samonela.
Đáng chú ý, ông Tiệp cho biết, đã ghi nhận 14 mẫu cá chứa histamin vượt mức tối đa cho phép, trong đó 55% mẫu cá lấy tại các chợ bán lẻ nhiễm chất này. Nếu tồn dư chất này trong cá ở mức thấp sẽ gây ngứa, nếu cao sẽ gây ngộ độc. Thời gian qua, tại TP.HCM ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến histamin trên cá ngừ, cá thu được mua tại các chợ chiều gây ra.
Ông Tiệp cho biết thêm, trong 1 tháng qua, cơ quan hữu trách tiến hành lấy 182 mẫu rau quả tươi nhập khẩu, phát hiện 2 mẫu lựu nhập qua cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) chứa tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép 1,16 lần. Dự kiến từ 4-11.11 tới, cơ quan hữu trách của Việt Nam và Trung Quốc sẽ họp bàn xúc tiến thành lập tổ công tác hỗn hợp về kiểm soát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm nông lâm thủy sản của 2 nước.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, rau quả nhập khẩu ô nhiễm, chứa nhiều hóa chất độc hại không chỉ xuất phát từ lượng nhập khẩu và nhập lậu mà còn có yếu tố nội địa nên cần tăng cường thanh kiểm tra các mặt hàng sản xuất trong nước. Ông Phát yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm tra và có biện pháp chấn chỉnh tình trạng lạm dụng nhựa thông và hắc ín để làm lông gà, đồng thời tiếp tục nhanh chóng chọn ra những nhóm thực phẩm có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm cao để tập trung giám sát và công bố cho người tiêu dùng biết.
Quang Duẩn (TNO)
Bình luận (0)