Hội nhậpThế giới 24h

Pháp – Ý hợp tác xây nhà máy điện hạt nhân ở Ý

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 25-2, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi và Tổng thống Pháp Nicola Sarkozy đã ký kết một thỏa thuận hợp tác song phương về điện hạt nhân, theo đó Pháp sẽ hợp tác giúp Ý xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân EPR (European Pressurized Reactor – nhà máy hạt nhân thế hệ ba).

Theo dự tính, nhà máy đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2020. Bốn nhà máy nói trên sẽ được xây dựng với sự hợp tác đầu tư chung giữa hai cơ quan điện lực nhà nước là EDF (Électricité de France) của Pháp và ENEL (Ente Nazionale per l’Energia eLettrica) của Ý, với công suất là 1.600 megawatt cho mỗi nhà máy, tổng cộng chung là 6.400 megawatt, tương đương 25% lượng điện tiêu thụ ở Ý.

Luật pháp hiện hành Ý cấm không cho phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Ý. Trước năm 1987, Ý có 4 nhà máy điện hạt nhân, nhưng sau khi xảy ra những sự cố tai nạn ở Nhà máy điện hạt nhân Three Mile ở Mỹ (1979) và Cernobyl ở Liên Xô (1986), công luận Ý trở nên dao động và “dị ứng” với hạt nhân. Do đó các tổ chức bảo vệ môi trường và các lực lượng chính trị cánh tả đã tổ chức trưng cầu dân ý năm 1987 với kết quả (hơn 80% cử tri) cấm không cho Ý có quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân và 4 nhà máy trước đây bị đóng cửa.

Nhưng từ đó đến nay các nước châu Âu khác vẫn tiếp tục phát triển điện hạt nhân, nhất là Pháp. Tính chung hiện nay châu Âu có tất cả 197 nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động. Do vậy, việc từ chối điện hạt nhân của Ý đã trở thành “vô ích”, vì bất cứ một tai nạn nào xảy ra ở một nhà máy hạt nhân tại Pháp, Thụy Sĩ hay Đức thì chắc chắn Ý cũng sẽ bị hệ lụy về nhiễm phóng xạ. Thêm vào đó, tình hình năng lượng ngày càng trở nên gay gắt khiến công luận Ý bắt đầu có những suy nghĩ theo chiều hướng xét lại.

Song, điện hạt nhân vẫn còn là một vấn đề rất “tế nhị” ở Ý. Chính phủ Berlusconi chuẩn bị đưa ra quốc hội dự luật cho phép Ý có quyền xây dựng nhà máy điện hạt nhân, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng thông qua.

Các tổ chức bảo vệ môi trường đang chuẩn bị phản đối dự luật nói trên, và điều này khiến việc ký kết hôm nay giữa Pháp và Ý chỉ là một thỏa thuận khung cho một chiến lược hợp tác, nhưng hoàn toàn không cụ thể cho biết là 4 nhà máy ấy sẽ được đặt ở đâu và trong điều kiện như thế nào. Điều này chắc chắn là để tránh những phản đối của công luận nước Ý.

THANH GƯƠNG (TTO)

Bình luận (0)