Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Từ bàn tay lén chơi game dưới ngăn bàn đến xem phim người lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Giao điện thoại cho con từ sớm để tiện học hành, đưa đón là việc nhiều phụ huynh đang làm. Thế nhưng, có phụ huynh đã rất sốc khi phát hiện con trai lớp 6 dùng điện thoại xem phim người lớn, nghiện điện tử, bỏ bê học hành.

Say sưa chơi game trong lớp học

Một giờ học Toán của học sinh lớp 2, Trường tiểu học tại Hà Nội, cô giáo say sưa giảng bài, nhiều học sinh giơ tay phát biểu, không ai biết ở góc cuối lớp, Minh Khôi giấu tay dưới ngăn bàn chơi điện tử.

Từ bàn tay lén chơi game dưới ngăn bàn đến xem phim người lớn ảnh 1

Học sinh sử dụng điện thoại trong lớp cho mục đích học tập được bao nhiêu thời gian là câu hỏi khó trả lời.

Đầu năm học, bố mẹ Khôi sắm cho con điện thoại “cục gạch” và khá yên tâm vì máy chỉ có chức năng nghe, gọi, nhắn tin. Ấy nhưng, trong đó, Khôi có thể chơi trò chơi điện tử có tên “con rắn”. Em cúi gằm mặt xuống chơi say mê đến hết giờ mà không cần biết cô giáo đang giảng bài gì. Ở trên bục giảng, cô giáo cũng bận say sưa giảng bài, đặt câu hỏi và tương tác với nhiều học sinh khác. Lớp hơn 50 học sinh, thật khó để giáo viên quan sát, quan tâm đến hết từng em.

Chị Thu, mẹ Minh Khôi than phiền: "Ở nhà con học không tập trung. Công việc bố mẹ bận rộn, thường về nhà sau 7 giờ tối. Do đó, gia đình phải thuê gia sư đến kèm con học mỗi tối với giá 200.000 đồng/buổi. Học trường công lập bậc tiểu học không mất học phí nhưng tháng gia đình phải chi đến 6 triệu tiền gia sư. Mình không đặt mục tiêu con phải giỏi, chỉ cần con theo kịp bạn bè ở lớp để giáo viên không phàn nàn”, chị Thu nói.

Đầu năm học 2022-2023, Gia Hưng, năm nay học lớp 4 một trường tiểu học khác tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) về “đòi” mẹ cho dùng điện thoại với lý do: “Cả lớp con có điện thoại gần hết rồi. Nhiều bạn còn được sắm iphone, samsung chụp ảnh, vào mạng để chơi trong lúc chờ bố mẹ đón cho đỡ chán”. Mẹ Gia Hưng đã phải dùng rất nhiều lý lẽ để thuyết phục con trở thành “trường hợp hiếm” trong lớp chưa dùng điện thoại ở bậc tiểu học.

Chị Nguyễn Thu Hà, có con học tiểu học và THCS tại Hà Nội cho biết, đến thời điểm này chị vẫn chưa cho con dùng điện thoại di động với nhiều lý do, trong đó, lo ngại lớn nhất là sợ con nghiện thiết bị điện tử, xao nhãng việc học. Dù biết, khi giao cho con điện thoại, cuối ngày, mình sẽ thuận tiện hơn khi gọi và biết con ở đâu trong trường để đón.

Lắm hôm, con tan học, chờ bố mẹ lâu quá, chui ra sân bóng đá hoặc một góc nào đó với bạn thì mình tìm mướt mồ hôi. Có hôm tìm con hơn 30 phút, vòng đi vòng lại khắp sân trường, cuối cùng phải nhờ thầy cô ở văn phòng gọi loa thông báo. Rút kinh nghiệm, chị dặn con, tan học chỉ chơi ở một khu vực nhất định để chờ mẹ đón.

"Mình kiên quyết không giao điện thoại cho con dù cháu có xin. Ở nhà, con được dùng máy tính để học trực tuyến hoặc tìm tài liệu phục vụ cho việc học, thậm chí được cả nghe nhạc, chơi game giải trí dưới sự giám sát của bố mẹ", chị Hà nói.

Mẹ sốc vì con lớp 6 xem phim người lớn

Giao điện thoại cho con từ sớm, chị Đặng Thị Vân An ở quận Ba Đình (Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng khi phát hiện con xem phim người lớn. Thông tin chỉ bị lộ khi vô tình, chị đọc được đoạn tin nhắn của con với các bạn trong nhóm kín. “Con học lớp 6 với mình vẫn còn rất bé bỏng, ngây thơ. Cả nhà 4 người vẫn ngủ chung 2 giường trong cùng một phòng nên mình không thể ngờ được con có thể tự tìm hiểu và xem phim người lớn như thế. Mình bàng hoàng, không biết phải mở lời để nói chuyện với con thế nào”, chị An nói.

Chị An cho biết, chiếc điện thoại đầu tiên con trai được dùng là năm lớp 3. Khi đó, chị đổi điện thoại nên cho con chiếc máy cũ với suy nghĩ đơn giản và cuối ngày gọi đưa đón con cho tiện. Thi thoảng kiểm tra, thấy máy con không có gì đáng nghi nên chị không bận tâm. Cho đến năm lớp 5, con được cho một chiếc smartphone khá mới. Điện thoại trở thành đồ vật cá nhân của riêng con và có cài mật khẩu riêng.

Lên lớp 6, giáo viên THCS bắt đầu than phiền về những buổi học con ngủ gật, có biểu hiện mệt mỏi và nằm rạp lên bàn mặc thầy cô giảng bài. Giáo viên gọi hỏi bài con không hợp tác, không ghi nhớ bài đã học. Cô giáo yêu cầu gia đình kèm cặp và có giải pháp hỗ trợ con học tập tốt hơn.

Khi con ngủ, chị mới lén đọc tin nhắn và lịch sử website con dùng mới tá hoả, con xem phim người lớn ở rất nhiều trang. Trong nhóm chát kín với các bạn, con không ngần ngại nói tục, chia sẻ chuyện có bạn gái và đã cầm tay, hôn nhau sau giờ học. Lo ngại con chìm đắm vào yêu đương, chị An đã “dạy dỗ” một trận lôi đình và phạt bằng cách tịch thu điện thoại. Thế nhưng, dùng thiết bị điện tử đã lâu, sau khi bị tịch thu, con lầm lì, chống đối, đóng kín cửa phòng, không giao tiếp với bố mẹ. Có hôm, con lén đi phòng internet ở ngoài để được lên mạng nói chuyện, chơi game.

“Choáng váng, bế tắc không biết phải giải quyết chuyện của mình thế nào, tôi đã tìm đến chuyên gia tâm lý xin được tư vấn để cứu con. Nếu để như thế, con sẽ hư hỏng mất”, chị An chia sẻ.

Điều 37, Thông tư 32 Điều lệ trường THCS – THPT của Bộ GD&ĐT cũng quy định các hành vi học sinh không được làm, trong đó có nội dung: “Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép”.

Giao điện thoại cho con từ bậc tiểu học, THCS có lẽ là việc không ít phụ huynh đang làm. Bộ GD&ĐT cũng không "cấm" việc học sinh mang điện thoại và sử dụng ở trường. Thậm chí, Thông tư còn cho phép học sinh sử dụng điện thoại cho việc học tập trên lớp nếu được giáo viên cho phép do đó, nhiều học sinh càng có cớ cũng như nhu cầu sử dụng điện thoại.

Tuy nhiên, trên thực tế, học sinh sử dụng điện thoại vào mục đích gì, trong thời gian bao lâu là chuyện rất khó để phụ huynh có thể kiểm soát.

Theo Hà Linh/TPO

 

Bình luận (0)