Khổ qua hay còn gọi là mướp đắng thường được dùng làm nguyên liệu trong các món khổ qua nhồi thịt hầm, lẩu khổ qua cá thát lát… Trái vị đắng nên số người dùng được không nhiều. Song, đằng sau vị đắng của khổ qua là phương thuốc tuyệt vời chữa được nhiều bệnh.
Từ xa xưa, khổ qua đã là phương thuốc truyền miệng được nhiều người sử dụng. Trời nóng oi bức, cơ thể các bé nổi đầy rôm sảy, chỉ cần tắm khổ qua là hết. Cách tắm chữa bệnh như sau: dùng hai-ba trái khổ qua, bỏ ruột, xắt nhỏ, giã nhuyễn, dùng vải mùng vắt lấy nước cốt, sau đó pha nước ấm tắm cho bé. Chỉ trong từ hai-ba ngày, lượng rôm sảy trên toàn thân “lặn” đi thấy rõ. Để chữa ho, chỉ cần nấu từ một-hai trái khổ qua ăn mỗi ngày, cơn ho giảm dần. Nếu thấy sau một-hai ngày, cơn ho không thuyên giảm, mà ngày càng tăng, chứng tỏ đã nhiễm trùng có nguy cơ cao viêm phế quản, viêm phổi cần đi bác sĩ chuyên khoa để điều trị bằng kháng sinh, kháng viêm. Hạt khổ qua dùng để chữa viêm họng, chỉ cần nhai hạt khổ qua cho nát, nhả xác, nuốt nước sẽ thấy đỡ đau.
Ảnh: Gettyimages
Để giải nhiệt khi trời nắng nóng, người ta dùng các món gỏi khổ qua, khổ qua xắt mỏng xào trứng hoặc nhồi cá thát lát, nấu lẩu. Nhưng, tốt nhất là món khổ qua xắt mỏng ướp lạnh dùng với chà bông. Món này giữ nguyên lượng sinh tố C có trong khổ qua, giúp tăng cường sức khỏe, trợ lực cho hệ miễn dịch chống lại bệnh tật. Những người uống bia rượu nếu dùng món này làm mồi sẽ tốt cho sức khỏe vì khổ qua có công dụng giải độc rượu.
Khổ qua có tác dụng thanh nhiệt, gỉải độc và trừ mụn nhọt, vì thế những ai bị nổi mụn nên ăn khổ qua để có làn da láng mịn như ý.
Hiện nay, nhiều bệnh nhân tiểu đường quan tâm đển khổ qua vì công dụng trị bệnh của nó. Thực chất, khổ qua chỉ
hỗ trợ quá trình điều trị tiểu đường, ngăn ngừa biến chứng của bệnh nhờ công dụng giống như insulin điều hòa lượng đường trong máu. Tốt nhất nên dùng khổ qua dạng trái tươi. Nhưng ngày nay cũng có khổ qua dạng trà tiện dụng. Trà khổ qua làm từ khổ qua xắt mỏng, phơi khô, hãm như hãm trà uống mỗi ngày, vừa ổn định nồng độ đường trong máu, vừa có công dụng an thần, hỗ trợ tiêu hóa.
Khổ qua “dễ tính”, không đòi hỏi nhiều đất nên có thể trồng trong chậu hoặc cho leo hàng rào. Đất tốt, khổ qua cho trái to và dài, đất cằn cho trái nhỏ. Nếu trong nhà có người bị bệnh tiểu đường chỉ cần trồng hai-ba dây khổ qua là có đủ “thuốc” để dùng mỗi ngày. Khi cây cho trái ít đi, hãy tận dụng cả dây và lá xắt nhỏ, phơi khô làm trà. Dây và lá khổ qua cũng có công dụng hỗ trợ điều trị tiểu đường.
Ăn nhiều khổ qua ảnh hưởng hấp thu canxi có trong thức ăn, vì thế khi dùng khổ qua cần chú ý dùng thêm các món canh cua, cá cơm kho, cá hộp xốt cà, tôm kho thịt… để tăng cường lượng canxi cho cơ thể.
Tịnh An / Phụ Nữ
Bình luận (0)