Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến năm 2014 toàn thành phố có nhu cầu tuyển 265.000 chỗ làm việc, trong đó 130.000 chỗ làm việc mới.
Nhu cầu tuyển dụng tập trung nhiều vào những ngành nghề kinh doanh, dịch vụ-phục vụ, y tế-chăm sóc sức khỏe, du lịch, tu vấn-bảo hiểm, cơ khí, xây dựng, công nghệ thông tin, điện tử, điện-điện công nghiệp-điện lạnh… Ngành thương mại là ngành có nhu cầu tuyển dụng cao nhất, chiếm tới 35,08%.
Đóng gói mỳ sợi. (Ảnh minh họa: Đình Huệ/TTXVN)
Trong quý 1/2014, tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết tại thành phố không ở mức độ cao như năm nay. Nền kinh tế và thị trường bất động sản thành phố bắt đầu phục hồi nên thị trường lao động trong năm 2014 sẽ tăng trưởng ổn định.
Từ việc khảo sát nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp cũng như tổng hợp từ các sàn giao dịch-ngày hội việc làm và tại các Trung tâm giới thiệu việc làm… kết quả cho thấy trong năm nay, thị trường lao động thành phố với đặc điểm nổi bật là sự tái cấu trúc bộ máy nhân sự của nhiều doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng giảm việc làm nhiều lao động có trình độ chuyên môn.
Tình trạng lao động thất nghiệp một phần do sự chưa đồng bộ về số lượng, chất lượng đào tạo và nhu cầu sử dụng lao động; chất lượng, số lượng, cơ cấu đào tạo chưa đáp ứng, cân đối phát triển nhân lực đối với 4 nhóm ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố.
Trong tổng số sinh viên, học sinh sau khi được đào tạo, tìm việc làm chỉ có 50% là có việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt. Thị trường lao động thành phố luôn diễn biến trong tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn.
Trước tình trạng vừa thừa, vừa thiếu lao động chất lượng cao trong các ngành kỹ thuật, quản lý sản xuất kinh doanh, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin Thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác đồng bộ các hoạt động hướng nghiệp, tuyển sinh, đào tạo, thực hành gắn kết nhu cầu sử dụng lao động và phát triển nguồn nhân lực có kế hoạch, theo định hướng chuyên môn, chất lượng cao.
Thành phố cần đầu tư phát triển các hoạt động tư vấn quan hệ doanh nghiệp, thông tin nghề nghiệp-việc làm, tư vấn, giới thiệu việc làm tại các trường, cơ sở đào tạo.
Mặt khác cần xây dựng chính sách ưu đãi về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực đối với những ngành nghề chủ lực của thành phố và các ngành khoa học xã hội. Vấn đề đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên và người học nghề ở các trường học cần được thành phố tăng cường hơn nữa…/.
Thu Hoài (TTXVN)
Bình luận (0)