Dấu tích dãy phòng biệt giam các nhà cách mạng như Tố Hữu, Nguyễn Chí Thanh chỉ còn lại là những đống bê tông đổ nát.
|
Được công nhận là di tích cấp quốc gia từ năm 1991, di tích nhà tù Lao Bảo thuộc khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) – một trong 5 nhà tù lớn nhất Đông Dương do giặc Pháp xây dựng giam cầm hàng ngàn chiến sĩ Cộng sản yêu nước – ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.
Chứng tích tội ác
Bà Võ Thị Thu Hằng, Phó ban quản lý di tích cho biết, năm 1908, thực dân Pháp quyết định xây dựng nhà tù Lao Bảo trên khu đất rộng tới 10ha để giam cầm chiến sĩ cách mạng. Lúc mới xây dựng, nhà tù Lao Bảo chỉ là hai dãy nhà làm bằng tre, gỗ và lợp ngói (gọi là lao A và lao B). Mỗi dãy nhà này dài 15m, rộng 5m, cao 2m, có thể giam được 60 người. Kế đó, thực dân Pháp lại cho xây dựng thêm 3 dãy nhà lao mới, bằng đá, rất kiên cố, bên dưới có nhà hầm, không có cửa sổ (gọi là lao C, lao D, hầm E)… Mỗi nhà dài 30m, rộng 6m, giam được 180 người. Trong khuôn viên nhà lao còn bố trí xưởng rèn để rèn xích trói tù nhân. Trong suốt 40 năm thực dân Pháp cai quản, nơi đây đã giam cầm hàng ngàn chiến sĩ Cộng sản yêu nước như: Nguyễn Chí Thanh, Hồ Bá Kiện, Trần Công Ái, Trần Hữu Dục, Trần Hoành, Lê Thế Hiếu, Trần Ngang, Đoàn Lân, Lê Thế Tiết, Tố Hữu… Không chỉ giam cầm những chiến sĩ Cộng sản Việt Nam, nhà tù Lao Bảo còn là nơi giam cầm, đày ải những người yêu nước và các đồng chí lãnh đạo của Lào. Sau ngày hòa bình, mỗi năm, di tích đón hàng ngàn lượt khách trong nước và quốc tế tham quan; các trường tiểu học và THCS đóng trên địa bàn cũng thường xuyên đưa hàng trăm lượt học sinh đến học lịch sử qua việc tham quan thực tế; lễ kết nạp hội viên, đoàn viên của các trường cũng diễn ra long trọng ở đây.
Hoang tàn di tích cấp quốc gia
Cuối tháng 8-2009, trong chuyến khảo sát nhà tù Lao Bảo do Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị tiến hành theo kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Trị, đã phát hiện dấu tích dãy nhà biệt giam gồm 14 phòng cùng với nhiều gông, cùm, xiềng xích… dưới độ sâu 2m. UBND tỉnh này cũng đã có kế hoạch phê duyệt dự án trùng tu tôn tạo di tích với mức đầu tư 20 tỷ đồng. Nhưng sau 5 năm kể từ ngày kế hoạch được ban hành, dự án vẫn nằm trên… giấy! Mục sở thị di tích cấp quốc gia này, chúng tôi không khỏi xót xa trươc cảnh hoang tàn đổ nát. Anh Nguyễn Văn Sỹ, hướng dẫn viên di tích cho biết, trước đây diện tích của di tích rộng đến 10ha nhưng nay một số hộ dân lấn chiếm xây nhà kiên cố, trồng trọt và làm sân chơi nên chỉ còn vỏn vẹn 3,5ha. Các dãy nhà lao qua bom đạn chiến tranh, sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và cả sự… lãng quên của con người nên giờ đây chỉ còn là dấu tích. Những cột bê tông trơ lõi thép nằm chỏng gọng. Ở dãy biệt giam những chiến sĩ kiên trung như nhà thơ Tố Hữu, tướng Nguyễn Chí Thanh thì chỉ còn những vòm bê tông gãy nát không khác gì đống gạch đá thải loại của một công trình nào đấy. Cây cối mọc tràn cả lối đi. Khách tham quan không khỏi giật mình bởi những cú trượt chân trên con đường đầy rêu mọc và muỗi bay vo ve trong không gian hoang vắng như chốn núi rừng hiếm người qua lại. Theo bà Võ Thị Thu Hằng, đây cũng là nỗi niềm trăn trở của những người làm quản lý bảo vệ di tích này nhưng số lượng nhân viên quá ít, vả lại việc trùng tu, tôn tạo thì phải hỏi… Trung tâm Bảo tồn di tích của tỉnh.
Rời di tích nhà tù Lao Bảo, nhìn những cột trụ bê tông lòi lõi thép cố ngoi mình chống chọi với mưa nắng thời gian, chợt thấy chạnh lòng trước sự suy tàn, hoang vắng của một di tích cấp quốc gia. Quảng Trị được xem là điểm kết nối các tuyến du lịch lớn trên lộ trình xuyên Việt, hành lang kinh tế Đông – Tây và con đường di sản miền Trung, thiết nghĩ hệ thống di tích cách mạng, trong đó có di tích nhà tù Lao Bảo cần được quan tâm bảo tồn, phục dựng mới có thể xây dựng thành công “thương hiệu” du lịch hấp dẫn, để lại dấu ấn trong lòng du khách cũng như mang tính giáo dục thế hệ trẻ về mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Ông Ngô Thanh Bảo, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị, cho biết: “Thời gian qua, mặc dù công tác đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội nhưng thực tế nguồn vốn đầu tư rất hạn hẹp. Kế hoạch trùng tu di tích nhà tù Lao Bảo đã có từ lâu lắm rồi nhưng không có kinh phí nên đành chịu”. |
Bình luận (0)