Hiện nay, thực trạng người dân lấn chiếm, san lấp kênh rạch làm nhà ở đang là vấn đề mà các cấp chính quyền lo ngại nhưng vẫn chưa giải quyết rốt ráo.
Biến kênh rạch thành nhà, xưởng
Thành phố càng phát triển, lượng dân cư đổ về càng đông, tất yếu sẽ dẫn đến việc thiếu nhà ở. Chính vì thế mà ở đâu có thể ở được, người dân đều tận dụng, kể cả việc lấn chiếm các con kênh, dòng sông dù trái pháp luật.
Tại các kênh Tàu Hủ (Q.8), kênh Lò Gốm (Q.6), rạch Ụ Cây (Q.8), rạch Ông Kích (Q.7)… hàng trăm hộ dân sống ở ven các con kênh này vô tư đóng cừ tràm, thậm chí san lấp để xây dựng nhà ở. Chi chít những căn nhà lụp sụp, giống như ổ chuột được dựng lên để họ trú nắng, trú mưa qua ngày. Tình hình lấn chiếm kênh làm nhà dẫn đến việc ô nhiễm môi trường là điều dễ dàng xảy ra, dòng kênh phút chốc biến màu, biến dạng và bốc mùi hôi thối.
Theo thống kê của TP thì trên 1.000km sông, kênh rạch chính đã có mấy chục ngàn hộ dân lấn chiếm. Nhiều nhất có lẽ phải kể đến kênh Đôi – kênh Tẻ có đến gần 5.000 hộ, rạch Tân Hóa – Lò Gốm có hơn 4.000 hộ…
Ông Nguyễn Văn Thạch – nguyên trưởng ban điều hành khu phố 1, phường Bình An, Q.2 cho biết “Từ năm 2002, tình trạng lấn kênh, san lấp diễn ra khá rầm rộ, người dân nhiều lần gửi đơn kiện lên chính quyền nhưng vẫn không nhận được giải quyết thỏa đáng. Hiện, phần đất bị lấn đã hơn 30,40m”. Ông cũng cho biết thêm Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức đổ đất san nền cách bờ sông Sài Gòn hiện hữu chỉ từ 10m đến 15m, tất cả biệt thự được xây dựng đều để kinh doanh. Ngoài việc xây biệt thự, nhiều công ty còn sử dụng phần đất lấn chiếm này để kinh doanh các quán ăn ven sông.
Tình trạng lấn chiếm vẫn đang có chiều hướng tăng lên. Đến cả những khu vực sạt lở cũng không thoát được nạn lấn chiếm. Theo chúng tôi quan sát được, tại kênh Giồng Ông Tố (Q.2) mặc dù có bảng cảnh báo là khu vực sạt lở nhưng người dân vẫn dựng nhà và sinh hoạt rất bình thường. Không chỉ ở tại quận 2, mà dọc sông Sài Gòn, tình hình lấn chiếm diễn ra ngày càng phức tạp. Và không chỉ người nghèo, người không có đất mà chính những công ty lớn cũng là đội ngũ lấn chiếm hùng hậu, làm cho sông Sài Gòn mỗi năm lại càng hẹp đi.
Đơn cử như rạch Ụ Cây, thuộc phường 9, 10, 11 (Q.8), hàng trăm hộ dân, mỗi người một vài mét dần dà con rạch bị thu hẹp, thay đổi dòng chảy của rạch, màu nước chuyển sang đen kèm theo đó là muỗi mòng và sự ô nhiễm tăng cao, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều người. Cuối năm 2009, Q.8 đã tiến hành Dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây di dời hơn 900 hộ dân đến khu chung cư Tân Mỹ (Q.7). Dòng kênh tạm thời được giải thoát, nhưng để có được một con rạch trong xanh như xưa thì không dễ.
Nhà trên rạch Ụ Cây đang dần được giải tỏa
|
Khó giải quyết triệt để
Việc san lấp, lấn chiếm vô tội vạ kênh rạch không chỉ gây nguy hiểm cho chính những người dân ở tại đây mà còn kéo theo những hệ quả xấu, các dòng kênh đang dần bị ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, việc lấn chiếm còn có khả năng làm xáo trộn dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, làm diện tích thoát nước tự nhiên của TP đã ít nay càng ít hơn, tình trạng ngập nước ở các con đường ngày càng thêm phần nghiêm trọng.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao tình hình lấn chiếm, san lấp diễn ra ngang nhiên và rầm rộ như thế mà chưa thấy cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để?
UBND TP đã ra quyết định nhà đất nằm trên diện tích san lấp, lấn chiếm trái phép sẽ không được cấp phép xây dựng, không hợp thức hóa nhà và xác lập quyền sử dụng đất. Các hộ lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất ven sông, suối, kênh, rạch, hồ trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ cũng sẽ không được Công an thành phố giải quyết cấp hộ khẩu. |
Nói về vấn đề này, bà Trần Thị Thu Trang – Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Quận ủy Q.8 cho biết: “Đa số các hộ dân sống ở rạch Ụ Cây đều có “thâm niên”, nhiều gia đình có con lớn lập gia đình, không đủ chỗ ở nên lấn thêm vài thước ra kênh, rất khó để kiểm soát. Một số người thì quá nghèo, vì không có đất nên họ mới phải ra kênh ở. Chúng tôi hiện vẫn đang tiến hành giai đoạn hai của Dự án chỉnh trang đô thị rạch Ụ Cây, sẽ di dời tiếp các hộ lấn chiếm kênh, hỗ trợ tái định cư hợp lý để người dân có thể sống tốt”.
Dự án chỉnh trang rạch Ụ Cây sẽ giải tỏa các nhà dân lấn chiếm kênh, bồi thường cho những hộ gia đình có hộ khẩu đúng theo quy định, đồng thời giúp những người dân này tái định cư ở nơi ở mới là khu chung cư Tân Mỹ (Q.7) là một cách làm hay. Ngoài số tiền bồi thường đất, các hộ dân còn được hỗ trợ tiền di dời. Đối với những hộ dân không có hộ khẩu do lấn chiếm kênh dựng nhà, đều thuộc diện không đủ điều kiện để tái định cư thì dự án giúp họ thuê căn hộ tại chung cư An Sương (Q.12).
Bài, ảnh: Tiểu Di
Bình luận (0)