Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nhiều thách thức cho công tác y tế học đường

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều nguy cơ dẫn đến các bệnh không lây nhiễm, bệnh học đường trong trường học càng đặt ra vai trò của nhân viên y tế học đường. Tuy nhiên, thực tế công tác y tế học đường đang… vừa thiếu, vừa yếu.


Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học

Nguy cơ cao các bệnh không lây nhiễm, bệnh học đường trong trường học

Trong Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân viên y tế trường học tại TP.HCM do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây. TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm – Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cảnh báo, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở các thành phố có xu hướng tăng, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, giới trẻ. Năm 2020, tỷ lệ thanh thiếu niên từ 15-24 tuổi ở Hà Nội, TP.HCM hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử khá cao, tỷ lệ chung là 7,3%. Tỷ lệ này ở nam giới là 9,1%, nữ là 4,6%. Theo kết quả điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019, tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điện tử trong học sinh từ 13-17 tuổi phạm vi cả nước là 2,6%. Riêng học sinh khu vực thành thị con số này là 3,4%.

Nói thêm về chế độ ăn uống của học sinh từ 13-17 tuổi ở Việt Nam, bà cho biết, tỷ lệ học sinh uống nước ngọt có ga trên 1 lần/ngày đang có xu hướng tăng (30,17% năm 2013 lên 33,96% năm 2019). Tỷ lệ học sinh ăn thức ăn nhanh trên 3 ngày/tuần tăng mạnh trong các năm qua, từ 8,84% năm 2013 lên 17,09% năm 2019. Bên cạnh đó còn nhiều hạn chế về thực trạng vận động thể lực ở học sinh, thực tế chỉ 24,1% học sinh hoạt động thể chất ít nhất 60 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần như khuyến cáo của WHO đối với trẻ từ 5-17 tuổi; Chỉ 5,69% học sinh học thể dục hơn 3 ngày/tuần. Trong khi đó, trên 43% học sinh dành ít nhất 3 giờ trở lên/ngày cho các hoạt động ít vận động như sử dụng thiết bị điện tử, giải trí…

“Hút thuốc, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, thiếu vận động thể lực, thừa cân béo phì… đang là những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các bệnh không lây nhiễm trong trường học hay còn gọi là bệnh của lối sống như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, bệnh hô hấp mạn tính, ngoài ra còn có các vấn đề về sức khỏe tâm thần” – TS.BS Nguyễn Thị Hồng Diễm cảnh báo.

Cũng theo bác sĩ Diễm, tỷ lệ học sinh TP.HCM mắc các bệnh học đường, như cong vẹo cột sống, cận thị cao do các điều kiện liên quan đến môi trường sống, môi trường học tập của một thành phố lớn đặc thù. Việc học sinh ít có thời gian vận động thể chất ngoài trời cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến cận thị.

“Từ phía nhà trường phải xây dựng kế hoạch để học sinh được vận động thể chất nhiều hơn. Lớp học phải tăng cường ánh sáng, bàn ghế cần đúng chuẩn, thực đơn bữa ăn bán trú của trẻ phải đa dạng, nhiều vitamin để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho học sinh theo từng độ tuổi” – bác sĩ Diễm đề nghị.

Y tế học đường… thiếu đủ thứ

TS. Nguyễn Nho Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT chia sẻ, một thời gian dài, công tác y tế học đường chưa được quan tâm đúng mức, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc đến chế độ, chính sách cho cán bộ y tế, nên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của nhân viên y tế trong trường học.

“Tôi biết có nơi nhân viên y tế làm chân sai việc vặt trong trường, không được phân công nhiệm vụ cụ thể. Các chương trình tập huấn, bồi dưỡng chủ yếu mang tính thời vụ theo chuyên đề chứ chưa toàn diện và bài bản”, TS. Nguyễn Nho Huy thẳng thắn.

TS.BS Lê Văn Tuấn – Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT thừa nhận, việc sắp xếp các mô hình y tế học đường hiện nay chưa có hiệu quả, chưa được rà soát, thống nhất. Nhiều cơ sở giáo dục cần ưu tiên đội ngũ nhân viên chuyên trách y tế trường học nhưng chưa được bố trí trong khi đó có những cơ sở giáo dục nằm trên địa bàn thuận lợi, gần trạm y tế xã/cơ sở khám chữa bệnh song vẫn được bố trí nhân viên y tế chuyên trách. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khác của y tế học đường như giáo dục sức khỏe, tư vấn tâm lý, giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh môi trường… thì y tế cơ sở vẫn chưa thể đáp ứng.

Về thực trạng công tác phối hợp y tế trường học giữa cơ sở giáo dục với y tế cơ sở, các tổ chức liên quan, TS. Lê Văn Tuấn đánh giá, vẫn có sự phối hợp chưa hiệu quả, chưa nhận được sự quan tâm đầy đủ của các cấp ủy, chính quyền, ban ngành. Sự gắn kết giữa trường học và trạm y tế xã, cơ sở y tế trên địa bàn nhiều năm còn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trên thực tế, còn trên 1/3 tỉnh, thành phố chưa có ban chỉ đạo y tế trường học cấp tỉnh. Đội ngũ y tế trường học vừa thiếu, vừa yếu song lại chưa được đãi ngộ thỏa đáng, chưa có kế hoạch đầu tư.


Công tác y tế trường học đang ngày càng thách thức trong vấn đề chăm sóc sức khỏe học sinh trong trường học

“Từ cổng trường bước vào trong trường, nhìn đâu cũng thấy việc của y tế trường học. Nếu làm cho đúng thì công việc của nhân viên y tế thậm chí còn… bận hơn hiệu trưởng. Nhân viên y tế học đường không phải là “đầu sai” cho hiệu trưởng mà là người “gác gôn” cho hiệu trưởng, tham mưu cho hiệu trưởng để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe học sinh như dinh dưỡng hợp lý, bữa ăn đảm bảo, phòng chống bệnh học đường, vệ sinh trường học, tư vấn cha mẹ học sinh chăm sóc con em mình… Vậy nhưng, thực tế đội ngũ nhân viên y tế học đường còn ngại ngùng khi trao đổi với hiệu trưởng, với cả phụ huynh…” – TS. Lê Văn Tuấn chia sẻ.

Trong khi đó, từ thực tế yêu cầu chăm sóc sức khỏe học sinh trong trường học hiện nay, TS.BS Đỗ Thiện Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhìn nhận, một trong những bất cập đối với công tác quản lý và theo dõi sức khỏe học sinh hiện nay là chưa có phần mềm quản lý, tiền sử bệnh tật của học sinh chủ yếu do phụ huynh khai báo. Khi học sinh có biểu hiện bất thường về sức khỏe, nhân viên y tế học đường chỉ có một cách duy nhất là tra cứu sổ theo dõi sức khỏe học sinh, dù thông tin khai báo có thể không rõ ràng, bệnh tật đã có nguy cơ lây lan từ trước đó.

“Nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với trung tâm y tế dự phòng để nắm thông tin các trường hợp học sinh mắc bệnh truyền nhiễm, từ đó chủ động có biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây lan trong lớp học” – bác sĩ Đỗ Thiện Hải kiến nghị.

Đỗ Giang Quân

Bình luận (0)