Sinh viên vừa xem World Cup vừa… cá độ |
Hiện tượng sinh viên (SV) bài bạc, cá độ bóng đá, bỏ dở học hành vì nợ nần không còn là chuyện lạ. Tuy nhiên, trong mùa World Cup 2010 này, tôi đã thật sự giật mình khi chứng kiến cảnh nhiều SV “lăn” theo trái bóng bằng những trò đỏ đen.
Từ cá độ cho vui
Chẳng biết từ bao giờ, những quán cà phê gần các trường ĐH, CĐ không đơn thuần là nơi để SV giải khát, nghỉ ngơi, hàn huyên với bạn bè mà đã trở thành những “sòng bạc” bất đắc dĩ. Gần 7 giờ tối ngày 17-6, theo chân nhóm SV Trường CĐ Công thương, chúng tôi tìm đến một quán cà phê trong con hẻm nhỏ cạnh trường để xem bóng đá. Kết thúc trận đấu giữa đội Argentina – Hàn Quốc, nhìn vẻ mặt u sầu của một thanh niên, tôi cứ nghĩ cậu ta buồn vì đội bóng mình yêu thích thất bại. Lân la bắt chuyện tôi mới biết cậu ta buồn vì thua độ. Đó chính là Nguyễn Văn H. – lớp Tự động hóa Trường CĐ Công thương. H. cho biết: “Hôm nay em xui thiệt, thua cả hai đầu. Argentina chấp 1,5 trái, em bắt kèo dưới. Cứ ngỡ giống mấy trận trước bắt kèo dưới sẽ ăn, nào ngờ… bắt tỉ số cũng thua, mà kết quả trận đấu cũng thua. Vậy là toi mất gần 2 chai (2 triệu)”.
Trường hợp như H. không phải là ít trong thời điểm mùa World Cup đang nóng dần. Ban đầu là cá độ trả tiền nước để xem cho vui. Dần dần chuyển sang một chầu ăn, và càng về sau càng “máu” hơn khi nhiều SV cá thẳng bằng tiền mặt. Những SV chơi để có cảm hứng xem thì thường bắt tỷ số với số tiền từ 20.000đ – 100.000 đ. Người nào có máu “đỏ đen”, ít thì độ từ 100 đến 400 ngàn đồng, nhiều thì cá cả tiền triệu (số tiền này đối với SV không phải nhỏ). Hiện nay, cá độ bóng đá trong giới SV rất phong phú, nhiều người đến thẳng quán cà phê, tụ điểm mình biết để bắt trực tiếp, kẻ lại nhắn qua điện thoại, cá với bạn bè…
Tối xem bóng đá, sáng thức dậy muộn, tóc tai bù xù, mắt thâm quầng là hình ảnh quen thuộc của những “con nghiện ” bóng đá sau một đêm “lăn” theo trái bóng. T., SV ĐH SPKT, từ đầu mùa đến giờ đã “bay” ít nhất 2 chai, nhưng khi hỏi, cậu vui vẻ đáp: “Có cá cược xem mới vui anh ơi”. Những tay “đỏ đen” này nếu may mắn thắng độ thì sáng hôm sau về phòng cùng bạn bè “lai rai”. Còn thua thì về nằm thừ ra, ôm đầu mà tiếc nuối, rồi đầu óc phân tán, sức khỏe giảm sút, việc học bị ảnh hưởng…
… Đến cảnh nợ nần
Là một tay ghiền cá độ hơn là xem bóng đá nên mọi hình thức cá cược, những tụ điểm đông người tham gia cá cược ở khu vực Thủ Đức, quận 9, Trần T.Q. (Trường ĐH Nông lâm) đều nắm rõ. Công việc chính của Q. là sáng ngồi quán cà phê phì phèo thuốc lá, đọc báo, lên mạng phân tích, nghiên cứu các trận đấu sắp diễn ra, chiều về ngủ một giấc, tối đến mấy quán quen xem có kèo nào “thơm” là “tung tiền” vào độ. Nghe kể Q. từng cầm hẳn số tiền 5 triệu (tiền học phí và tiền ăn) đem dồn vào một trận cầu, kết quả: trắng tay. Vì thua độ nhiều quá, muốn cứu vãn, Q. đã phải “cắm” cả xe máy, máy vi tính để tiếp tục “lăn” theo trái bóng.
Tương tự, Nguyễn Văn Đ. (Trường CĐ Công nghệ Dệt may thời trang) xem bóng đá thì ít mà ăn thua đỏ đen với trái bóng lại quá nhiều. Gặng hỏi mãi Đ. mới chịu nói: “Ban đầu cũng chỉ cá cho vui, nhưng dần dần thấy mình thắng hoài nên em bỏ tiền ra cá những độ lớn hơn, rồi “lậm” khi nào không hay. Trận Tây Ban Nha và Thụy Sĩ, em đã “nướng” sạch số tiền ba mẹ mới gửi lên, tháng này chắc phải đến tiệm cầm đồ cầm giấy tờ xe và chiếc máy vi tính để lấy tiền xài đỡ”. Bao nhiêu tiền cha mẹ còng lưng dưới quê gửi lên, Đ. đều nướng vào bóng đá. Tiền vay ngân hàng đóng học phí, cậu cũng mượn để dùng cho việc cá cược. Đ. chưa dừng bước vì luôn mong có thể gỡ vốn. Gỡ vốn đâu không thấy, chỉ thấy không có tiền trả nợ bạn bè, trong khi kỳ thi cuối khóa sắp đến mà chưa biết xoay đâu ra tiền để đóng học phí, nên mấy ngày nay Đ. không dám lên trường.
Bài, ảnh: Thái Khuê
Cá cược với bạn bè một vài ly nước, bữa ăn để xem World Cup thêm vui thì không có gì đáng nói, nhưng mê mệt, chạy theo máu đỏ đen để rồi tiền học phí, tiền nhà, tiền ăn cũng bay theo, lâm vào cảnh nợ nần, học hành sa sút quả thật không nên. |
Bình luận (0)