Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Các thuốc làm giảm thị lực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong sử dụng thuốc, có một số thuốc có tác dụng không mong muốn gây tổn thương thần kinh thị giác (thị thần kinh). Đây là một trong những nguyên nhân làm cho mắt giảm thị lực…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Các thuốc gây giảm thị lực
BS. Hoàng Thị Hạnh (Bệnh viện Mắt Trung ương) cho biết: Ethambutol có trong phác đồ điều trị lao là thuốc hay gây nhiễm độc thị thần kinh. Tổn thương thị thần kinh tùy thuộc vào liều dùng và thời gian dùng thuốc. Giảm thị lực sẽ xuất hiện khi dùng ethambutol tối thiểu 2 tháng và thường xảy ra sau dùng thuốc trên 4 tháng. Nhiễm độc thị thần kinh sẽ xảy ra sớm hơn nếu bệnh nhân có suy thận (do giảm đào thải thuốc). Và, với liều dùng ethambutol 25mg/kg/ngày hoặc liều cao hơn rất dễ gây nhiễm độc thị thần kinh. Ngoài ethambutol thì các thuốc như isoniazid (điều trị lao), amiodarone (điều trị loạn nhịp tim), chloramphenicol (thuốc kháng sinh) và rượu (thường có hàm lượng methanol cao), thuốc lá… cũng là những chất hay gây ra tổn thương này.
Ngoài ra, thiếu dinh dưỡng như thiếu vitamin nhóm B (đặc biệt là vitamin B1, vitamin B12..), axit folic cũng gây tổn thương thị thần kinh. Những người nghiện rượu và thuốc lá có nguy cơ cao tổn thương thị thần kinh do thiếu dinh dưỡng vì kém hấp thu vitamin B12.
BS. Hạnh cho biết thêm, ty lạp thể (mitochondria) đóng vai trò trung tâm trong việc duy trì chu kỳ sống của các tế bào hạch ở võng mạc. Thiếu vitamin, nghiện rượu và thuốc lá, sử dụng một số thuốc và hóa chất có thể ảnh hưởng đến sự photphoryl oxy hóa ty lạp thể sẽ gây tổn thương thị thần kinh.
Nhận biết thế nào?
BS. Hạnh cho biết, thường thị lực giảm dần ở cả hai mắt và mức độ giảm thị lực ở hai mắt tương đương nhau (nếu mức độ giảm thị lực hai mắt có sự khác biệt nhiều cần lưu ý đến bệnh lý khác). Rối loạn sắc giác như người bệnh không phân biệt được các màu đỏ – lục hay xanh – vàng thường là triệu chứng sớm nhất. Thị lực của hai mắt có thể sẽ giảm nhẹ hoặc giảm nhiều (bệnh nhân chỉ còn nhận thức ánh sáng) và không đau nhức mắt.
Cách xử lý
Trước hết, cần ngừng sử dụng và loại bỏ tác nhân gây nhiễm độc (như đã nói ở trên). Để điều trị bệnh thị thần kinh do thiếu dinh dưỡng, bệnh nhân cần có chế độ ăn cân đối, giàu protein và nhiều rau xanh. Bổ sung vitamin B (vitamin B1, vitamin B12, axit folic, polyvitamin) không hút thuốc lá và không uống rượu.
Đối với những trường hợp bệnh được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, thị lực sẽ phục hồi sau một vài tuần đến vài tháng. Nếu phát hiện muộn, có teo gai thị, thị lực có thể giảm vĩnh viễn.
Theo BS. Hạnh, bệnh thị thần kinh do nhiễm độc thuốc, hóa chất và thiếu dinh dưỡng có thể phòng ngừa bằng chế độ ăn cân đối, đủ dinh dưỡng, hạn chế uống rượu và hút thuốc lá. Khi sử dụng những thuốc có nguy cơ gây nhiễm độc thần kinh thị giác cần theo dõi định kỳ hàng tháng bằng việc khám thị lực, thị trường, sắc giác, soi đáy mắt để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Theo Phương Hà
Sức khỏe & đời sống

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)