Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Bệnh sởi không chỉ là bệnh ở trẻ em!

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời gian qua, tại Hà Nội, đã xảy ra hàng trăm trường hợp người lớn mắc bệnh ban đỏ (sởi). Đáng lo ngại là trong những trường hợp này đã xuất hiện biến chứng nghiêm trọng, đe dọa đến sinh mạng người bệnh, khiến cho cộng đồng rất lo ngại…
Bệnh sởi lây truyền như thế nào?
Thực tế nhiều người lên cơn sốt phát ban nhập viện đều không khỏi bất ngờ khi biết bản thân mình mắc bệnh… sởi. Bệnh nhân cho biết, ban đầu chỉ sốt, ho, nhức đầu, 2 ngày sau thì trên người nổi mảng ban đỏ rất nhiều. Các mảng ban đỏ phát triển rất nhanh làm hoảng hốt và phải đến bệnh viện… Tại cơ sở y tế, các bác sĩ cho biết bệnh nhân là một trong số ít trường hợp người lớn mắc bệnh sởi đang nằm điều trị tại bệnh viện. Thực trạng làm cho người bệnh hết sức bất ngờ, vì từ trước đến nay nhiều người vẫn nghĩ rằng bệnh sởi là bệnh chỉ xảy ra ở trẻ em…
Tác nhân gây bệnh sởi là siêu vi trùng (virus) thuộc giống Morbibilli [họ Paramyxovi-ridae]. Bệnh sởi là tình trạng nhiễm siêu vi trùng cấp tính, lây truyền rất nhanh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, biểu hiện khởi đầu là hiện tượng sốt, viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho và xuất hiện nốt Koplik ở niêm mạc miệng (nốt này có màu đỏ sáng có chấm trắng ở giữa – đây là dấu hiệu chẩn đoán bệnh sởi điển hình). Đến ngày thứ 3, mảng ban đỏ xuất hiện. Đến ngày thứ 7 của quá trình phát ban từ vùng mặt, sau lan dần khắp cơ thể và diễn tiến trong thời gian từ 4-7 ngày. Sau khi các ban sởi lặn đi để lại nốt vằn (như da cọp) do hiện tượng tróc vẩy.
Trong giai đoạn phát bệnh, xét nghiệm máu sẽ thấy lượng bạch huyết cầu giảm. Sự lây nhiễm của bệnh sởi do siêu vi trùng từ những giọt nước bọt li ti ở người bệnh bắn ra khi nói và người lành hít phải khi tiếp xúc, do đó bệnh rất dễ lây lan thành dịch.
Sự nguy hiểm của bệnh ban đỏ chính là những biến chứng (complications) của bệnh, đó là sự nhân lên của siêu vi trùng sởi hoặc gây ra do bội nhiễm các vi trùng khác như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, viêm thanh quản và viêm não (ít gặp nhưng rất nghiêm trọng). Hầu hết các trường hợp tử vong khi bệnh ban đỏ xuất hiện thường không do siêu vi trùng ban đỏ mà do biến chứng (điều trị bệnh sởi không chu đáo đã tạo thuận lợi cho biến chứng nguy hiểm phát sinh!…) – Nguyên nhân tử vong thường chủ yếu là viêm phổi, đôi khi là viêm não-màng não. Bệnh rất nguy hiểm với trẻ em và đặc biệt là trẻ suy dinh dưỡng. Ở những trẻ này có thể kèm theo ban xuất huyết, ruột kém hấp thụ được chất đạm (protein), viêm tai giữa, cơ thể mất nước (dehydration), tiêu chảy, nhiễm trùng nặng ngoài da (tuy nhiên, hiện nay hầu hết trẻ em không còn mắc phải bệnh ban đỏ này do được tiêm thuốc chủng ngừa (vaccine) từ 9 tháng tuổi…).
Bệnh ở người lớn và trẻ em có gì khác nhau?
Biểu hiện lâm sàng của bệnh ban đỏ ở trẻ em và người lớn không có gì khác nhau. Tuy nhiên, do quan niệm bệnh ban đỏ chỉ gặp ở trẻ em vì vậy đã khiến cho người lớn chủ quan khi mắc bệnh, không ý thức được biện pháp cách ly, không có chế độ chăm sóc, dinh dưỡng, vệ sinh hợp lý nên đã lây truyền cho những người khác và có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên đối với phụ nữ mang thai thì bệnh ban đỏ không được đề cập nhiều về mức độ nguy hiểm đến thai nhi như bệnh rubella hay cúm.
Mặc dù bệnh ban đỏ không đến mức nguy hiểm như dịch SARS, cúm A H5N1 hay bệnh dại nhưng những biến chứng nặng nề vẫn có thể xảy ra nếu chúng ta chủ quan. Người lớn cũng có thể mắc bệnh ban đỏ nếu chưa từng mắc phải hoặc chưa được tiêm chủng (vaccine) phòng sởi (có nghĩa là cơ thể chưa có được miễn dịch (immunity).
Khi phát hiện bệnh nhân ban đỏ cần phải cách ly ngay: Khu vực dân cư có trường hợp được chẩn đoán chính xác là mắc bệnh sởi (hay gọi nôm na là dương tính (+) qua xét nghiệm huyết thanh học có thể tiến hành tiêm thuốc chủng hàng loạt cho cả người lớn.
Những trường hợp bệnh sởi nhẹ nên tự ý thức cách ly tại gia đình, theo chế độ chăm sóc dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân thật chu đáo.
Biện pháp dự phòng bệnh ban đỏ tốt nhất là tiêm thuốc chủng (vaccine) đơn thuần hay phối hợp mũi tiêm chủng ngừa sởi-quai bị-rubella theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng.
BS.PHẠM KHẮC TRÍ

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)