Y tế - Văn hóaThư giãn

Tình bạn sâu đậm giữa Nữ hoàng Anh và người hầu Ấn Độ trẻ tuổi

Tạp Chí Giáo Dục

Gần đến giai đoạn cuối thời kỳ trị vì của mình, Nữ hoàng Anh Victoria đã phát triển tình bạn thân thiết với một người hầu Ấn Độ trẻ tuổi, đưa ông lên vị trí cố vấn đồng thời tạo ra dị nghị trong hoàng gia. Mặc dù sau khi Nữ hoàng Victoria qua đời, mọi bằng chứng về mối liên hệ giữa bà và người hầu Ấn Độ đều bị thành viên hoàng gia Anh “nhổ bỏ” nhưng sau 100 năm, các nhà sử học vẫn khám phá ra câu chuyện đặc biệt này.

Vào năm 1887, trong loạt sự kiện tổ chức lễ Golden Jubilee – kỷ niệm 50 năm Nữ hoàng Victoria trị vì, bà đã mời lãnh đạo nhiều quốc gia tới dự bữa tiệc lớn xa hoa. Abdul Karim – thanh niên cao lớn 24 tuổi là con trai của một phụ tá bệnh viện tại thành phố Agra (Ấn Độ) đã được lựa chọn làm một trong 2 người đóng vai trò “món quà từ Ấn Độ” tham gia hỗ trợ tổ chức bữa tiệc. 

Nữ hoàng Victoria và người bạn Ấn Độ Karim.

Nữ hoàng Victoria nhanh chóng để ý tới Karim và tình bạn của họ tiếp tục được kéo dài 14 năm sau đó. Karim trở thành người thầy hàng ngày dạy tiếng Urdu, phong tục Ấn Độ cho Nữ hoàng và còn giới thiệu với bà món cà ri gà. Đổi lại, Nữ hoàng Victoria tặng quà, trao danh hiệu cho người bạn Ấn Độ và đưa ông đi theo tháp tùng trong các chuyến công du châu Âu. 

Khi Nữ hoàng Victoria băng hà vào năm 1901, con cái bà đã đốt hết mọi lá thư bà gửi cho Karim. Trong khi đó, Karim bị đưa về Ấn Độ. Tuy nhiên, nhật ký của Karim và một số bức ảnh tư liệu còn sót lại đã được các nhà sử học phát hiện, từ đây câu chuyện được kể lại sau 100 năm dường như đã đi vào quên lãng.

Karim là con thứ hai trong nhà có 6 anh chị em. Cha của Karim là ông Haji Wuzeeruddin, trợ tá tại bệnh viện. Ông Wuzeeruddin đã thuê Maulvi – học giả Hồi giáo để dạy cho con trai. Nhờ đó, Karim được học cả tiếng Ba Tư và tiếng Urdu. Sau đó Karim được nhận vào làm thư ký tại một nhà tù ở Agra. Và John Tyler – người quản lý nhà tù đã lựa chọn cử Karim tới Anh. 

Trước đó, trong năm 1886, Tyler tham dự một triển lãm tại London để trưng bày các thảm dệt có nguồn gốc Ấn Độ. Nữ hoàng Victoria đã rất ấn tượng và đề nghị ông Tyler giúp chọn hai người Ấn Độ để hỗ trợ lễ Golden Jubilee của bà. Ngoài Karim, nhân vật còn lại được lựa chọn là Mohamed Buxshe, người giúp việc có nhiều kinh nghiệm từng làm việc cho một vị Tướng Anh. Trước khi tới London, Karim đã trải qua khóa học về nghi lễ hoàng gia và tiếng Anh.

Một bức tranh chân dung về Abdul Karim.

Nữ hoàng Victoria từng ghi lại cảm nhận của bà về lần đầu tiên gặp gỡ Karim, bà miêu tả chàng thanh niên Ấn Độ này "cao ráo với vẻ mặt nghiêm túc". Sau khi lễ Golden Jubilee kết thúc, Karim và Buxshe tháp tùng Nữ hoàng tới dinh thự mùa hè của bà tại đảo Isle of Wight. Tại nơi này, Karim đã gây ấn tượng với Nữ hoàng qua món cà ri gà chế biến bằng các gia vị anh mang từ Agra tới. Nữ hoàng Victoria đã khen ngợi đây là món ăn "tuyệt hảo" đồng thời bổ sung nó vào thực đơn của bà.

Thêm thích thú với nền văn hóa Ấn Độ, Nữ hoàng Victoria đã đề nghị Karim dạy bà tiếng Urdu. Để tăng giao tiếp giữa giáo viên và học sinh, Nữ hoàng Victoria tăng gấp đôi các bài học tiếng Anh cho Karim và chàng trai Ấn Độ này đã tiếp thu khá nhanh. Vài tháng sau đó, Nữ hoàng Victoria ban danh hiệu cho Karim là Munshi Hafiz Abdul Karim và anh trở thành thư ký Ấn Độ chính thức của bà đồng thời Karim được miễn các nhiệm vụ của người hầu. 

Điều này đã khiến hoàng gia Anh nổi giận. Trước khi Karim xuất hiện, người hầu thân cận nhất của Nữ hoàng Victoria là ông John Brown người Scotland. Khi Brown qua đời năm 1883, chưa có người hầu nào có thể thay thế được vị trí của ông trong vòng thân cận với Nữ hoàng Victoria. Do vậy, sự thăng tiến vượt mặt của Karim đã gây chú ý.

Ông Abdul Karim.

Trong những bức thư gửi Karim, Nữ hoàng Victoria đều ký tên "người bạn thân nhất của cậu" hoặc "người mẹ yêu quý của cậu". Nữ hoàng Victoria không chỉ cho phép Karim đưa vợ tới Anh mà còn mời cả cha và họ hàng của chàng trai này. Karim còn có xe riêng và chỗ ngồi đẹp nhất trong nhà hát opera.

Karim cũng gây thêm khó chịu cho những người ngoài cuộc khi đề nghị Nữ hoàng đảm bảo cho cha anh có được tiền lương hưu và thăng chức cho sếp cũ của cha anh ta. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng căn nguyên chính trong lòng thù ghét với Karim bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc trong thế kỷ 19. Việc một người Ấn Độ có vị trí ngang hàng với những người hầu cận da trắng của Nữ hoàng đã gây ra sự khó chịu. Không những vậy, việc anh này ngồi cùng bàn, chia sẻ cuộc sống hàng ngày với họ càng góp phần tăng giận dữ.

Nữ hoàng Victoria hoàn toàn nhận ra những thái độ hướng tới Karim và không hề chịu đựng điều này. Nữ hoàng Victoria tặng quà và trao danh hiệu cho Karim để đảm bảo rằng khi bà băng hà, người bạn Ấn Độ vẫn sống thoải mái và được nhớ đến.

Nữ hoàng Victoria còn trao tặng Karim một mảnh đất tại quê nhà của anh ở Agra. Trong di nguyện của mình, Nữ hoàng Victoria mong muốn Karim trở thành một trong những người tiễn đưa chính, đây là vinh hạnh chỉ thuộc về những thành viên hoàng gia hoặc bạn bè thân thích nhất.

Nỗi lo lắng của Nữ hoàng Victoria đã chính xác. Khi Nữ hoàng qua đời vào ngày 22/1/1901, các con của bà đã nhanh chóng xua đuổi Karim. Nhà vua Edward VII cử cận vệ tới nơi Karim và vợ đang sinh sống, tịch thu mọi lá thư từ Nữ hoàng và lập tức đốt hết chúng. Họ đề nghị Karim quay trở về Ấn Độ ngay tức khắc.

Các hậu duệ của Nữ hoàng Victoria không thể hoàn toàn loại bỏ Karim khỏi các dữ liệu nhưng đã nỗ lực để xóa nhiều dấu vết. Karim qua đời tại Agra trong năm 1909. Tuy nhiên, cuốn nhật ký của ông vẫn còn và được người thân lưu giữ cho đến ngày nay. Cuốn nhật ký đã miêu tả chi tiết về tình bạn không thể ngờ tới, vượt qua ranh giới sắc tộc và bắt nguồn từ món cà ri gà giữa ông và Nữ hoàng Victoria.

Hà Linh/Báo Tin Tức
 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)