Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Không thể là “luật khung” thêm nữa

Tạp Chí Giáo Dục

Nền giáo dục đại học nước ta đang tồn tại nhiều vấn đề. Những hiện tượng như chỉ vài điểm cũng đậu đại học; các trường ngoài công lập đua nhau tuyển sinh, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền “dụ” sinh viên như những đợt khuyến mãi bán hàng tồn kho, lỗi thời… đang gây bức xúc dư luận. Một bộ luật điều chỉnh hoạt động giáo dục bậc đại học để lĩnh vực tối quan trọng này đi đúng hướng là cần thiết trong điều kiện hiện nay.
Thống kê của Bộ Giáo dục- Đào tạo cho biết, từ năm 1999 đến nay, số trường CĐ, ĐH ở nước ta liên tục tăng. Năm 1999 cả nước có 153 trường ĐH, CĐ thì đến năm 2004 số trường ĐH, CĐ tăng lên 230. Đến năm 2010-2011, số trường là 386. Tức là sau trên dưới 10 năm, số trường ĐH, CĐ tăng hơn 200%.
Chính vì vậy, những kỳ vọng vào một bộ luật dành riêng cho lĩnh vực giáo dục đại học (GDĐH) chắc chắn không ngoài việc đưa hoạt động này vào quy củ theo tinh thần của luật Giáo dục, một bộ luật được coi là khung pháp lý của hoạt động giáo dục nói chung. Tuy vậy, dự thảo luật GDĐH dường như lại mang dáng dấp của một “luật khung”. Tức là không cụ thể. Không ít tân sinh viên lo tương lai bấp bênh, chưa rõ “dịch vụ” mà họ bỏ tiền ra mua có đáng đồng tiền bát gạo, và ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu họ lỡ mua phải “hàng giả”?
Chỉ đơn cử một vấn đề mà thực tế đang đòi hỏi nhưng dự luật lại nêu chung chung, mơ hồ: đó là phân định rạch ròi khái niệm giáo dục có lợi nhuận. Cần phải minh định rõ ràng, các trường này với các trường phi lợi nhuận. Việc phát triển các ngành nghề, lĩnh vực chiến lược, lâu dài, mang tính công ích… cần được ưu tiên cho trường công với những chính sách đặc thù.
Nhu cầu kinh doanh giáo dục là hoàn toàn chính đáng, cũng chính đáng ngang với nhu cầu được thụ hưởng nền giáo dục tốt của người dân vậy. Nhưng khi đã minh định tiêu chí giáo dục có lợi nhuận thì cũng cần phải coi nó như một ngành dịch vụ, hơn thế còn là ngành dịch vụ đặc biệt với những điều kiện ngặt nghèo, chặt chẽ. Sản phẩm, dịch vụ mà các trường cung cấp không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người học mà còn tạo nguồn nhân lực, động lực phát triển xã hội, hoặc kéo chậm lại tốc độ hiện đại hóa, cường thịnh hóa đất nước. Khi đã coi giáo dục đại học là sản phẩm dịch vụ, trường đại học như cơ sở sản xuất kinh doanh thì tất nhiên họ có quyền tự chủ trong hoạt động.
Chính vì vậy, chắc chắn xã hội không mong đợi một bộ luật quan trọng và nóng bỏng như luật GDĐH tiếp tục ra đời dưới dạng “luật khung” với nhiều khiếm khuyết.
Theo Anh Minh
(TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)