Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nỗi khổ khi sinh con mọn

Tạp Chí Giáo Dục

Có con trong độ tuổi sinh nở là hạnh phúc của cả bố và mẹ. Ảnh: Lê Thị Phước

Trong thực tế, chuyện lớn tuổi sinh mọn không tốt cho cả mẹ lẫn con nhưng không phải ai cũng quan tâm và thấy hết những nguy cơ tiềm ẩn từ đó.
Cha già con cọc
Mặc dù chỉ có mỗi cô con gái đầu nhưng vợ chồng cô Nguyễn Thị K. (giáo viên một trường THPT ở quận Tân Bình) rất ngại sinh thêm đứa con thứ 2 vì kinh tế khó khăn. Thế nhưng sau đó, vì “nể lời” của anh em bà con dòng họ, năm 1999 vợ chồng cô K. quyết định sinh thêm một đứa nữa cho “có chị có em”. Lúc này, cô K. đã ngoài 35 tuổi nên cuộc “vượt cạn” diễn ra không được suôn sẻ như lần trước. Mặc dù sinh đủ tháng đủ ngày nhưng bé cũng chỉ nặng 2,4kg. Từ đó, vợ chồng cô lại một lần nữa lao đao vì đứa trẻ bị suy dinh dưỡng. Cô K. cho biết: “Nếu như con chị khỏe mạnh rất ít khi phải bồng lên bệnh viện thì con em lại đau ốm liên miên. Hết viêm phổi lại sang viêm phế quản và còn có triệu chứng suy tim nhẹ”. BS. Lại Thị Thanh Cần – Khoa Sản Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM  khuyến cáo: “Các chị em phụ nữ mang thai khi đã ngoài 35 tuổi phải đối mặt với nhiều nguy cơ bệnh tật như: Tăng huyết áp, tiểu đường và cả bị sản giật”. Theo BS. Cần, phụ nữ tuổi càng cao thì môi trường tử cung thay đổi và không đạt được mức độ lý tưởng cho sự phát triển bình thường của bào thai như trước đó. Đây cũng là yếu tố làm cho người sản phụ dễ sinh non không đủ tháng và nguy cơ này ở người lớn tuổi cao gấp nhiều lần so với chị em ở độ tuổi sinh sản”.
Một trường hợp khác, do bị cuốn vào công việc và học lên chương trình thạc sĩ nên anh Trần  Quốc Đ. (giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) lấy vợ khi đã ngoài 35 tuổi. Một năm sau, đứa con trai đầu lòng ra đời nhưng vợ chồng anh thật sự lo lắng vì cháu bị còi cọc. Khi được 9 tháng, bé chỉ nặng 7,5kg và rất lười ăn. Không chỉ bị suy dinh dưỡng độ 1, cậu con trai còn chậm nói và chậm phát triển trí não. Đúng như dự đoán của một số người, các BS Bệnh viện Nhi đồng 2 kết luận cháu mắc bệnh tự kỷ. Lại một lần nữa, cả vợ chồng anh và hai bên nội ngoại chạy đôn chạy đáo tìm thầy tìm thuốc để chữa trị. Bây giờ anh Đ. mới cám cảnh “cha già con cọc”.
Đừng mắc phải sai lầm
BS. Lại Thị Thanh Cần cho biết: “Về mặt khoa học, khi lớn tuổi con người không còn giữ được phong độ như xưa. Chất lượng tinh trùng của đàn ông yếu hơn nên dễ xảy ra tình trạng đột biến di truyền. Chỉ số IQ của đứa trẻ sinh ra cũng không bằng chị bằng anh của nó. Những đứa trẻ tự kỷ hay suy tim, suy yếu não thường được sinh ra từ những ông bố lớn tuổi. Ở độ tuổi qua 35, chất lượng trứng của phụ nữ cũng không đảm bảo và tỷ lệ thụ thai cũng thiếu nhạy bén hơn. Khi độ giãn nở khung chậu của người phụ nữ yếu kém thì việc lưu giữ thai nhi vô cùng khó khăn đó là chưa nói đến chuyện “vượt cạn” thường hay bất trắc, khó được “mẹ tròn con vuông”…”.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn có quan niệm sai lầm con cái là của trời cho sinh khi nào mà không được, chờ khi nào kinh tế khá giả cuộc sống ổn định rồi mới sinh con. Do cuộc sống hiện đại và xu thế thời cuộc, không ít bạn trẻ thích kết hôn muộn nên tình trạng sinh con sau 35 tuổi hầu như đang phổ biến. Một số cặp vợ chồng sau khi ăn nên làm ra nên cố “mót” thêm một chút “lộc” lúc tuổi đã về già nhưng họ đâu có biết rằng, có nhiều nguy cơ tiềm ẩn vẫn đang rình rập khi người cao tuổi sinh con mọn. “Việc sinh con lúc nào là do hai vợ chồng quyết định, nhưng phù hợp nhất là sau độ tuổi 20 và trước tuổi 35 – BS. Lê Thanh Nghị, Khoa Sản Bệnh viện huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đã khuyên như vậy.
Hương Thủy

Bình luận (0)